Xóm Hoài Khao (người dân trong xóm vốn quen gọi là Vài Khao), xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng thuộc Công viên địa chất non nước Cao Bằng. Không chỉ nổi tiếng với cảnh quan hữu tình, nơi đây còn được biết tới như mảnh đất lành, nơi con người sống hài hòa với thiên nhiên.
Không biết từ bao giờ, cứ vào mùa xuân, những đàn ong khoái (ong mật khổng lồ) lại bay về làm tổ ở 2 hang động nằm sát xóm Hoài Khao. Bà con nơi đây không bao giờ “tranh” mật với những đàn ong khoái, họ trân trọng và “nhường” nơi sinh sống cho đàn ong.
Bà con thường không khai thác mật, vì họ quan niệm, nếu “cướp” mật của ong thì mùa sau chúng sẽ không về làm tổ nữa. Cho tới tận tháng 7 Âm lịch, khi ong đã rời đi hết, chỉ còn lại những tổ ong khổng lồ vàng ươm, to như chiếc mâm đồng treo lủng lẳng trên vách đá cheo leo, bà con trong mới tổ chức đi lấy sáp ong.
Những tổ ong nằm san sát nhau trên vách núi đá cheo leo (Ảnh: Chung Vũ)
Những tổ ong khổng lồ được chọc rơi xuống (Ảnh: Chung Vũ)
Người dân Hoài Khao hiếm khi đưa người lạ vào những nơi có ong khoái hay tham gia vào hành trình lấy sáp ong vì họ e sợ người lạ có thể ăn trộm mật, sáp khiến đàn ong sợ hãi, gây xáo trộn tự nhiên.
Anh Phùng Văn Cầu - một luật sư hiện đang công tác tại Cao Bằng vừa may mắn được bà con Hoài Khao tin tưởng, dẫn đi trải nghiệm một chuyến vào rừng lấy sáp ong. “Tôi đã được biết về Hoài Khao từ lâu và câu chuyện về những tổ ong giữa rừng già được bà con trân trọng, bảo vệ đặc biệt. Khi được biết, bà con ấn định được ngày khai thác sáp ong, tôi gác lại mọi công việc để tìm đến Hoài Khao”, anh Cầu chia sẻ.
Những tổ ong có đường kính lên tới 1,5m bám vào vách núi đá cheo leo khiến anh Cầu choáng ngợp
Ngày tổ chức lấy sáp ong sẽ được thầy mo chọn ngày đẹp, tổ chức lễ cúng thần rừng, thần ong nhằm xin đấng thần linh cho phép người dân lấy sáp ong được an toàn, và cầu cho sang năm ong sẽ quay về nhiều hơn.
Quan sát cách người dân Hoài Khao lấy sáp ong, anh Phùng Văn Cầu nhận thấy những tổ ong khoái nằm sát nhau, bám trên trên vách núi cao 15 - 20m. Để lấy được sáp, người dân làm những chiếc thang từ cây tre, buộc chắc chắn bằng dây thừng và dây rừng. Họ nối những chiếc sào lại với nhau, ở đầu sào gắn một mảnh gỗ dài, dẹt, sắc trông như một con dao để chọc và cắt sáp ong rơi xuống.
“Những người đàn ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn thường được chọn để trèo lên vách đá chọc xác tổ ong. Đây là công việc đòi hỏi sự khéo léo, cẩn trọng. Các mẹ, các cô, các em gái thường là những người thu nhặt phần tổ rơi xuống. Được trực tiếp quan sát cách người Hoài Khao thu hoạch sáp ong, tôi mới hiểu tại sao nơi đây lại có thiên nhiên hài hòa đến thế. Họ tôn trọng và giữ gìn thiên nhiên từ nhiều đời, xem đó là nguyên tắc sống”, anh Cầu chia sẻ.
Người dân Hoài Khao từ xưa đến nay vẫn khai thác sáp ong theo kiểu truyền thống như vậy. Sáp sau khi lấy về sẽ được xử lý qua các công đoạn như đun cho chảy ra, lọc bỏ các tạp chất, chỉ giữ lại những phần tinh khiết để cô đặc rồi đem cắt ra thành các phần bằng nhau, chia cho các hộ trong xóm. Có năm mỗi hộ trong xóm được chia tới 1,4kg sáp ong để dùng trong gia đình.
Người dân Hoài Khao tỉ mỉ xử lý sáp ong (Ảnh: Chung Vũ)
Người dân Hoài Khao thường dùng sáp ong để vẽ các hoa văn trên vải chàm (Ảnh: Chung Vũ)
Người dân Hoài Khao cũng thường dùng sáp ong để vẽ các hoa văn trên vải chàm. Hầu hết phụ nữ ở đây đều thành thạo kỹ thuật in họa tiết hình học, cỏ cây, hoa lá, chim, thú bằng sáp ong trên vải để làm ra những bộ trang phục cầu kỳ của người phụ nữ Dao Tiền.
Hoài Khao nằm ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển thuộc xã Quang Thành, cách trị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình khoảng 20 km và cách TP Cao Bằng khoảng 60 km.Vào tháng 10/2020, xóm Hoài Khao được huyện Nguyên Bình chọn làm điểm du lịch cộng đồng, do giữ gìn được những giá trị văn hóa, nếp sống giàu bản sắc của người Dao Tiền.
Linh Trang