(VEF.VN) - Nếu chủ trương kéo giảm lãi suất huy động về mức trần 14% đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực thi nghiêm khắc bao nhiêu, thì câu chuyện quản lý và bình ổn thị trường vàng lại đượm khí sắc bàng quan bấy nhiêu.

Những "bàn tay" đạo diễn

Ngày 26/9/2011 ghi dấu ấn trong lịch sử đầu cơ giá vàng ở Việt Nam, với độ chênh vượt của giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới có thời điểm lên đến 5 triệu đồng/lượng. Nhưng trong "ngày điên loạn" đó, không có một thông tin cảnh báo hay một động tác can thiệp nào của NHNN.

Chỉ sang ngày hôm sau - 27/9, khi giá vàng trong nước trở về trạng thái "bình ổn", tức vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng, cơ quan này mới có lời cảnh báo đầu tiên. Tuy nhiên, lời cảnh báo này không được kèm theo một động tác can thiệp nào nhằm xoa dịu tình trạng quá nghịch lý do đầu cơ vàng trong nước và giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới.

Còn nhớ vào đầu tháng 9/2011, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận định nếu giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 400.000 đồng/lượng là hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu bị làm giá, đầu cơ.

Song thực tế đã 10 lần vượt quá "biên độ" mà ông Nguyễn Văn Bình nêu ra. Trước đây, 1,5-2 triệu  đồng/lượng đã được xem là độ chênh lớn giữa giá vàng trong nước với thế giới. Nhưng lần này, vì sao giá trong nước lại cách biệt khủng khiếp đến thế so với giá thế giới?

Ngày 26/9 đánh dấu mốc kỷ lục giá vàng trong nước đắt hơn giá vàng quốc tế 5 triệu đồng/lượng (ảnh Phạm Hải)
Chỉ riêng ngày 26/9, biên độ dao động cực lớn của giá vàng trong nước đã mang lại một món lợi rất lớn cho nhóm đầu cơ lướt sóng. Không khác mấy thủ thuật đánh xuống trên thị trường chứng khoán, có thời điểm vàng trong nước đã bị ép về vùng giá 41-42 triệu đồng/lượng. Kết quả là những người mua được mức giá 42-43 triệu đồng/lượng đã có lời lớn ngay trong ngày hôm đó và cả sang ngày hôm sau khi giá vàng tăng lại.

Lại một lần nữa, dư luận và công luận ồn lên trong nỗi bức xúc khó tả về chuyện giá vàng trong nước bị đầu cơ, làm giá quá lộ liễu. Từ ngữ "lũng đoạn" cũng được phác ra, tuy chưa có ai chỉ đích danh đối tượng nào nhúng tay.

Vậy thực tế có hiện tượng lũng đoạn giá vàng hay không? Ai cũng biết là muốn làm điều đó, cần phải có sự cấu kết giữa một nhóm doanh nghiệp lớn chi phối thị trường, thực hiện nhiều thủ thuật đầu cơ như làm giá, tạo tình trạng khan hiếm giả tạo, gây nhiễu thông tin..., làm biến dạng không chỉ thị trường hàng hóa mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự thăng bằng của nền kinh tế, kể cả độ ổn định chính trị - xã hội.

Trong tuần lễ thứ ba của tháng 9/2011, những biểu hiện về thủ thuật đầu cơ đã hiển hiện một cách bài bản, từ những tin tức hạn chế cung vàng cho đến thu hẹp khoảng cách giữa giá mua và giá bán vàng như một tâm lý giằng co khiến người dân có cảm giác như giá vàng sẽ còn tăng nữa, bất chấp giá vàng thế giới khi đó đang có dấu hiệu đổ dốc.

Tâm lý bi quan về tình hình kinh tế thế giới cũng được lợi dụng khoét sâu, cùng với những dự báo được nhân rộng về giá vàng thế giới có thể nhảy lên mốc 2.000 USD/oz, thậm chí 2.500 USD/oz mà đã khiến cho người dân, nhất là những nguôi ít nghiên cứu biến động có tính quy luật của giá vàng thế giới, trở nên phát sốt, lo ngại khôn nguôi về việc giá vàng trong nước có thể phi mã lên 55-60 triệu đồng/lượng.

Nhưng đã chẳng hề có động thái can thiệp nào từ phía NHNN trong bối cảnh giá vàng trong nước được cố tình treo cao và tạo chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới. Vài chục tấn vàng cũng vì thế mà đã được các tổ chức kinh doanh vàng xả trót lọt với mức giá vùng đỉnh.

