Lịch học từ 6h20 đến 22h50 mỗi ngày, kéo dài trong 3 năm
Theo Sohu, đây là nơi duy nhất ở Trung Quốc không tồn tại quán điện tử, phòng bida, quán cà phê hay internet. Mỗi ngày, vào lúc 11h45 hàng nghìn học sinh sẽ ùa ra cổng trường Trung học Mao Thản Xưởng để tranh thủ ăn trưa.
Sau giờ học, phụ huynh tập trung trước cổng trường để giao cơm cho con. Việc làm này, giúp cho các sĩ tử không phải chạy tới chạy lui, dành nhiều thời gian cho việc học.
Dương Duy là học sinh lớp 12 tại trường Trung học Mao Thản Xưởng cho biết: "Một ngày học của em kéo dài từ 6h20 đến 22h50. Đây là lịch học cố định diễn ra vào các ngày trong tuần và sẽ kéo dài trong suốt 3 năm". "Nếu cộng số bài kiểm tra em đã làm trong 3 năm, có thể sẽ phủ kín các con đường trên khắp thế giới”, học sinh này cho biết.
Để phục vụ cho kỳ thi khắc nghiệt, bố mẹ của Dương Duy đã quyết định thuê nhà cho con ở Mao Thản Xưởng, với hy vọng cậu sẽ trở thành người đầu tiên trong nhà vào đại học. Thậm chí, mẹ Dương Duy còn bỏ việc đến đây để chăm sóc con trai năm cuối cấp.
Lò luyện thi khắc nghiệt
Những đứa trẻ ở Trung Quốc phải chịu áp lực thi cử từ rất sớm, 5 tuổi phải học tính toán, tiếng Anh và tiếng Trung. Một số bà mẹ còn cho rằng, cuộc chạy đua cho kỳ thi đại học ở Trung Quốc bắt đầu từ khi đứa trẻ mới ra đời.
Các gia đình có điều kiện ở thành phố cho con học thêm ở lớp chất lượng cao, thuê gia sư, thậm chí chạy trường. Thế nhưng, những gia đình nông thôn nghèo, họ sẽ chọn cách cho con vào trường Trung học Mao Thản Xưởng - nơi đây được mệnh danh là "lò luyện" hoặc "thánh địa ôn thi" của các sĩ tử.
Tại đây, học sinh không được sử điện thoại và máy tính, thậm chí, ký túc xá còn không có cả ổ điện. Dương Duy - một sĩ tử cho biết: “Nếu ai đã xác định đến đây, thì chỉ học chứ không thể làm gì khác". Mỗi ngày trôi qua học sinh chỉ có 3 việc là học tập, ăn uống và nghỉ ngơi.
Những học sinh ở đây cho biết, quy định nghiêm ngặt này của nhà trường chỉ với mục đích giúp họ ngày càng tiến bộ. Nếu không làm bài tập, có thể học sinh sẽ bị đuổi khỏi trường ngay lập tức.
Ngoài ra, hệ thống camera giám sát của trường được lắp mọi nơi, từ lớp học đến ký túc xá để theo dõi hoạt động của học sinh. Những quy định khắt khe này của nhà trường đã mang đến sự thay đổi lớn. Năm 1998, trường chỉ có 98 học sinh đỗ đại học. 15 năm sau, con số này nâng lên 9.312 và ngày càng tăng.
Chạy đua với thời gian
Học sinh lớp 12 ở trường Mao Thản Xưởng phải học từ 6h20 đến 22h50. Mỗi ngày, học sinh chỉ có 10-15 phút để ăn uống và 1 tiếng nghỉ giải lao. Thậm chí, giáo viên còn lên lịch tắm rửa, vệ sinh cho cả lớp để tránh lãng phí thời gian học. Các sĩ tử sẽ được nghỉ ngơi khoảng 90 phút buổi trưa ngày chủ nhật.
Để chuẩn bị cho kỳ thi đại học (Cao khảo), học sinh sẽ phải làm bài kiểm tra hàng tháng. Sau đó, dựa vào điểm số học sinh sẽ biết thứ hạng của bản thân. Nếu hạng xếp càng cao thì tiền học sẽ được giảm, còn học sinh có thứ hạng thấp phải trả học phí cao.
Do đó, tại trường này, giáo viên luôn đề cao việc học của học sinh lên hàng đầu. Bởi thu nhập của họ cũng phụ thuộc vào điểm số và tỷ lệ học sinh đỗ hay trượt.
Theo quy định của trường, mỗi học sinh đỗ vào đại học top đầu, giáo viên luyện thi (6 người) sẽ chia nhau phần thưởng khoảng 12 triệu đồng. Lương cơ bản của giáo viên tại đây cũng cao gấp 2-3 lần mức lương thông thường tại Trung Quốc.
Giáo viên ở trường này cũng có bảng xếp hạng dựa trên điểm tích lũy hàng tuần của học sinh. Nếu xếp cuối bảng, giáo viên có thể bị sa thải.
Thành công phụ thuộc vào cả yếu tố tâm linh
"Nếu không cầu nguyện với cây thiêng, bạn không thể đỗ đại học", một người dân trong thị trấn Mao Thản Xưởng nói.
Cách thời điểm thi chỉ một ngày, học sinh, phụ huynh ở Mao Thản Xưởng sẽ thực hiện những nghi thức tâm linh. Trong khuôn viên của trường học, các học sinh sẽ quỳ gối đi đến bức tượng để chứng tỏ lòng thành tâm. Tại cây thiêng trong làng, nhiều người đến đây để cầu nguyện, thắp hương.
Thậm chí, những chiếc xe chở thí sinh đi thi, biển số xe phải kết thúc bằng số 8 - con số mà người Trung Quốc coi là may mắn nhất. Và tài xế lái xe thì phải là tuổi ngựa, bởi họ quan niệm "mã đáo thành công".
An Dương
(Theo Sina, Sohu)