{keywords}
Người dân xã Trịnh Tường thu hoạch và phân loại củ hoàng sin cô bán cho thương lái.

Từ loại củ ít người biết đến, chỉ sau 7 năm, đến nay trên khắp vùng đất Y Tý, A Lù, Ngải Thầu (cũ), Trịnh Tường đã bạt ngàn những nương hoàng sin cô xanh mướt, tổng diện tích lên tới hơn 200 ha. Gọi là sâm đất nhưng xem ra loại cây này chẳng có họ hàng gì với các loại sâm quen thuộc như sâm Ngọc Linh, sâm tiết trúc, sâm đương quy…

Nhìn bề ngoài, cây sâm đất gần giống cây hoa dã quỳ, một gốc mọc ra nhiều thân cao hơn đầu người, hoa có sắc vàng đẹp như những bông hoa hướng dương. Mỗi gốc sâm đất lại mọc ra nhiều củ giống như gốc sắn.

Cây sâm đất được trồng từ trước tết Nguyên đán, đến tháng 9, tháng 10 hằng năm, khi cây trổ hoa màu vàng tươi cũng là vào mùa thu hoạch, chỉ cần dùng tay lay nhẹ gốc vài cái rồi nhấc lên cả chùm củ sai lúc lỉu. Có gốc sâm đất nhiều củ nặng tới 5 kg. Hấp thụ nắng mưa, sương gió, khí trời mát mẻ, nguồn nước tinh khiết của đại ngàn Y Tý, lại được trồng ở độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển, sâm đất Y Tý có vị giòn ngọt và thanh mát như sâm, ít thứ củ nào có được.

Theo các tài liệu nghiên cứu, trong củ sâm đất có hàm lượng Saponin giống như trong củ sâm Hàn Quốc, rất bổ dưỡng, có lẽ vì thế mà khi đang mệt hoặc đói, ăn vài miếng củ này thấy tỉnh táo hẳn người, bao mệt mỏi tiêu tan. Lạ hơn nữa là củ sâm đất để phơi nắng càng héo càng ngọt sắc và ngon hơn. Sâm đất có thể gọt ăn sống tráng miệng, hầm xương, xào thịt hoặc ngâm rượu đều rất tốt.

{keywords}
Thương lái đến thu mua hoàng sin cô trên vùng cao Bát Xát.

Năm nay, giá củ hoàng sin cô tươi dao động từ 4.000 đồng/kg - 10.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm. Với lượng củ bán ra thị trường đã đem về cho nông dân vùng cao Bát Xát hơn 10 tỷ đồng, tăng gần 9 tỷ đồng so với năm trước. Riêng Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải đã hợp đồng từ đầu vụ thu mua của nông dân 500 tấn củ.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát, năm 2020 toàn huyện có khoảng 200 ha hoàng sin cô. Đến thời điểm này, người dân trồng hoàng sin cô trên địa bàn huyện đã cơ bản thu hoạch xong củ và bán cho thương lái. Tổng sản lượng đảm bảo yêu cầu xuất bán đạt 2.200 đến 2.500 tấn củ tươi, tập trung chủ yếu ở 3 xã: Trịnh Tường, A Lù, Y Tý.

Được biết, năm nay, do thời tiết mưa nhiều nên ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng hoàng sin cô của huyện Bát Xát. Ngoài lượng đã xuất bán, toàn huyện có khoảng 1.000 tấn củ hoàng sin cô bị thối hỏng không thể tiêu thụ.

 "Tổng sản lượng sâm đất (củ hoàng sin cô) của huyện Bát Xát năm 2020 đạt khoảng 2.000  đến 2.500 tấn củ tươi, bán ra thị trường thu về trên 10 tỷ đồng", ông Sí Trung Kiên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết.

{keywords}
Củ hoàng sin cô đem lại niềm vui cho nhiều hộ dân vùng cao Bát Xát.

Củ sâm đất, còn được gọi là củ khoai sâm, củ hoàng sin cô, hay địa tàng thiên. Về nguồn gốc loại cây này, có người nói rằng đồng bào Mông ở Y Tý mang bên Trung Quốc về trồng, lại có người nói bà con đi rừng già gặp củ này thấy ăn ngọt, mát nên mang về trồng lấy củ ăn. 

Nhìn giống như củ khoai lang mà không phải. Thấy tôi tò mò, cụ già người Mông cười cho tôi một củ ra hiệu ăn đi. Đang đói và khát nước, tôi mạnh dạn ăn thử, thật bất ngờ vì thứ củ lạ nhiều nước có vị ngọt mát như thạch, cảm giác khát khô cổ bỗng dưng tan biến, khoan khoái vô cùng.

Mặc dù thích thứ củ lạ nhưng tôi chưa yên tâm nên không dám ăn nhiều. Hỏi ra mới biết củ này có tên gọi là hoàng sin cô, được người dân Y Tý trồng từ khoảng năm 2013, bán ở chợ Y Tý và Sa Pa với giá từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/kg.

(Theo Báo Lào Cai)