Chi tiêu cho Cloud của Việt Nam tăng hơn 64%/năm
Hôm nay, ngày 22/06/2017 Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) tổ chức hội nghị Điện toán Đám mây Việt Nam - Vietnam Cloud Computing 2017 với chủ đề “Việt Nam và cách mạng 4.0: Thúc đẩy chuyển đổi số với điện toán đám mây”.
Có sự góp mặt của gần 400 đại biểu với 2/3 là các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp ứng dụng CNTT và 1/3 là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nền tảng điện toán đám mây hàng đầu trong nước và quốc tế, hội nghị điện toán đám mây Việt Nam 2017 hướng tới mục tiêu góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường và nền tảng điện toán đám mây tại Việt Nam, thúc đẩy các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam chuyển dịch, cung cấp dịch vụ trên nền tảng đám mây, sẵn sàng đón bắt cơ hội của làn sóng công nghiệp 4.0.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (còn được gọi là cuộc cách mạng số) đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên toàn cầu, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... Theo các chuyên gia, đó cũng chính là quá trình chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Trong đó, điện toán đám mây đóng vai trò nền tảng khuyến tạo, có tác động lớn đến nhịp độ và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp, các tổ chức…
Ông Phó Chủ tịch VINASA Nguyễn Đình Thắng cho rằng, điện toán đám mây mang lại nhiều lợi ích to lớn như sự chuẩn hóa sản phẩm và dịch vụ, giảm thiểu chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và linh hoạt trong mô hình kinh doanh, sẵn sàng mở rộng khi cần thiết. “Chính phủ cần có những chính sách định hướng cấp thiết, các doanh nghiệp, tổ chức cần có những chiến lược nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng cloud sớm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế đất nước, đưa Việt Nam tiến nhanh, mạnh trong cuộc cách mạng 4.0 này”, ông Thắng đề xuất.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) nhấn mạnh, có thể khẳng định rằng điện toán đám mây là một xu thế công nghệ tất yếu và trở thành một công nghệ quan trọng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhận định hội thảo điện toán đám mây Việt Nam 2017 là cơ hội tốt để các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam gặp gỡ, trao đổi, thảo luận về thực trạng và đề xuất giải pháp, kinh nghiệm vượt qua các rào cản thách thức, thúc đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng điện toán đám mây tại Việt Nam, ông Phúc cũng bày tỏ: “Qua hội nghị quốc tế này, tôi mong muốn Việt Nam sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn nữa từ chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài trong việc thúc đẩy và phát triển ngành CNTT nói chung, cũng như lĩnh vực điện toán đám mây nói riêng thông qua sự hợp tác hiệu quả, cùng có lợi của các công ty, tập đoàn công nghệ quốc tế”.
Theo ông Phúc, hiện Bộ TT&TT và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương của Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy cải cách hiện tại, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp.
Báo cáo kết quả khảo sát về ứng dụng điện toán đám mây được thực hiện với hơn 500 doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam được PGS. TS. Vũ Minh Khương, Giáo sư Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu trình bày tại hội thảo cũng đã chỉ ra những tiềm năng, cơ hội cho sự phát triển của thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam. Cụ thể, khảo sát đã chỉ ra rằng, trong các nước ASEAN, Việt Nam là nước có tốc độ tăng chi tiêu cho điện toán đám mây trong giai đoạn 2010 - 2016 cao nhất (64,4%/năm), cao hơn hẳn mức bình quân của ASEAN (49,5%) và thế giới (42,5%).
Nhìn nhận về việc ứng dụng điện toán đám mây trong doanh nghiệp từ góc độ của một đơn vị cung cấp dịch vụ, ông Lê Viết Thanh Luận - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế FPT thuộc FPT Telecom cho hay: “Hiện nay, chi phí đầu tư cho dịch vụ điện thoán đám mây trên thế giới có mức tăng trưởng rất ấn tượng. Đến năm 2020, thị phần hạ tầng Cloud được dự báo sẽ vượt qua cả hạ tầng trung tâm dữ liệu (Data Center) truyền thống. “Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, nhất là ở một thị trường có tốc độ phát triển nhanh như Việt Nam”, ông Luận nhấn mạnh.
