Là một người chuyên bán những loại rau rừng, chị Trần Thị Dung, 35 tuổi ở ngõ chợ Khâm Thiên, Hà Nội, chia sẻ, một trong những loại rau rừng nhiều người thành phố hay hỏi mua là lá lồm (hay còn có tên gọi là lá nồm, lá giang).

Theo tiểu thương này, lá lồm là một đặc sản của người Mường ở Hòa Bình. Đây là loại lá rừng rất gần gũi với người dân tộc nơi đây vì chúng có thể chế biến nhiều món ăn ngon miệng. Trong đó, thịt trâu nấu lá lồm được coi là món ăn nổi tiếng của người Mường.

{keywords}
Món thịt trâu nấu lá lồm nổi tiếng của người Mường

Đến Hòa Bình, ai cũng biết đến món thịt trâu nấu lá lồm. Món ăn này tuy đơn giản nhưng tạo nên một thương hiệu riêng cho người Mường nhờ nét đặc sắc của lá lồm. Chỉ cần thịt trâu tươi đem thui rồi hầm với lá lồm tươi sẽ cho vị thanh thanh chua chua nhẹ nhàng chứ không khé cổ.

Thịt trâu vốn dĩ có mùi, nhưng khi được nấu cùng với lá lồm sẽ tạo nên hương vị độc đáo. Vị thanh chua của lá lồm sẽ đánh tan mùi gây của thịt. Thịt trâu chín mềm được quấn nhiều gia vị béo ngậy, thơm lừng nên ăn một lần ai cũng nhớ mãi, chị Dung kể.

Chị Dung cho biết, khi chế biến món ăn từ lá lồm ngon là vậy nhưng thực tế chúng chỉ là một cây leo, có mủ trắng, lá đơn, vị chua dịu mọc hoang trong rừng. Từ lâu, loại lá này được người Mường sử dụng như một loại rau dùng để chế biến các món ăn hàng ngày.

{keywords}
Lá lồm là loại rau rừng đặc sản của Hòa Bình

“Ngoài xào chung với các loại thịt như thịt bò, thịt trâu, thịt gà, loại lá này còn dùng để nấu các món canh chua, nấu lẩu gà, lẩu cá hoặc xào với ốc núi. Nếu không thích ăn rau thì sau khi chế biến, bạn có thể bỏ phần xác đi, chỉ giữ lại vị chua và thơm của rau”, chị Dung nói.

Không chỉ được coi là loại rau rừng chế biến được nhiều món ăn, bà nội trợ thành phố còn chuộng bởi chúng có tác dụng như một dược liệu quý tự nhiên dùng để chữa bệnh về đường tiêu hóa như: bụng đầy hơi, khó tiêu, đau dạ dày, sỏi tiết niệu, đau nhức xương khớp, dùng để đắp ngoài da khi bị lở ngứa, mụn nhọt...

“Do là loại cây có dược tính cao nên nhiều người còn mua loại lá lồm về làm thuốc chữa bệnh. Chỉ cần giã lá lồm đắp vào các vùng mụn nhọt, lở ngứa là giúp đỡ đi nhiều phần”, chị Dung tiết lộ.

{keywords}
Ốc núi xào lá lồm
{keywords}
Lẩu gà lá lồm

Mỗi ngày, chị Dung bán được vài chục kg loại rau đặc sản của Hòa Bình vừa ngon vừa bổ này. Thậm chí, sợ không mua được lá lồm thường xuyên, nhiều bà nội trợ thành phố còn đặt mua chừng 5kg bỏ tủ lạnh chế biến món ăn dần.

“Loại lá này có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 tuần. Khi mua lá lồm về khách có thể nhặt lấy lá, rửa sạch sau đó vò nát phần lá. Vò nát lá giúp vị chua từ lá ra nước dễ dàng, món ăn sẽ hấp dẫn và đậm vị hơn. Sau đó, dùng lá lồm để nấu canh, làm rau gia vị, nấu lẩu gà, canh chua cá.

Nhưng lưu ý khi mua về ăn dần, không nên rửa lá qua nước mà bọc lá trong túi nilon để ngăn mát tủ lạnh”, chị Dung mách nước.

Thảo Nguyên