Trên các chợ online gần đây xuất hiện loại ếch lạ có tên ếch òn. Đặc điểm của ếch òn là chiếc bụng phình to, da đen, hình thù kỳ dị. Chính vì vậy, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy chúng được bán để làm các món ăn.
Theo giới thiệu, ếch òn có nguồn gốc từ Ninh Thuận, Bình Thuận. Ếch òn là đặc sản hiếm có, có thể làm nhiều món ngon như nấu chua lá me, luộc, chiên giòn, nướng hoặc nấu lẩu lá giang. Giá bán ếch òn dao động từ 200.000-280.000 đồng/kg. Đặc biệt, ếch có trứng giá đắt hơn, từ 300.000-320.000 đồng/kg. Đáng chú ý, ếch òn được người bán hướng dẫn ăn nguyên con. Ếch chỉ cần trụng qua nước sôi, bóp với muối, kỳ cọ sạch lớp da cho hết nhớt rồi mang chế biến.
Loại ếch này đang sốt rần rần trên mạng xã hội. Món ăn từ ếch òn trông khá kinh dị nhưng được dân buôn quảng cáo thịt ngon ngọt, béo, mỗi năm chỉ có một mùa nên nhiều người tìm mua.
Đang rao bán ếch òn trên chợ online ở Đà Nẵng với giá 260.000 đồng/kg, anh Đức cho biết, ếch òn là đặc sản của Ninh Thuận, Bình Thuận, hiếm có vì mỗi năm chỉ xuất hiện 1-2 tháng, khoảng từ tháng 5-6 dương lịch, khi cơn mưa đầu mùa xuất hiện. “Thịt ếch òn ngọt, thơm, xương mềm, bổ dưỡng. Thời điểm này, ếch òn cũng gần hết mùa nên khách muốn mua nhiều phải đặt trước”, anh Đức giới thiệu.
Chị Nguyễn Nhàn, một người bán ở TP.HCM cho biết, chị bán ếch òn từ hồi đầu tháng 5 tới nay. Ếch òn chị nhập từ tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Giá ếch òn 200.000 đồng/kg, loại bao trứng là 300.000 đồng/kg.
“Nhìn hơi sợ thôi nhưng ăn ngon lắm, thịt ếch ngọt, trứng thì béo”, chị Nhàn nói và cho biết, đa phần khách lẻ mua 1-2kg một lần, còn đơn của khách sỉ thường từ 20-40kg. Ngày hôm qua chị “cháy hàng” vì chỉ gom được 30kg ếch òn. Do ếch òn cuối mùa nên hàng hiếm hơn.
Ếch òn được chị giao sống cho khách, nếu khách muốn làm sạch, chị tính thêm 20.000 đồng/kg. Theo chị Nhàn, ếch òn rất dễ làm, chỉ cần trụng qua nước sôi, chà sơ, rửa sạch nhớt. Nếu không thích vị hơi đắng thì mổ lấy mật, còn không thì nấu nguyên con. Sau khi sơ chế có thể nấu nhiều món như ếch òn nướng mọi, nấu với lá me,…
Được biết, ếch òn là đặc sản của người Chăm ở Ninh Thuận. Trước đây, ếch òn ít người biết ăn. Sở dĩ gần đây "ếch òn" bỗng trở thành từ khoá hot bởi sự xuất hiện của những video chế biến, review món ếch òn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc ăn ếch òn bất chấp mùa sinh sản khiến nhiều ý kiến lo ngại ếch òn có thể đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Chuyên gia cảnh báo
Trước “trend” ăn ếch òn, trao đổi với VietNamNet, TS. Phạm Văn Thế - nhà nghiên cứu bảo tồn sinh vật (Trường ĐH Văn Lang) - cho rằng cần có hành động khẩn cấp đối với tình trạng của loài ếch òn tại Việt Nam.
Ông cho biết, ếch òn, tên khoa học là Glyphoglossus molossus, hay còn gọi là nhái lưỡi, là một loài ếch thuộc họ nhái bầu (Microhylidae). Ếch òn có tỷ lệ đầu đối với thân mình khá chênh lệch. Phần đầu nhỏ nhưng thân lại lớn, nên chúng có tên tiếng Anh là "balloon frog", tức là "ếch bong bóng" hay "ếch khinh khí cầu".
Toàn thân ếch òn dài khoảng 7cm, da xù xì, lưng màu đen xám lấm chấm vàng nhạt, bụng màu mỡ gà. Ếch òn sinh sản vào mùa mưa. Chúng đẻ trứng trong những vũng nước đọng. Đến mùa khô, chúng vùi mình xuống đất ẩm và đợi đến mùa mưa mới lên lại. Do nạn phá hủy môi trường thiên nhiên, ếch òn đang bị đe dọa và được liệt kê trong Sách đỏ IUCN với tình trạng "Sắp bị đe dọa".
Theo TS. Phạm Văn Thế, loài ếch này không chỉ là một phần quan trọng của hệ sinh thái mà còn là biểu tượng của sự đa dạng sinh học trong khu vực. Gần đây, có một xu hướng đáng lo ngại là việc săn bắt và tiêu thụ ếch òn đã trở nên phổ biến, đặc biệt là thông qua các video trên mạng xã hội, nơi mà việc ăn thịt ếch sống được quảng bá như một hình thức giải trí. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe con người do nguy cơ nhiễm ký sinh trùng từ thịt sống mà còn đe dọa đến sự tồn vong của loài ếch òn.
“Ếch òn là một phần không thể thiếu trong chuỗi thức ăn và có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát côn trùng và duy trì cân bằng sinh thái. Sự mất mát của loài này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, bao gồm sự gia tăng của các loài gây hại và sự suy giảm của các loài khác trong hệ sinh thái”, TS. Phạm Văn Thế cảnh báo.