Bộ Công Thương thừa nhận thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu thế giới có những biến động về cung cầu và giá ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước.
Bộ Công Thương đã yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, cung ứng đủ, liên tục nguồn hàng xăng dầu cho các đơn vị tiêu thụ trong hệ thống.
Theo dõi sát diễn biến nguồn hàng, trường hợp gặp khó khăn, vượt thẩm quyền giải quyết, báo cáo về Bộ Công Thương để có phương án xử lý kịp thời.
Giá xăng dầu biến động mạnh. |
Theo báo cáo của các Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và một số Sở Công Thương, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước vẫn đang được các doanh nghiệp đầu mối cung cấp đầy đủ, đồng thời các doanh nghiệp cam kết sẽ bảo đảm nguồn cung liên tục, không bị gián đoạn cho hệ thống bán lẻ xăng dầu của mình. Trong trường hợp nguồn cung từ các Nhà máy sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu, các doanh nghiệp sẽ tìm kiếm các nguồn nhập khẩu hợp lý để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, để bảo đảm việc thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường, tăng cường kiểm tra, giám sát việc bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm các thương nhân có hành vi vi phạm các quy định về kinh doanh xăng dầu.
"Như vậy, có thể khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước hiện vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và đời sống của người dân", Bộ Công Thương khẳng định.
Trước đó, về tác động của công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua đến đơn vị này, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), cho hay: Từ đầu năm đến nay giá dầu thế giới tăng liên tục, trong khi đó giá xăng dầu trong nước thời gian qua lại chủ yếu là giữ nguyên, không tăng. Từ đầu năm đến nay chỉ có một lần giá xăng dầu tăng, còn lại Nhà nước dùng Quỹ bình ổn giá để bù vào nhằm không tăng giá xăng. Có mặt hàng Quỹ bình ổn giá đã phải chi tới 2.800 đồng/lít.
“Điều này dẫn đến PVOil đang bị âm quỹ hơn 400 tỷ đồng”, ông Cao Hoài Dương lo lắng.
Trả lời PV.VietNamNet, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, cho rằng: Cách điều hành như vậy làm cho giá xăng dầu không phản ánh đúng giá thật, không đúng giá thị trường, mang tính hành chính can thiệp vào kinh doanh của DN. Ngoài ra, điều này làm cho DN nhỏ khốn khổ vì quỹ bình ổn giá, DN bị âm quỹ.
“Kinh tế thị trường làm gì có chuyện dùng một công cụ bí mật để can thiệp thị trường. Tôi cho Quỹ bình ổn giá là một công cụ bí mật của nhà điều hành, nên bỏ đi. Hiệp hội đã kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá khi xây dựng Nghị định 83 nhưng không ai nghe, không phản hồi.”, ông Ruệ nói thẳng “Quỹ bình ổn giá thực chất cũng là tiền của dân góp vào”.
“Phải đẩy mạnh thị trường hóa xăng dầu, đừng bao cấp nữa. Bảo sửa lại nghị định 83, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cứ nói mà hơn một năm nay Bộ Công Thương không sửa. Hiệp hội nói ngay từ đầu, nếu không cẩn thận làm mất nguồn cung là do cơ chế nhà nước chứ không phải do thị trường, do DN hay do nhân dân. Một nhóm người thôi", ông Ruệ nói.
Lương Bằng