Theo Earth Touch News, ở khu vực tây nam Bắc Mỹ, mỗi khi đêm xuống, loài dơi pallid lại tỏa ra khắp bầu trời để săn mồi, sử dụng những chiếc tai lớn lắng nghe tiếng động. Chúng sục sạo tìm kiếm mọi loại côn trùng, đôi khi săn cả thằn lằn nhỏ và chuột.
Điều khiến các nhà khoa học ở California, Mỹ, chú ý là loài bọ cạp Arizona nổi tiếng với nọc độc chết người cũng trở thành mồi ngon của dơi pallid.
Một con bọ cạp kịch độc dài 8cm có kích thước tương đương dơi pallid. Vết đốt của chúng có thể gây đau đớn đến tột cùng, khiến nhiều loài động vật khác tử vong, bao gồm cả con người. Nhưng dơi pallid thì lại tỏ ra không hề hấn gì.
Camera có đột nét cao đã ghi lại cuộc đi săn bọ cạp của dơi pallid. Khi dơi sà xuống tấn công, chúng thậm chí còn không né tránh đòn đáp trả của bọ cạp.
Loài dơi pallid không hề sợ nọc độc của bọ cạp nổi tiếng nhất châu Mỹ.
"Kết quả nghiên cứu cho thấy dơi pallid bị đốt nhiều lần trong suốt cuộc săn nhưng dường như chúng không hề hấn gì cả", tạp chí PLOS One trích dẫn lời các nhà khoa học.
“Các nhà khoa học cũng thử tiêm nọc độc trực tiếp vào dơi pallid nhưng rõ ràng là điều này không cho thấy tác dụng. Trong khi đó, nếu tiêm nọc độc bọ cạp vào chuột, chúng co giật và chết không lâu sau đó”. Khaleel Razak, nhà nghiên cứu tại Đại học California nói.
Khả năng kháng nọc độc của bọ cạp là một lợi thế lớn đối với loài dơi săn mồi. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu hiện vẫn chưa rõ tại sao chúng lại có khả năng đó.
Chất độc trong nọc bọ cạp một khi xâm nhập vào cơ thể sống, sẽ tấn công vào các tế bào hạch rễ lưng tủy sống (dorsal root ganglia) và tác động vào hệ thần kinh, dây đau đớn tận cùng.
Phân tích mẫu ADN của dơi pallid, các nhà khoa học nhận thấy đột biến ở những vùng có cá thể dơi thường xuyên tiếp xúc với nọc độc. Đó có thể là sự biến đổi thích nghi trong một khoảng thời gian dài.
Theo Earth Touch News/Dân Việt