Hiện FPT Telecom cũng đã hợp tác với đối tác hàng đầu Nhật Bản – IIJ để cung cấp dịch vụ HI GIO Cloud có tính năng toàn diện đầu tiên tại Việt Nam cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Đây là dịch vụ duy nhất trên thị trường được tích hợp dựa trên công nghệ tiên tiến và quy chuẩn khắt khe nhất, độc quyền của Internet Initiative Japan (IIJ), cùng nền tảng hạ tầng, quản trị, kinh nghiệm thị trường của FPT Telecom.
Cụ thể, thay vì phải đầu tư cho các thiết bị vật lý, với FPT HI GIO Cloud, người dùng có thể khởi tạo máy chủ ảo nhanh chóng, thuận tiện (chỉ trong vòng 5 phút), thay vì mất khoảng từ 6-8 tuần cho việc đặt mua và triển khai hệ thống như hiện nay. Bên cạnh đó, việc thuê dịch vụ FPT HI GIO Cloud cũng sẽ giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu khoảng từ 40 - 60%.
Bên cạnh đó, với những tính năng nổi bật như mạng riêng ảo VPN, kết nối điểm với điểm (MPLS), tường lửa, cân bằng tải… mà các dịch vụ tương tự hiện tại không thể cung cấp được, FPT HI GIO Cloud cho phép người dùng mở rộng hệ thống một cách chủ động, nhanh chóng và không giới hạn, đặc biệt chi phí cho dịch vụ luôn linh hoạt theo nhu cầu sử dụng.
Đại diện Công ty Viễn thông quốc tế FPT cho biết thêm, việc hợp tác với các đối tác uy tín toàn cầu như IIJ nằm trong định hướng cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tiện ích của FPT Telecom tại Việt Nam và nhà mạng này dự kiến sẽ tiếp tục nâng tầm hợp tác này ở mức tối ưu để cung cấp dịch vụ toàn diện cho người dùng công nghệ trong nước.
Nhiều rào cản trong việc thúc đẩy Cloud tại Việt Nam
Tuy nhiên, tại hội thảo, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng việc thúc đẩy phát triển điện toán đám mây tại các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức, rào cản.
Trong phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc lưu ý các doanh nghiệp, tổ chức cần nhận thức rõ ràng các thách thức mà điện toán đám mây mang lại. Đó là những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn về an toàn thông tin, tính riêng tư khi dữ liệu được thu thập và xử lý phân tán, tích hợp nhiều tầng dịch vụ với nhiều công nghệ khác nhau. Đó còn là sự thay đổi mô hình quản lý CNTT của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp từ vai trò của chủ đầu tư sang vai trò của bên đi thuê dịch vụ. “Sự thay đổi mô hình quản lý CNTT này dẫn đến sự thay đổi lớn đối với các đơn vị chuyên trách CNTT, cả về tư duy, phương thức, quy trình lẫn nguồn nhân lực”, ông Phúc nói.
Báo cáo kết quả khảo sát về ứng dụng điện toán đám mây được Giáo sư Vũ Minh Khương trình bày tại hội thảo cũng cho thấy, mặc dù đang là nước có tốc độ tăng chi tiêu cho điện toán đám mây trong giai đoạn 2010 - 2016 cao nhất, cao hơn hẳn mức bình quân của ASEAN và thế giới; song về con số tuyệt đối, mức chi tiêu cho điện toán đám mây của Việt Nam còn rất thấp (1,7 USD/năm 2016), thấp hơn 107 lần so với Singapore; 6,5 lần so với Malaysia; 2,4 lần so với Thái Lan và 1,3 lần so với Philippines.
Những con số trên phản án thực tế đang có rất nhiều rào cản trong việc thúc đẩy Cloud tại Việt Nam, qua khảo sát của Giáo sư Khương và khảo sát nhanh gần 200 đơn vị dự hội thảo cho thấy, chi phí đầu tư không phải là trở ngại, mà rào cản lớn nhất là việc dùng phần mềm không bản quyền còn phổ biến, sự thiếu hiểu biết về lợi ích của Cloud, lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin, và chất lượng dịch vụ Cloud tại Việt Nam chưa thực sự đảm bảo.