Mới đây, truyền hình Trung Quốc đã công chiếu phim tài liệu về quá trình thanh lọc đội ngũ cán bộ trong Ủy ban Kiểm tra kỷ luật (UBKTKL), cơ quan điều tra tham nhũng của nước này.
Theo đó, kể từ sau Đại hội 18, có tới 218 cán bộ cơ quan UBKTKL Trung ương bị “nhắc nhở”, 38 người bị xử lý, 21 người bị điều chuyển chức vụ, 17 người bị lập án điều tra. Còn trong hệ thống UBKTKL toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc, hơn 5.000 người bị gọi lên nhắc nhở, 2.100 người bị xử lý tổ chức, 7.500 người bị kỷ luật, 3 Phó Bí thư UBKTKL tỉnh ủy bị điều tra.
Trong phim, lần đầu tiên 8 “nội quỷ” trong cơ quan UBKTKLTW đã bị điểm mặt, trong đó 5 người đã từng tham gia điều tra xử lý Bạc Hy Lai và nhiều vụ án lớn. Họ phạm tội tiết lộ manh mối điều tra, lén lút đánh tiếng thông báo với những quan chức vi phạm hoặc câu kết với thương gia để dùng quyền đổi tiền... Tóm lại, là “vừa xét xử quan tham, vừa tự mình tham nhũng”.
Trong số 8 người này, Ngụy Kiện và Tào Lập Tân đã “ngã ngựa” từ trước, 6
Tào Lập Tân |
người còn lại đều mới lần đầu công bố. Đó là Lưu Kiến Doanh, Kiểm sát viên cấp phó cục thuộc Phòng Kiểm tra giám sát (KTGS) số 11; Minh Ngọc Thanh chuyên viên cấp trưởng cục, Phó chủ nhiệm Phòng KTGS số 9; Viên Vệ Hoa, Phó phòng KTGS số 6; La Khải, Kiểm sát viên cấp phó cục, Phòng KTGS số 6; Thân Anh, Trưởng phòng KTGS số 12 và Nguyên Ngật Phong, Trưởng phòng KTGS số 8, tất cả đều trực thuộc cơ quan UBKTKLTW.
Lưu Kiến Doanh từng tham gia “đánh án” các vụ án lớn quan trọng, như Bạc Hy Lai, Bạch Ân Bồi, Liêu Thiếu Hoa... Doanh từng được bình chọn là “Cốt cán ưu tú”. Tuy nhiên, Doanh lại “vay” tiền các ông chủ để chơi chứng khoán, bố trí cho người nhà giữ chức khống trong các công ty tư nhân để nhận lương, giúp người nhà nhận thầu để trục lợi. Doanh cho rằng, bản thân thường xuyên xa nhà, cảm thấy người thân bị thiệt nên tìm cách “bù đắp”.
Minh Ngọc Thanh công tác trong ngành KTKL đảng suốt 27 năm, từ lâu nay có quan hệ gắn bó thân thiết với nhiều quan chức lãnh đạo, ông chủ doanh nghiệp; thường xuyên ra vào các khách sạn, nhà hàng ăn nhậu, tiến hành “đổi quyền lấy tiền”. Em trai, con trai cùng nhiều người thân của Thanh cũng bị cuốn vào vòng xoáy lợi dụng quan hệ với ông ta, trục lợi phi pháp.
Thanh tự khai có quan hệ thân thiết trong “nhóm bạn bè” hơn 100 người. “Đó là
Minh Ngọc Thanh |
chuỗi dây xích quan hệ hình thành bởi quyền lực, tiền bạc, địa vị và lợi ích”. Một mặt, Thanh lợi dụng quyền lực điều tra xử lý cán bộ vi phạm kỷ luật, pháp luật để tạo mối quan hệ với các cán bộ trong ngành và cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền; mặt khác nhận lời giúp các chủ doanh nghiệp thông qua các mối quan hệ với đó rồi nhận hối lộ hàng chục triệu tệ.
