Vịt Cổ Lũng thơm ngon 'hiếm có, khó tìm'
Vịt Cổ lũng là giống vịt đặc sản ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá. Giống vịt này có đặc điểm mình bầu, chân ngắn, cổ rụt và to, màu lông giống chim sẻ, đặc biệt quanh cổ có viền khoang trắng. Trước đây giống vịt này thường được bà con đồng bào vùng cao ở Bá Thước chăn nuôi nhỏ lẻ ở sông suối, đồng lúa gần nhà, chủ yếu ăn ngô, thóc.
Khu vực vịt Cổ Lũng sinh sống nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, giữa các dãy núi Nậm Bá, Nậm Mười, Pha Lé, Pù Luông, khí hậu quanh năm mát mẻ cùng với đó là các con suối nước trong xanh, sạch sẽ, nguồn thức ăn tự nhiên phong phú như ốc suối, cá nhỏ, tôm tép... Nhờ đó, vịt Cổ Lũng được xem là có hương vị đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ loài vịt nào.
Thịt vịt Cổ Lũng thường được chế biến thành các món như luộc, nướng, quay. Theo anh Vi Văn Tuấn (Pù Luông, Thanh Hóa), bếp trưởng tại một khu nghỉ tại Pù Luông: Giống vịt thuần ở đây hoàn toàn không có mùi hôi. Khi luộc, dù không cho các loại gia vị, vịt vẫn thơm, thịt ngọt, chắc, ít mỡ. Với món vịt nướng, anh Tuấn thường tẩm ướp gừng, xả, gia vị cơ bản như mắm, mì chính, bột nêm và đặc biệt không thể bỏ qua hạt mắc khén và mật ong. Vịt được ướp đều, massage trong 30 phút rồi mang đi nướng.
Chả tôm Thanh Hóa - món ngon khó quên
Chả tôm - món đặc sản Thanh Hóa nức tiếng gần xa, được làm từ nguyên liệu tươi ngon và bàn tay tỉ mỉ, khéo léo cùng tính kiên trì của người làm.
Tôm bột không cần loại to nhưng phải thật tươi, rửa sạch, đem hấp hoặc luộc qua để dễ bóc vỏ, bỏ đầu đuôi, chỉ đen ở sống lưng, rồi giã nhỏ. Bên cạnh tôm, phần nhân còn có ba chỉ rán vàng, băm lẫn hành phô, bánh phở cắt nhỏ, nêm gia vị vừa ăn, cho vào chút hạt tiêu tạo vị cay thơm. Để nhân chả có màu vàng đỏ đẹp mắt, khi giã nhân, người thợ cho thêm chút thịt gấc, trộn đều.
Phần vỏ ngoài của chả là bánh phở, loại dày và dai vừa phải để khi cuốn không bị rách, cắt đều mỗi miếng có chiều ngang chừng 4 cm, dài 7 cm. Người làm khéo léo rải nhân lên rồi cuốn nhẹ tay nhưng phải chắc, sao cho không bị hở và đều ngang nhau để khi nướng các miếng chả chín đều.
Ảnh: Ăn uống Thanh Hóa
Chả được kẹp vào những nẹp tre tươi hoặc xếp lên vỉ nướng, nướng trên lửa than hoa. Chủ quán tay quạt lò, tay lật vỉ thoăn thoắt để chả chín đều cả trong lẫn ngoài, và khi bỏ ra đĩa là những miếng chả tôm nóng hổi, lớp vỏ bánh hơi cháy, lấp ló nhân bánh vàng đỏ hấp dẫn, mùi thơm ngào ngạt. Nước chấm ăn kèm chả tôm cũng phải đủ vị, đu đủ xanh thái mỏng, quả sung thái lát, ớt tươi, tỏi, dấm, đường… làm dưa góp và nước mắm cốt pha loãng. Không thể thiếu rổ rau sống tươi ngon gồm rau diếp, mùi, húng…
Nem lợn mán ống luồng lạ miệng, thơm ngon nức tiếng xứ Thanh
Nem lợn mán ống luồng được sản xuất chính ở thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, Thanh Hóa.
Nguyên liệu chính để làm món nem là thịt lợn mán. Lợn phải là loại lợn đen, nuôi tự nhiên trong rừng. Sau khi giết mổ lợn, người thợ phải chọn những thớ thịt nạc tươi thái miếng cùng với da lợn thái mỏng, sau đó rắc thính ngô, đậu, tiêu, bột ngọt, đường tỏi...
Cùng với đó, ống luồng để bỏ nem phải chọn ống bánh tẻ để giữ độ ẩm cho nem và giữ được hương vị. Theo người làm nem, nếu luồng non quá sẽ khiến ống bị mốc, còn luồng già lại làm cho nem bị khô.
Khi ăn, nem có thể được chấm với tương ớt, nước mắm tỏi ớt và ăn cùng với các loại rau thơm, lá sung, đinh lăng... tạo nên hương vị chua, cay, chát, bùi. Đây cũng là món ăn không thể thiếu đối với nhiều gia đình mỗi dịp lễ hội.
Đặc sản nem vùi tro bếp ở Thanh Hóa
Không nổi tiếng bằng nem chua nhưng nem nướng cũng là một trong những đặc sản dân dã mà du khách không nên bỏ lỡ nếu có dịp ghé thăm Thanh Hóa. Món ăn này phổ biến nhất ở huyện Thọ Xuân, thường xuất hiện trong những mâm cỗ dịp lễ, Tết của người địa phương.
Nem nướng nơi đây được làm từ các nguyên liệu chính như thịt lợn, bột thính, gia vị (bột canh, hạt tiêu, tỏi), lá ổi hoặc lá đinh lăng,... Tùy khẩu vị và văn hóa từng địa phương mà người ta có thể thêm bớt các nguyên liệu khác nhau, tạo ra nhiều kiểu nem nướng như nem mỡ, nem nạc, nem có bì hoặc nem không bì,...
Thính là nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên hương vị của nem. Thính làm từ gạo tẻ hoặc ngô. Gạo, ngô cho vào chảo rang đến xém vàng, dậy mùi thơm rồi mang ra cối giã mịn. Thính phải giã bằng tay mới ngon và có thể nhìn thấy rõ những hạt thính nhỏ xíu bám chặt vào nem. Trộn đều thịt và bì lợn với các gia vị gồm hạt tiêu, bột canh, tỏi, mì chính,... Chờ khoảng 30-40 phút cho các nguyên liệu ngấm gia vị rồi nắm nem chặt tay thành từng bọc tròn.
Tiếp đến, trải lá đinh lăng và lá ổi bên ngoài rồi đặt nem vào giữa, cuộn chặt tay lại rồi bọc lớp lá chuối bên ngoài, gói lại sao cho thật vuông vắn và dùng dây cột lại. Thông thường, để nem nhanh chín và không bị hỏng, người ta thường gói nem bằng 3 lớp lá chuối. Nem nướng ăn ngon nhất khi còn nóng hổi. Thực khách có thể thưởng thức ngay hoặc chấm nem nướng kèm tương ớt, mắm chua ngọt.
Tổng hợp