Như VietNamNet đã đưa, thông tin từ Ban tuyên giáo TP Hải Phòng chiều 8/4 cho biết, nhiều người dân Hải Phòng nhận được tin nhắn với nội dung "…Tôi là Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang, đây là số điện thoại riêng của tôi, hãy lưu lại và hồi âm cho tôi". 

Một số người tò mò nhắn tin hồi đáp thì người nhắn tin ngỏ ý mượn hàng trăm triệu đồng để xử lý việc gấp và đề nghị chuyển tiền vào số tài khoản ngân hàng.

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng, tin nhắn trên có ý đồ lừa đảo, đề nghị ai nhận được tin nhắn thì phản hồi với cơ quan chức năng để phối hợp, xử lý. 

Hồi trung tuần tháng 3, Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh Ninh Bình) cũng phát đi thông báo: Trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số đối tượng giả mạo tài khoản Facebook, Zalo, gmail của lãnh đạo một số cơ quan thực thi pháp luật (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án) gọi điện cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng này cung cấp để chiếm đoạt.

Kẻ lừa đảo còn giả mạo tài khoản Zalo, Facebook, gmail của lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành, giám đốc các công ty…để nhờ chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp.

Hình ảnh đối tượng giả mạo lãnh đạo cơ quan nhà nước để nhắn tin lừa đảo qua zalo. Ảnh: Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Ninh Bình

Một kịch bản khác được kẻ lừa đảo áp dụng: Giả danh người quen, người có mối quan hệ với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan phụ trách các lĩnh vực trọng yếu để lừa đảo.

Đặc điểm chung của các đối tượng này giả danh là người quen của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các cơ quan phụ trách các lĩnh vực trọng yếu, cung cấp ảnh chụp, video của bản thân với các lãnh đạo (nhiều sản phẩm đã được cắt ghép, chỉnh sửa bằng công nghệ cao) để tạo niềm tin. 

Sau đó, chúng hứa hẹn có thể chạy án, xin việc, xin dự án…, nhận tiền của nạn nhân nhưng không thực hiện, lấy nhiều lý do để không trả lại tiền, thậm chí bỏ trốn...

Hồi cuối tháng 3, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang chỉ ra một số phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng như: 

Thông qua mạng xã hội, đối tượng sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của các lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và lãnh đạo huyện ủy, HĐND, UBND các huyện,… để lập Zalo, Facebook mạo danh. 

Sau đó kẻ lừa đảo dùng tài khoản mạo danh của lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và lãnh đạo huyện,… để kết bạn, nhắn tin vay mượn tiền của bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cấp dưới,… rồi thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Với thủ đoạn trên, một số người đã trở thành nạn nhân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. 

Giả mạo lãnh đạo, chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền

Đầu tháng 4, Công an tỉnh Sóc Trăng cho hay, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số đối tượng giả mạo tài khoản Facebook, Zalo của lãnh đạo các sở, ban ngành... để kết bạn với cán bộ, nhân viên cấp dưới, sau đó mạo danh chỉ đạo chuyển tiền phục vụ công việc cơ quan hoặc vay mượn xử lý công việc cá nhân gấp để chiếm đoạt.

Các đối tượng này truy cập vào Facebook cá nhân, tài khoản Zalo của các đồng chí lãnh đạo các sở, ban ngành... hoặc có thể thông qua thông tin được công khai trên cổng thông tin điện tử của địa phương để thu thập thông tin, hình ảnh cá nhân.

Tiếp đó, chúng thiết lập 1 tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo khác (tài khoản mạo danh) với tên tương tự và sử dụng hình ảnh thu thập được làm ảnh đại diện rồi kết bạn với những người có tên trong danh sách bạn bè của tài khoản thật hoặc có thể lấy thông tin công khai về cán bộ, công chức, viên chức cơ quan.

Đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách nhắn tin hỏi thăm, tạo lòng tin với những người vừa kết bạn để hỏi mượn một số tiền lớn, nhờ chuyển tiền cho người thân hoặc chuyển tiền để phục vụ công tác của cơ quan. 

Số tiền này thường được yêu cầu gửi vào một tài khoản ngân hàng của một người khác hoặc số tài khoản có tên tương tự lãnh đạo các sở, ban ngành... được chúng mua lại trên mạng và sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Ngày 19/3, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, đang điều tra vụ việc kẻ xấu lợi dụng không gian mạng mạo danh lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Khuyến cáo

Với tình hình tội phạm nêu trên, công an nhiều tỉnh đã đưa ra loạt cảnh báo. Công an tỉnh Ninh Bình khuyến cáo người dân khi tham gia, sử dụng, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, cần chọn lọc những thông tin nào có thể chia sẻ công khai; 

Định kỳ 3 tháng thay đổi mật khẩu các ứng dụng, dịch vụ mạng xã hội của cá nhân, lưu ý đặt mật khẩu gồm chữ hoa, chữ thường, số, ký tự đặc biệt;

Không cung cấp, công khai thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… lên các trang mạng xã hội, để tránh bị đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo.

Tuyệt đối không cung cấp, tiết lộ tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho người khác. 

Trước khi chuyển tiền cho người khác cần liên lạc qua các ứng dụng tin nhắn như messenger, Zalo, Viber, gmail… nên xác nhận bằng cách gọi điện đến người đề nghị chuyển tiền để xác nhận và không truy cập vào đường link lạ, khác thường có đuôi như .vip, .top, .cc, .bitly, .link, .tip, .apk…

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang khuyến cáo người dân cần cảnh giác với những yêu cầu chuyển tiền trên mạng xã hội, dù người yêu cầu tự xưng là lãnh đạo, người thân, bạn bè,… 

Công an tỉnh Sóc Trăng thông báo và đề nghị nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, khi phát hiện kẻ xấu mạo danh tài khoản mạng xã hội để lừa đảo đề nghị báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn các biện pháp bảo vệ tài khoản cá nhân, phòng tránh hậu quả, thiệt hại và phối hợp điều tra, xử lý đối tượng.

Công an tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, khi người khác hỏi mượn tiền qua mạng xã hội…

T.Nhung