Viên Vệ Hoa là người từng tham gia điều tra xử lý các vụ án Mộ Tuy Tân, Mã Hướng Đông, Vũ Trường Thuận... Hoa vừa muốn làm quan to lại vừa muốn phát đại tài, nhiều lần đem bí mật công tác ra để giao dịch, đánh đổi với quan chức vi phạm. Sau khi về UBKTKLTW công tác, Hoa có những cú giao dịch lớn như để bố đẻ nhận thầu công trình lớn hơn 1 tỷ tệ, nhưng Hoa cũng bắt bố lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho mình.
Trong thời gian Hoa về Thiên Tân công tác, “Hổ lớn Thiên Tân” Hoàng Hưng Quốc khi đó là quyền Bí thư, Thị trưởng đã chủ động mời Hoa ăn nhậu, tặng những món quà đắt tiền như đồng hồ vàng để nghe ngóng các tin tức về các quan chức địa phương như Vũ Trường Thuận, Dương Đống Lương đang bị điều tra, đồng thời “xin ý kiến tham khảo” về một số vấn đề manh mối vi phạm của bản thân. Viên đều nhất nhất cung cấp cho Hoàng Hưng Quốc.
La Khải và Thân Anh lại có kiểu “làm ăn” khác, kín đáo và biến tướng, không công khai nhờ vả, cũng chẳng tiết lộ thông tin mật, chỉ cần lộ mặt tại các bữa nhậu, giới thiệu các bên làm quen rồi lẳng lặng rút lui, ngồi nhận cả đống tiền hậu tạ. Thủ đoạn của họ là xuất hiện tại các địa điểm hẹn trước, giới thiệu quan chức và thương gia làm quen với nhau, đóng vai trò quyền lực trung gian.
Qua đó, hai người mua được hàng tá căn hộ, ki-ốt với giá “siêu ưu đãi”, nhận hàng kí lô vàng. Tuy khôn khéo làm vậy, nhưng rốt cục khi Triệu Tấn – chủ kinh doanh nhà đất khét tiếng, con trai Triệu Thiếu Lân (nguyên Ủy viên thường vụ kiêm Tổng thư ký tỉnh ủy Giang Tô) bị bắt, thì cả La Khải và Thân Anh đều bị ngã ngựa.
Nguyên Ngật Phong từng được biết tới với việc điều tra các vụ án đánh “Hổ
Nguyên Ngật Phong |
Quảng Đông” Vạn Khánh Lương, Chu Minh Quốc. Phong bị phát giác móc nối với thương gia để đối kháng điều tra, bày cho vợ cách diễn kịch để qua mặt cấp trên. Phong có quan hệ câu kết làm ăn với một số thương gia, lợi dụng chức quyền để tạo điều kiện cho họ làm ăn rồi nhận hối lộ hơn 2,4 triệu NDT.
Tào Lập Tân từng là kiểm sát viên bậc phó cục của Phòng pháp quy, năm 2014 bị miễn chức để điều tra. Tân từng công tác nhiều năm tại Phòng KTGS số 6, là Trưởng phòng, phụ trách tỉnh Sơn Tây trong thời gian dài. Sau khi xảy ra vụ sập mỏ than Thương Phần năm 2008, Tân là người phụ trách điều tra vụ việc, nên có ảnh hưởng rất lớn ở Sơn Tây, nhiều người tới tấp tìm đến lôi kéo. Tân dần sa ngã.
Ví dụ Mã Triều Huy, Bí thư UBKTKL Cục Đường cao tốc, Sở Giao thông Sơn Tây kết giao với Tân vì mục đích nhờ giúp để thăng quan tiến chức. Sau khi làm quen được Tân trên bàn nhậu, Huy liên tục tìm cơ hội để tiếp cập, từ mời nhậu đến uống trà rồi biếu quà dịp Tết, mỗi lần biếu cả trăm ngàn tệ. Lúc đầu Tân từ chối nhận tiền, nhưng khi Huy cứ để tiền trên xe rồi đóng cửa lại thì Tân cũng không trả lại. Kết quả, nhờ Tân giúp đỡ, Huy đạt được nguyện vọng thăng quan. Khi Huy bị điều tra đã khai ra việc hối lộ cho Tân.
