Thời gian gần đây, một loạt tướng quân đội của Trung Quốc đã bị bãi bỏ tư cách đại biểu quốc hội.
Theo Tân Hoa xã, ngày 3/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã ra thông cáo về việc chấm dứt tư cách đại biểu của 4 người: Vương Nghĩa Phương, Lư Thuần Kiệt, Điền Tu Tư và Chu Lâm Hòa. Trong đó, Điền Tu Tư và Chu Lâm Hòa là tướng trong quân đội.
Thượng tướng Điền Tu Tư, Ủy viên Trung ương các khóa 17, 18, từng giữ các chức Chính ủy Quân khu Tân Cương, Chính ủy Quân khu Thành Đô, Chính ủy Không quân, từ tháng 8/2015 là Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của quốc hội. Điền Tu Tư là Thượng tướng thứ 3 “ngã ngựa”, sau Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng.
Tư bị bắt hôm 5/7. Tư công tác tại Quân khu Lan Châu gần 40 năm, có quan hệ chặt với Quách Bá Hùng. Hùng từng là Tư lệnh Lan Châu, có biệt danh “Hổ Tây Bắc”, đã đề bạt rất nhiều cán bộ từ quân khu này. Sau khi Hùng giữ chức Phó chủ tịch Quân ủy, Tư đã thăng tiến rất nhanh. Chỉ trong 7 năm (2002-2009), Tư từ cấp trưởng quân đoàn lên trưởng quân khu, tới 2012 được phong hàm Thượng tướng.
Từ trái qua: Điền Tu Tư, Chu Lâm Hòa và Trương Minh |
Báo điện tử Quan sát cho biết, ấn tượng sâu sắc của mọi người về Điền Tu Tư là “thế mạnh” và “bá đạo”. Ông ta thường lớn tiếng quát mắng cấp dưới ngay trong các cuộc họp. Có một cán bộ chỉ vì một câu nói của Tư mà bị lao động cải tạo 2 năm trong oan ức.
Dư luận cho rằng, việc Điền Tu Tư bị điều tra có liên quan đến việc Quách Bá Hùng bán lon.
Hồi đầu năm nay, nhà văn Trần Hy, nguyên cán bộ văn nghệ thuộc Cục Chính trị Quân khu Lan Châu, cho xuất bản “Truyện Quách Bá Hùng”, trong đó tố cáo việc Hùng bán chức và đề cập đến chuyện năm 2012, Tư hối lộ Hùng 50 triệu NDT (175 tỷ VND) để có được chức Chính ủy Không quân, dù không có chuyên môn gì về quân chủng kỹ thuật này.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng thì viết: “Đằng sau chuyện Điền Tu Tư chuyển từ Chính ủy Tân Cương về làm Chính ủy Thành Đô, rồi nhảy vọt làm Chính ủy Không quân, luôn thấy có cái bóng của Từ Tài Hậu”. Trong số tội danh của Hậu có việc nhận hối lộ 12,3 triệu USD.
Hồi tháng 3/2016, Tướng Dương Xuân Trường ở Viện Khoa học quân sự từng nói: “Các vụ án tham nhũng của Hậu và Hùng phản ánh hai người nắm quyền quá lớn”. Ông nói trên đài truyền hình: “Quyền lực của họ quá lớn! Giả sử một người bỏ ra 20 triệu NDT để lấy chức tư lệnh quân khu, thì người trước đó đã bỏ ra 10 triệu NDT hết hy vọng”.
Về Chu Lâm Hòa, trong thông báo đình chỉ chức vụ của ông này, trang web của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc viết: “Chu Lâm Hòa, Thiếu tướng, nguyên Cục trưởng Quân nhu vật tư xăng dầu Tổng cục Hậu cần, do quân đội bầu ra, có dấu hiệu vi phạm kỷ luật, pháp luật, bản thân tự xin bỏ chức vụ đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 12”.
“Ngày 18/8, Ủy ban bầu cử Bộ bảo đảm Hậu cần Quân ủy (tên mới của Tổng cục Hậu cần sau khi cải cách quân đội đầu năm 2016) đã quyết định chấp nhận để Chu Lâm Hòa thôi chức”, bản thông báo nêu rõ.
Tư liệu công khai cho thấy, Hòa sinh năm 1955, người Giang Tô, tốt nghiệp Học viện Chỉ huy hậu cần, tháng 11/2003 là Cục phó Quân nhu vật tư xăng dầu, được thăng cấp Cục trưởng tháng 12/2007. Cục này đảm nhiệm việc cấp phát vật tư, quân lương, xăng dầu cho toàn quân.
Tờ Tân Kinh cho biết, Hòa là viên tướng 13 trong ngành hậu cần quân đội và tướng thứ 5 của cơ quan Tổng cục Hậu cần bị “ngã ngựa” từ sau Đại hội 18. Bốn người trước là Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, Trung tướng Lưu Tranh, Phó Tham mưu trưởng Phù Lâm Quốc và Phó Cục trưởng Quân nhu vật tư xăng dầu Chu Quốc Thái - “Cha đẻ” áo chống đạn của Trung Quốc.
Chu Lâm Hòa là cấp dưới trực tiếp của Cốc Tuấn Sơn, đồng thời là sếp trưởng của Chu Quốc Thái. Tội lỗi cụ thể của Chu Lâm Hòa hiện chưa được công bố, nhưng có tin nói ông ta dính vào việc xà xẻo khoản kinh phí khổng lồ được chi cho công tác cứu hộ cứu nạn.
Trước đó, ngày 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc cũng đã thông báo bãi bỏ tư cách của 3 đại biểu Dương Lỗ Dự, Đào Thục Cúc và Trương Minh. Trong đó, Trương Minh là Thiếu tướng, Phó Tham mưu trưởng Quân khu Tế Nam, “do vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng nên xin từ chức”.
Tân Kinh báo cho biết, Trương Minh nguyên là Phó Tham mưu trưởng Tập đoàn quân 38, sau là Cục phó Cục Tác chiến/ Bộ Tổng Tham mưu, Cục trưởng Không quân của Lục quân, Cục trưởng Quy hoạch chiến lược/ Bộ Tổng Tham mưu. Ông này được điều chuyển về làm ở Quân khu Tế Nam từ tháng 12/2014.
Mạng Sina cho biết, Trương Minh sinh 1957 là một viên tướng trưởng thành từ cơ sở, được đánh giá cao, nhưng ngay sau khi được đưa về Tế Nam đã bị cơ quan kiểm tra kỷ luật quân ủy điều tra. Có tin trong thời gian giữ chức Cục trưởng Không quân của Lục quân, Minh đã nhận hối lộ hàng chục triệu NDT để cho một công ty trúng thầu.
Ngô Tuyết