Khoảng 20 ngôi nhà được xây dựng từ thời Pháp đang có nguy có đổ sập vì tường và mái nhà đã mục ruỗng, xuống cấp trầm trọng khiến người dân sống bên trong vô cùng bất an nhưng không được sửa chữa.
Những ngày qua, hàng loạt căn nhà có địa chỉ từ số 220 đến 240 Đại lộ Võ Văn Kiệt (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM) có dấu hiệu gạch bị vỡ, tường bong tróc, mái và trần nhà bị mục ruỗng, có dấu hiệu sắp sụp đổ.
Qua tìm hiểu được biết, dãy nhà này trước đây do một cơ sở sản xuất nước mắm ở Đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1, TP. HCM xây dựng thời Pháp, vào khoảng năm 1917. Người xây dựng dãy nhà này là con của cố nhà thơ Nguyễn Thông.
Dãy nhà được xây dựng từ thời Pháp đang rệu rã từng ngày khiến người dân bất an. |
Những người dân đang sống trong dãy nhà cổ này cho biết, thời kì đó, bến Chương Dương hoạt động rất náo nhiệt khi các tàu thuyền cập bến luôn đầy ắp cá. Chính vì thế cơ sở sản xuất nước mắm mới mở thêm chi nhánh tại đây để sản xuất nước mắm tại khu vực này. Dãy nhà được xây để chứa các hầm ướp cá, ủ nước mắm.
Nhiều hộ dân sống trong những ngôi nhà này đang rất bất an, muốn được sửa chữa sớm.
Kiến trúc dãy nhà mặc dù đều và đẹp nhưng tồn tại gần 100 năm qua nên đã xuống cấp nặng.
|
Đến sau năm 1975, cơ sở sản xuất nước mắm chuyển đi nơi khác nên dãy nhà này được bán lại cho người dân. Theo ghi nhận của chúng tôi khi đến đây, hơi muối áp vào gạch khiến mọi thứ xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, sàn nhà gỗ bị mối ăn mòn, bắt đầu rung lắc nguy hiểm, nhiều lần suýt rơi trúng đầu người dân bên dưới.
Người dân khổ sở sống trong 20 ngôi nhà này đang rất lo lắng và bất an vì suốt nhiều năm qua, họ đã viết đơn gửi chính quyền địa phương mong muốn tu sửa, hoặc tháo dỡ nhưng không được. Theo người dân, vì đây là dãy nhà cổ nên cần được bảo tồn. Ngoài ra, các dãy nhà thuộc dự án quy hoạch mở rộng, chỉnh trang đại lộ Đông Tây, suốt 20 năm qua vẫn còn nằm trên giấy.
Người dân sống trong nhà cổ phải dùng tạm những thanh sắt để chống đỡ vì sợ sập.
Hầu hết mái nhà đều bị mục nát.
Trần nhà bị mối, mọt ăn.
|
Ông Nguyễn Cảnh Hà (SN 1964, chủ căn hộ 220 Võ Văn Kiệt) bức xúc chia sẻ với chúng tôi: "Căn nhà chúng tôi có diện tích chỉ 25x3, 6m2, tức là chiều dài gấp 8 lần chiều rộng, giống như nhà ống có đường độc đạo, rất nguy hiểm khi xảy ra sự cố. Đã nhiều năm qua, người dân chúng tôi dù quét vôi liên tục nhưng tường vẫn bong tróc, không thể bám lâu dài. Dân ở đây rất khổ sở với cảnh xuống cấp nghiêm trọng nhưng không thể xây mới được".
Để chứng minh điều ông muốn nói, ông dẫn chúng tôi trèo lên các căn gác, thử bước lên các miếng gỗ để cảm nhận độ rung. Ông Hà cũng không quên nhắc nhở phải đi nhẹ nhàng từng bước chứ không thì... sụp đổ bất thình lình. Vừa chỉ vào mảng tường bị bong tróc, ông Hà lắc đầu: "Muốn sửa chữa phải lén lút như ăn trộm, đợi đến tối người ta ngủ hết rồi mới dám sửa lại".
Do không thể ở được vì mức độ nguy hiểm ngày càng cao, các căn nhà này đa phần được chủ nhà cho các chủ vựa ve chai, tiệm tạp hoá, lò bánh mì thuê làm nơi chứa hàng nhưng việc buôn bán cũng rất ế ẩm.
Vách tường gần cửa ra vào bị rộp nên người dân dùng ván ép ốp lên.
Lớp gạch đã vỡ hết.
Ông Hà chỉ vào vào bức tường bị bong tróc trầm trọng.
Cầu thang rung lắc nên người dân phải đi nhẹ nhàng.
|
Theo các chuyên gia bất động sản, nếu cho phép đập bỏ, ở đây có thể xây các dãy nhà cao tầng thu hút nhiều nhà đầu tư đến kinh doanh. Bởi đây là khu đất vàng kế bên chợ Bến Thành, gần hầm vượt sông Sài Gòn điều kiện giao thông rất thuận lợi. Dãy nhà được xây mới sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực này xứng tầm với một trong những đại lộ đẹp nhất thành phố.
Tuy nhiên hơn lúc nào hết, vấn đề cấp bách của người dân là mong muốn được sửa chữa để tránh nguy hiểm khi dãy nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Người dân than phiền vì đi không được ở cũng không xong.
Trao đổi với chúng tôi liên quan đến dãy nhà cổ sắp đổ sập ở đại lộ Võ Văn Kiệt, một cán bộ thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho biết, thông tư 38/2009 của Bộ Xây dựng quy định nhà biệt thự được chia thành 3 nhóm, dãy nhà này thuộc nhóm 1 là biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa, biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ do Hội đồng bảo tồn (thành lập theo Luật Nhà ở) xác định và lập danh sách để trình UBND thành phố phê duyệt.
Những biệt thự này phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao.
Theo Trí Thức Trẻ