- “Năm 2016, lễ hội tới đây cần phải dẹp bỏ hơn nữa tính bạo lực không chỉ ở Lễ hội Ném Thượng mà ngay cả Lễ hội Cướp Phết ở Phú Thọ, Cướp Lộc Sóc Sơn cũng cần phải loại bỏ’, Ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL cho hay.
Chiều ngày 30/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức buổi tổng kết lễ hội dân gian năm 2015 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2016.
Tại buổi tổng kết này, Bộ đã công bố Thông tư 15 được Bộ trưởng kí và ban hành về quy chế tổ chức lễ hội. Một điểm đáng chú ý trong Thông tư này là quy định về việc tổ chức lễ hội trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn truyền thống tốt đẹp nhưng sẽ loại bỏ, thay thế những tập tục không còn phù hợp nữa.
Ảnh minh họa (Nguồn TT&VH) |
Thông tư này nêu rõ: Không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trong đó có thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam, cụ thể: Không mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; Không mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị; Không mô tả thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; Không mô tả các hành động tội ác khác...
Vấn đề ‘đau đầu’ cơ quan nhà nước là sẽ làm như thế nào để tập tục Chém lợn (Ném Thượng, Bắc Ninh), Cướp phết, Cầu trâu (Phú Thọ) không còn gây phản cảm, lộn xộn.
Theo Bộ VHTT&DL, Bộ đã có những buổi lấy ý kiến của các nhà khoa học, tuyên truyền vận động người dân, đồng thời yêu cầu người dân làng Ném Thượng không tổ chức chém lợn ở sân đình.
Ông Nguyễn Hữu Hoa - trưởng phòng xây dựng nếp sống văn hoá gia đình (Sở VHTT&DL Bắc Ninh) cho rằng, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hoá thừa nhận, lễ hội chém lợn làng Ném Thượng là của riêng người dân Ném Thượng, và cần bảo tồn. Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá cũng chỉ ra rằng, tổ chức văn hoá cao nhất của Liên Hợp Quốc là UNESCO cũng cần phải tôn trọng sự đa đạng văn hoá của các cộng đồng dân cư. Vì thế, lễ hội năm 2015, các cụ bô lão làng Ném Thượng lại quyết chém lợn giữa sân đình. Và chiếu theo các luật, Chém lợn ở sân đình không vi phạm quy định nào của nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Hoa, với thông tư 15 này, ông hứa sẽ vận động người dân thực hiện, nếu không sẽ cắt danh hiệu thi đua, cắt danh hiệu làng văn hoá.
Trái ngược với ý kiến của ông Hoa, ông Vũ Xuân Thành - Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL cho rằng, trên thế giới, không phải lễ hội có tính bạo lực nào cũng được UNESCO công nhận. “Vấn đề ở Ném Thượng không khó, quan trọng là chúng ta có kiên quyết thực hiện hay không”, ông Thành cho hay.
Ông Vũ Xuân Thành cho rằng, năm 2016, lễ hội tới đây cần phải dẹp bỏ hơn nữa tính bạo lực không chỉ ở Lễ hội Ném Thượng mà ngay cả Lễ hội Cướp Phết ở Phú Thọ, Cướp Lộc Sóc Sơn cũng cần phải loại bỏ.
Năm 2015, dư luận đã xôn xao về màn chém con lợn sống để tế bái. Hoạt động này đã vấp phải sự phản đối của tổ chức phúc lợi động vật là Tổ chức động vật châu Á vì tính chất "tàn bạo" và "man rợ" của nó. Tính chất của lễ hội này cũng đã làm dấy lên những ý kiến xung quanh việc tồn tại hay không lễ hội này cũng như mối quan hệ giữa những phong tục lâu đời của Việt Nam với những tiêu chuẩn mới trong xã hội ngày nay thời hội nhập. Cũng có ý kiến đề nghị bỏ hẳn Lễ hội này, một số ý kiến khác thì đề nghị đổi tên thành lễ hội "rước lợn" và không có màn chém lợn mà chỉ nên là thủ tục tượng trưng.
Lễ hội chém lợn là một lễ hội được diễn ra tại làng Ném Thượng (xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Đây là một trong những lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 6 tháng Giêng ở Bắc Ninh. Lễ hội nhằm tưởng nhớ vị thành hoàng làng (là sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp hoặc tướng quân Đoàn Thượng) đã chém lợn mở tiệc khao quân từ cuối thời Lý đồng thời cầu mong một năm mới an lành, may mắn. |
T.Lê