Tôm lạ giá hơn 2 triệu đồng/kg được nhà giàu lùng mua
Tôm mũ ni đỏ được coi là dòng hải sản quý hiếm nhất trong họ nhà tôm. Theo Báo Dân Việt, trong khi giá của hầu hết các loại hải sản đều chứng kiến sự sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của Covid-19 thì loại tôm mũ ni đỏ luôn được neo ở mức cao. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra hơn 2 triệu đồng để mua 1 kg tôm này về thưởng thức.
Tôm mũ ni đỏ quý hiếm vì số lượng ít, chỉ sống ở các vùng biển có nhiều san hô, ăn các loại nghêu, ốc, bào ngư, hải quỳ nên vỏ của chúng có màu đỏ, thịt thơm ngon, giàu dưỡng chất hơn tôm mũ ni đen hay trắng.
Loài cá lạ giá 800 nghìn đồng/kg vẫn đắt hàng
Đây là loại cá nước ngọt thường xuất hiện vào mùa nước nổi, từ tháng 7-10 âm lịch, có tiếng kêu éc éc như tiếng heo kêu nên gọi là cá heo nước ngọt. Báo Dân Việt cho hay, cá heo nước ngọt thường sống ở những nơi có dòng nước chảy mạnh, có màu sắc khá đặc biệt với lớp da trơn bóng màu xanh, đuôi và vây có màu đỏ cam. Loại cá này chỉ nhỏ bằng 3 ngón tay, từ 50-80 con/kg và có nhiều ở sông Tiền và sông Hậu.
Sau khi chế biến, cá heo có hương vị thơm ngon, khác biệt hoàn toàn với các loại cá khác. Vì vậy, loại cá này được nhiều người yêu thích, lùng mua với giá khá đắt đỏ, từ 750.000-800.000 đồng/kg. Nhiều người mua cá heo về để làm cảnh và để chế biến thành nhiều món.
Con lươn màu trắng sữa lạ mắt xuất hiện ở miền Tây
Người sở hữu con lươn màu trắng sữa lạ mắt là ông Nguyễn Việt Hùng (65 tuổi, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). "Hôm trước đứa cháu trong lúc soi cá trên ruộng đã bắt được con lươn có màu trắng sữa, phần đuôi màu đỏ nhạt. Con lươn này có trọng lượng hơn 300gr, dài khoảng 60cm. Nó thấy con lươn lạ nên không bán mà đem tặng tôi", ông Hùng nói và cho biết đây là lần đầu tiên trong đời ông thấy một con lươn có màu lạ như vậy.
Thấy con lươn lạ mắt, ông Hùng không bán mà giữ lại nuôi trong hồ kính để mọi người đến xem. Ông còn trang bị thêm oxy và cho lươn ăn bằng cá tạp.
Theo một số người dân địa phương, con lươn ông Hùng đang sở hữu có thể do đột biến gen nên có màu lạ. Những người này cũng khẳng định đây là hiện tượng rất hiếm gặp trong tự nhiên.
Độc đáo những chiếc gùi làm từ nắp lon nước
Từ những nắp lon nước nhặt ở vựa ve chai, một người phụ nữ Jrai đã khéo léo biến thành sản phẩm mỹ nghệ. Theo Báo Dân Trí, bà Rơ Mah Vo (60 tuổi, ở làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) là người phụ nữ đầu tiên ở làng có ý tưởng làm các sản phẩm mỹ nghệ từ phế liệu bỏ đi.
Các sản phẩm mỹ nghệ của bà Vo được làm từ đồ tái chế như, nắp lon nước, hạt cườm, dây màu… Sản phẩm mỹ nghệ của bà được làm thủ công, tỉ mỉ, màu sắc sặc sỡ và thường có giá trị từ 500.000-800.000 đồng. Những sản phẩm sáng tạo, độc đáo này đã mang lại thu nhập cho bà và góp phần bảo vệ môi trường.
Bộ sưu tập hơn 500 cây dừa đột biến của thầy giáo miền Tây
Anh Phạm Minh Ngọc (42 tuổi, ngụ xã Long Thuận, thị xã Gò Công, Tiền Giang) là một người có tiếng trong giới chơi bonsai dừa cả nước. Riêng ở Tiền Giang, bộ sưu tập dừa bonsai của anh Ngọc được mọi người công nhận "giá trị số một, số hai trong tỉnh".
"Trong vườn mình đặc biệt nhất là hơn 10 cây dừa bạch tạng, nhưng loại này thì rất khó chăm. Kế đến cũng có gần 10 gốc dừa đột biến 2 màu, mỗi nửa cây có mỗi màu khác nhau, đều là hàng độc. Mình cũng có những cây dừa thân chỉ cao chừng một gang tay nhưng đã ra hoa, đậu quả. Còn những loại dừa nhiều mộng (đọt, nhánh), dừa cổ thụ dáng tý hon thì rất nhiều, tính cả trăm cây", anh Ngọc chia sẻ.
Bộ sưu tập loa đài cổ quý hiếm của người đàn ông Hà Nội
Anh Nguyễn Xuân Thủy (50 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) nổi tiếng trong giới mộ điệu với bộ sưu tập radio cassette "khủng" nhất nhì Việt Nam. Báo Dân Trí phản ánh, sau 5 năm cất công "săn lùng" trong và ngoài nước, "trắng đêm" tìm kiếm các bãi rác điện tử hay canh đấu giá online, anh Thủy đã sở hữu bộ sưu tập khoảng 1.400 chiếc radio cassette cổ quý hiếm.
Tất cả các sản phẩm này vẫn hoạt động tốt với chất âm mộc mạc, nhẹ nhàng. Mỗi chiếc loa, đài cổ cũng được anh "tân trang" bằng các chi tiết, hình dán tự thiết kế về thương hiệu hoặc biểu tượng Hà Nội xưa,... Mỗi chiếc có giá thành khác nhau, dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Tùy vào tuổi đời và độ quý hiếm, có chiếc được bán tới cả trăm triệu đồng, nhiều người tranh mua cũng không được.
Cây sưa 300 năm tuổi được trả 'núi tiền' chủ quyết không bán
Gia đình ông Nguyễn Văn Ba (ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đang sở hữu cây sưa đỏ cổ thụ khoảng 300 năm tuổi. Đây là cây sưa cổ thụ "khủng" và đẹp bậc nhất ở tỉnh Quảng Nam.
Ông Ba giới thiệu, cây sưa đỏ này có chiều cao từ gốc tới ngọn được ước tính khoảng 50m, đường kính khoảng 6m, phải có 10 người trưởng thành nối tay nhau ôm mới có thể bao hết được gốc. Cây phát triển rất xanh tốt, tán lá vươn cao và bao phủ cả một khoảng đất rộng 500m². Nhiều thương lái đã hỏi mua bằng cả "núi tiền" nhưng ông vẫn quyết không bán.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)