Đã bao nhiêu người dân mất tiền trong đợt vàng loạn vừa qua? (ảnh Phạm Hải)
Chuyện lũng đoạn giá vàng ở Việt Nam là có thực. Còn ai là kẻ lũng đoạn giá vàng thì không hiểu sao đã qua nhiều sóng vàng, vẫn không có cơ quan nào đưa ra được kết luận cụ thể. Còn người dân thì chỉ biết nhìn vào những công ty kinh doanh vàng lớn mà dị nghị, mà soi xét, nhìn vào SJC với mức độ khuynh đảo thị phần vàng của công ty này lên đến 60% mà đoán già đoán non.

"Những người ngoài cuộc"

Tuy thế, sau những ước đoán của người dân, mọi chuyện vẫn chỉ là mối hoài nghi mơ hồ.

Còn hơn cả điệp khúc tăng giá xăng dầu và giá điện, giá vàng tăng luôn tác động trực tiếp đến không khí giá tiêu dùng và chỉ số lạm phát. Chỉ trong 4 tháng cuối năm 2010, giá vàng tăng vọt 30% mà đã tạo ra hiệu ứng làm cho giá hàng tiêu dùng vọt lên đến 40-50% trong những tháng đầu năm 2011.

Có thể nói chính xác là, sau cơn khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, từ cuối năm 2010 đến tháng 8/2011, nền kinh tế Việt Nam đã rơi vào tình trạng đình lạm - lạm phát dâng cao cùng sản xuất bị đình trệ. Đó là một khoảng thời gian đau khổ cho rất nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng, người dân có mức thu nhập dưới mức trung bình.

Đến nay, bài học đau khổ trên vẫn chưa qua hẳn. Lạm phát vừa có dấu hiệu vãn hồi vào tháng 8 và tháng 9 năm nay, lại một lần nữa giá vàng trong nước bị khuấy động. Rõ ràng, các nhóm đầu cơ làm giá và trục lợi từ vàng đã bất chấp nỗi nguy hiểm còn nguyên chực chờ từ lạm phát, một lần nữa khiến cho chỉ số giá tiêu dùng có nguy cơ tăng trở lại.

Trong khi đó, những biện pháp kỹ thuật như tung quỹ dự trữ vàng, cho nhập khẩu... đã quá chậm, trong khi cái gốc để xử lý tình trạng làm giá là cần mạnh tay với hoạt động đầu cơ, lũng đoạn thì lại hổng. Chẳng lẽ cơ quan quản lý thiếu khả năng nhận biết ai và những thủ đoạn nào đã thao túng thị trường vàng?

Vàng không chỉ bị làm giá trong nhất thời. Độ chênh đến 5 triệu đồng/lượng do với giá vàng thế giới trong ngày 26/9 vừa qua, trong cái nhìn sâu xa hơn, đã trở thành tiền lệ. Tiền lệ này kéo theo tiền lệ khác, từ chênh 2 triệu đồng/lượng đến gấp đôi như thế. Thị trường vàng đang trở thành một sàn chứng khoán với các trò đánh lên đánh xuống. Và hơn cả thế, trong con mắt nhiều người dân, nó đã bị biến thành một nơi mà "Dân làm giàu cho doanh nghiệp vàng!".

Những diễn tiến như thế sẽ bỏ mặc yếu tố bất ổn do lạm phát tác động vào xã hội, mà sẽ chỉ nhắm đến biên độ lợi nhuận. Khi vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước sẽ tăng càng cao càng tốt mà độ chênh với giá vàng thế giới sẽ có thể không dừng ở mức 5 triệu đồng/lượng, mà có thể còn cao hơn nhiều, thậm chí đến 15-20% so với giá vàng thế giới.

Còn khi vàng thế giới giảm, bàn tay đánh xuống cũng có thể khiến cho giá vàng trong nước thấp hơn hẳn giá vàng thế giới, càng thấp càng có lợi cho "cá mập vàng" gom hàng để sau đó đẩy lên. Tương ứng với những tình huống ấy, chỉ số lạm phát và giá cả hàng hóa sẽ bị nhiễu loạn, khó có cơ sở khoa học để đánh giá về thực trạng lạm phát hay giảm phát...

Cuối cùng, ai là người có trách nhiệm làm cho cái "sàn vàng" công khai này được bình ổn và người dân đỡ nháo nhác?

Viết Lê Quân