Tấm huy chương vàng quốc tế xuất phát từ một ý tưởng giản dị. Nhận thấy môi trường xung quanh ngày càng ô nhiễm, nhất là môi trường nước khi phải đối mặt với rác thải hữu cơ, nhóm 4 học sinh Trường THPT Hòn Gai gồm: Vũ Xuân Long Đức, Nguyễn Quang Minh (lớp 12A1), Đỗ Như Minh Khôi và Bùi Mạnh Cường (lớp 11A7) đã lên ý tưởng điều chế 1 sản phẩm.
Tưởng chừng bế tắc
Kể về quá trình mày mò, nghiên cứu đầy gian nan, em Đức cho biết, sau khi lên ý tưởng vào tháng 5, cả nhóm được thầy cô hướng dẫn lên kế hoạch thực hiện.
Từ lúc đó, sau giờ học và cả ngày nghỉ, cả 4 em, dưới sự hướng dẫn của cô Đinh Thị Thuý Hường (giáo viên Trường THPT Hòn Gai) đều vùi đầu trong phòng thí nghiệm.
Thời gian đầu, cả nhóm gặp khó khăn khi thiếu nguồn nguyên liệu và máy móc hỗ trợ. Mọi hướng đi đều bế tắc, tưởng chừng đề tài bị đóng băng.
Ban giám hiệu Trường THPT Hòn Gai đã phối hợp với Hội Vật lý Việt Nam giúp các em tiếp tục đam mê bằng việc hỗ trợ phòng thí nghiệm đầy đủ máy móc, nguyên liệu ở Hà Nội.
Vẫn nhớ như in lần đầu tiên được tiếp xúc với phòng thí nghiệm lớn, Bùi Mạnh Cường nói, em không khỏi choáng ngợp và mất nhiều thời gian để làm quen với máy móc.
Để tiện làm việc trong phòng thí nghiệm, cả 4 nam sinh cùng cô giáo hướng dẫn chuyển lên Thủ đô và tá túc trong ký túc xá Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
"Chúng em tự chia nhau phần việc, phải làm đi làm lại nhiều lần vì thất bại. Đã có lúc chúng em nản chí nhưng rồi động viên nhau để hoàn thành sản phẩm và chưa cãi vã khi nào", em Cường kể.
Đỗ Như Minh Khôi nhớ mãi ngày cả nhóm đi lấy nước sông Tô Lịch về rồi thả hạt Ag3PO4 vào xem phản ứng. Nước sông lấy về ban đầu đen đục vì ô nhiễm, sau khi được thả hạt Ag3PO4 dạng bột vào thì dần dần trong và có thể nhìn thấy đáy cốc thử nghiệm.
"Hạt Ag3PO4 sau khi tiếp xúc với rác hữu cơ sẽ giúp phân huỷ để tạo ra một chất sạch", Khôi phân tích.
Suốt hành trình khám phá, nghiên cứu của 4 học sinh, cô giáo Đinh Thị Thuý Hường biết rõ nhất sự cố gắng của các em khi tất cả đều không có thời gian rảnh. "Phần lớn thời gian 1 ngày của 4 học sinh đều trong phòng thí nghiệm, các em say mê, tìm tòi và nghiền ngẫm những công thức từ lý thuyết để đưa ra thực hành".
"Vì đây là cuộc thi online, ngoài việc nghiên cứu sản phẩm, các em còn tự viết và làm video thuyết trình bằng tiếng Anh trước ban giám khảo quốc tế. Rất may, cả 4 em học sinh đều từng thi IELTS nên vốn tiếng Anh vững vàng và thuyết trình tự tin, bản lĩnh trong cuộc thi", cô Hường tự hào nói.
Gặt hái thành công
Hạt Ag3PO4 được nhóm học sinh điều chế thành công trong 3 tháng. Sản phẩm sau đó được đem đi tham gia cuộc thi “Sáng tạo Khoa học kỹ thuật quốc tế" diễn ra thường niên tại thung lũng Silicon (Mỹ). Đây cũng là cuộc thi quốc tế đầu tiên của 4 học sinh.
"Sau khi hoàn thành bài thuyết trình và thực hành, chúng em hồi hộp ngồi đợi kết quả. Trong đầu tất cả đều chỉ dám nghĩ đến một giải 3 khiêm tốn". Tuy nhiên, kết quả ngoài sự mong đợi, sản phẩm hạt Ag3PO4 giúp cải thiện môi trường ô nhiễm đã đoạt huy chương vàng.
"Ngày nhận kết quả, tôi đã bật khóc vì sung sướng, thương các em đạt thành quả sau bao ngày nỗ lực. Đây là kết quả đáng tự hào của các em học sinh và Trường THPT Hòn Gai khi vượt qua hơn 2.500 thí sinh đến từ 14 nước", giáo viên Đinh Thị Thuý Hường chia sẻ trong niềm hân hoan.