Ngụy Kiện là quan chức lãnh đạo cấp cục, sở đầu tiên của UBKTKLTW bị điều tra vì phạm tội kể từ sau Đại hội 18. Kiện là Chủ nhiệm Phòng KTGS số 4, từng tham gia điều tra các vụ đại án quan trọng như Bạc Hy Lai, Đới Xuân Ninh... Việc Kiện bị bắt ngay tại phòng làm việc để điều tra từng gây chấn động lớn trong ngành KTKL đảng.
Kiện từng là Phó chánh án Tòa án tỉnh Hà Bắc, Chủ nhiệm Phòng KTGS số 5 phụ trách các tỉnh Tây Nam, rồi chuyển sang phụ trách Phòng số 2 phụ trách 26 bộ, ban, ngành ở trung ương. Từ tháng 3/2014, sau khi UBKTKLTW cải tổ cơ cấu, Kiện được giao làm Chủ nhiệm Phòng 4, phụ trách 26 cơ quan, đơn vị thuộc ngành tài chính, ngân hàng cho đến khi bị bắt giữ điều tra ngày 9/5/2014.
Ngụy Kiện |
Sau khi Kiện được điều lên UBKTKLTW, nhiều bạn bè, chủ doanh nghiệp đã tới kết giao. Kiện cũng chẳng từ chối ai. Kiện thú nhận: “Nhận tiền rồi cất ở trong nhà, bình thường tôi chả có lúc nào tiêu tiền, điều kiện nhà tôi cũng khá giả, nên những khoản tiền biếu đó, sau khi nhận tôi quẳng một chỗ, chẳng ngó ngàng đến. Cầm chúng, tôi đã phải trả giá bằng sự an nguy của bản thân, bằng tiền đồ cả cuộc đời phía trước. Tôi thật là ngu ngốc!”.
Điều tra cho thấy có đến hơn 100 người đưa hối lộ cho Kiện với tổng số tiền lên tới mấy chục triệu NDT. Thứ Kiện đem ra để đổi lấy tiền bạc, đồ vật chính là quyền lực giám sát, thực thi kỷ luật. Ngoài việc trực tiếp lợi dụng chức vụ, lấy cớ đánh án để mưu lợi, Kiện còn nhiều lần tác động đến quan chức các địa phương để giải quyết việc cho đối tác trong đủ mọi lĩnh vực như: thăng chức, sắp xếp công tác, xét xử vụ án, nhận công trình...
Trường hợp điển hình là Tống Chí Viễn, ông chủ người Tứ Xuyên, đưa hối lộ hàng chục triệu tệ. Viễn muốn nhận một công trình lớn ở Tứ Xuyên, nên tìm đến Ngụy Kiện nhờ cậy tác động đến chính quyền tỉnh. Kiện lập tức gọi điện cho Lý Xuân Thành, khi đó đang là Bí thư thành ủy Thành Đô, Phó Bí thư Tứ Xuyên (sau này là UVTW, Bí thư Tứ Xuyên), đề nghị quan tâm giúp đỡ Viễn. Chỉ một cú điện của Kiện, việc nhận thầu công trình tiền tỷ của Viễn đã xong.
Trong suốt thời gian làm lãnh đạo các Phòng 5, 2, 4 của UBKTKLTW, Kiện đã liên hệ với nhiều địa phương và ban ngành, dùng cách gọi điện để nhờ vả. Có tới cả chục tỉnh thành bị “nhờ”. Sau khi Kiện bị bắt, cơ quan điều tra thu được tại nhà y hàng bó giấy bạc USD, Euro, NDT, tượng Phật bằng vàng, vòng ngọc, vàng thoi, ngà voi đã chạm khắc và hàng đống thẻ ngân hàng, thẻ quà tặng, tổng giá trị hàng mấy chục triệu tệ.
Ngô Tuyết