Những ngày qua, nông dân trồng lác ở huyện Càng Long (Trà Vinh) đã vào chính vụ thu hoạch. Trên mọi cánh đồng, khắp nơi là cảnh gặt lác, phơi lác, chẻ lác. Ai ai cũng phấn khởi khi lác năm nay được mùa và được giá.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thống (67 tuổi) đang thu hoạch hơn 2 công (2.000m2) lác của gia đình. Ông Thống vui mừng khi năm nay lác loại 2 có giá cao nhất từ trước đến nay, đạt 17 triệu đồng/ tấn. Với sản lượng ước đạt gần một tấn mỗi công, trừ đi chi phí, vụ lác này vợ chồng ông Thống có thể đút túi 20 triệu đồng.
"Lác loại một thì phải dài 2m, nhà nào trúng lắm mới được. Chủ yếu mọi người đều quan tâm đến lác loại 2, có độ dài 1,8m. Đây là loại chiếm phần lớn sản lượng thu hoạch, dễ bán và được giá. Loại 3 dài 1,6m và loại thấp nhất dài 1,2m. Năm nay giá phân, thuốc cao nhưng bù lại, giá bán lác cao nhất từ trước đến nay nên người trồng rất phấn khởi", ông Thống chia sẻ.
Bà Lê Thị Phượng (60 tuổi) một nông dân trồng lác khác cũng rất hài lòng với vụ lác năm nay. "Làm lác lợi nhất là trồng một lần thì được gặt đến 7 năm chứ không phải vụ nào cũng làm đất, gieo mạ như trồng lúa. Mỗi năm làm được 2 vụ, cứ cắt xong lại phân, thuốc là được", bà Phượng cho biết.
Trước hôm gặt lác, nông dân sẽ tháo khô nước để phơi nền ruộng. Lác gặt rồi phải giữ tươi cho dễ chẻ. Sau khi chẻ xong, lác thương phẩm được phơi ngay tại ruộng. Sau 2 ngày phơi, nông dân sẽ gom lại để thương lái tới lấy hàng.
Những liếp lác óng ánh, sáng bóng, thể hiện là hàng chất lượng cao.
Các gia đình không đủ nhân lực để tự gặt, chẻ, phơi ruộng lác của mình nên mọi người "liên minh" với nhau thành các nhóm. Cứ tuần tự hôm nay tập trung gặt nhà này, ngày mai gặt nhà khác để đủ người chẻ khi lác còn tươi.
Có những gia đình không muốn phiền lụy thì chọn cách thuê người. Người gặt lác thuê cũng phải là người địa phương mới biết cách thức thu hoạch lác. Mỗi độ vào mùa gặt lác là khắp huyện Càng Long lại nhộn nhịp.
Nhà anh Cao Thanh Liêm (31 tuổi) cũng có 2 công lác. Dù ruộng lác nhà anh Liêm có vẻ thất hơn so với xung quanh nhưng anh vẫn tự tin khẳng định làm lác lãi gấp 2-3 lần trồng lúa.
"Chỉ tính giá như mọi năm là 13 triệu đồng một tấn lác loại 2 thì mỗi vụ, một công lác cũng lãi ít nhất 5 triệu đồng. Nếu trồng lúa thì có năm huề vốn, năm trúng, cũng chỉ lãi chừng hơn 2 triệu đồng. Năm nay nhu cầu thị trường lớn, lác dạt, lác loại các năm trước phải bỏ thì nay vẫn có người mua hết", anh Liêm cho biết.
Không chỉ chủ ruộng lác vui, những người đi gặt lác thuê cũng vui lây. Lác trúng, chủ ruộng cũng xởi lởi hơn, ngoài tiền công người gặt lác, nhân công còn được chủ ruộng bồi dưỡng thêm, mua đồ ăn giữa giờ.
Huyện Càng Long được coi là thủ phủ lác của miền Tây với diện tích trồng khoảng 2,2 nghìn ha. Cây lác đã được trồng ở đây từ nhiều đời nhưng kể từ năm 2006, khi lác được giá thì hàng loạt gia đình mới bỏ lúa trồng lác để cải thiện kinh tế.
Lác nguyên liệu chủ yếu được tiêu thụ bởi các xưởng dệt chiếu, làm thủ công mỹ nghệ trên địa bàn. Một phần còn lại được các thương lái thu mua đưa đi nơi khác. Các sản phẩm từ lác ngày càng đa dạng, không chỉ chiếu mà có võng, đệm, túi xách...
(Theo Dân trí)
Băng rừng tìm loại cỏ thơm, chế biến thành món đặc sản kiếm lãi tiền triệu
Khi tiết trời Tây Nguyên se lạnh, người Jrai ở huyện Ia Pa và Krông Pa (Gia Lai) lại băng rừng đi tìm cây cỏ thơm làm muối. Người dân nơi đây xem muối cây cỏ thơm là một đặc sản trời ban.