Khác biệt từ kiến trúc, công nghệ mã nguồn mở đến chất lượng dịch vụ hỗ trợ chính là lí do Hanel-DTT được chọn làm đơn vị triển khai thực hiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Cục Đăng kiểm Việt Nam ra mắt vào 1/8/2015.

Nhờ đó, Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông vận tải) sẽ chấm dứt nhận hồ sơ giấy để chuyển hẳn sang hình thức nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia, giúp các doanh nghiệp rút ngắn 4/5 thời gian làm thủ tục so với quy trình cũ. Đây là bước đột phá của ngành đăng kiểm trong cải cách hành chính, giúp doanh nghiệp và người dân không phải xếp hàng nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng kiểm.

Ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hanel DTT đã chia sẻ với báo chí nhân sự kiện này.

{keywords}
Ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hanel DTT

Sẵn sàng phục vụ khoảng 10.000 DN

- Như đã nói, ngày 1/8/2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ chỉ nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia. Về phía Hanel DTT, đã có sự chuẩn bị như thế nào để hỗ trợ cơ quan đăng kiểm cũng như doanh nghiệp?

Chúng tôi luôn coi trọng chất lượng dịch vụ công nghệ lên hàng đầu. Do đó, HANEL-DTT đã tổ chức hệ thống bảo hành, bảo trì dịch vụ chuyên nghiệp từ khâu tiếp nhận thông tin qua tổng đài dịch vụ (tổng đài 1900 8015), trực hạ tầng 24/7, đội ngũ phát triển và bảo trì phần mềm đáp ứng chỉnh sửa và khắc phục sự cố hệ thống nhanh nhất đảm bảo không gián đoạn dịch vụ của khách hàng.

Đặc biệt, tổng đài tiếp nhận toàn bộ những yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng dịch vụ để có chất lượng dịch vụ tốt nhất, coi các doanh nghiệp làm thủ tục như khách hàng trực tiếp của mình. Đây cũng là một trong những bí quyết thành công của HANEL-DTT để có thể ứng dụng các hệ thống lớn cho đất nước.

{keywords}
Thứ trưởng TT&TT NGuyễn Minh Hồng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khai trương hệ thống Chính quyền điện tử quận Ngô Quyền
Cũng như các hệ thống khác, hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Cục Đăng kiểm Việt Nam do HANEL-DTT xây dựng cũng sẽ tiếp nhận yêu cầu thông tin và phục vụ khoảng 10 nghìn doanh nghiệp nhập khẩu xe cơ giới và toàn bộ các cán bộ quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Khác biệt từ kiến trúc, mã nguồn tới chất lượng phục vụ

- Xin ông cho biết, dịch vụ công do Hanel - DTT xây dựng khác dịch vụ công do các đơn vị khác xây dựng như thế nào?

Về mô hình dịch vụ công trực tuyến, HANEL-DTT tự hào là một trong những đơn vị làm CNTT đầu tiên ở Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu với sự tham gia của nhiều chuyên gia về CNTT, về CCHC để đưa ra kiến trúc tổng thể (EA) cho dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4.

Trong các thành phần kiến trúc, HANEL-DTT đã đưa ra các thành phần có mức độ tổng quát cao, có thể áp dụng cho bất kỳ một dịch vụ công trực tuyến nào cho tất cả các lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước ở mức độ cao nhất (mức 4).

Về nghiệp vụ, dịch vụ công trực tuyến do HANEL-DTT xây dựng đáp ứng việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, các giải pháp đảm bảo tính pháp lý của hồ sơ dạng số; xử lý hồ sơ hoàn toàn qua mạng, loại bỏ các giấy tờ giấy trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính; trả kết quả trực tuyến sử dụng chữ ký số và thanh toán điện tử.

Về công nghệ, các hệ thống dịch vụ công trực tuyến do HANEL-DTT xây dựng sử dụng hoàn toàn nguồn mở với những giải pháp hàng đầu thế giới, đảm bảo an toàn, bảo mật và hiệu năng. Có thể lấy ví dụ là đến thời điểm này, các hệ thống dịch vụ công trực tuyến của HANEL-DTT xây dựng đang phục vụ khoảng 50 nghìn doanh nghiệp trên phạm vi cả nước thường xuyên sử dụng và đang vận hành ổn định.

Có thể tóm tắt các điểm khác biệt của HANEL-DTT nằm ở 3 từ: kiến trúc, công nghệ mã nguồn mở và chất lượng dịch vụ hỗ trợ.

{keywords}
Các đại biểu tham quan mô hình chính quyền điện tử quận Ngô Quyền tại các màn hình demo

Một cửa thông cần đồng lòng, chung sức

- Theo ông điều gì là quan trọng nhất cần phải giải quyết khi xây dựng hệ thống CNTT của các bộ, ngành để nó hoạt động thông suốt khi tham gia Cơ chế Một cửa quốc gia?

Điều quan trọng nhất đó chính là sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan tham gia cơ chế một cửa Quốc gia. Cơ chế đồng bộ này bao gồm chính sách, quy trình và tuân thủ các nguyên tắc của Cơ chế một cửa Quốc gia theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ. Thay vì xây dựng nhiều hệ thống riêng rẽ, nay phải xây dựng một hệ thống tích hợp thống nhất. Do vậy, các Bộ ngành cần phải tích cực chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ chung cho người dân và doanh nghiệp và mạnh mẽ loại bỏ tính cát cứ thông tin đã và vẫn còn đang tồn tại ở một số đơn vị.

Hệ thống CNTT được xây dựng trên cơ sở các quy trình nghiệp vụ đã được thống nhất của các cơ quan tham gia cơ chế một cửa cần phải đảm bảo các yếu tố đáp ứng hiện đại hóa các nghiệp vụ trước đây chỉ thực hiện bằng giấy tờ nay chuyển đổi sang sử dụng hệ thống thông tin. Các yếu tố công nghệ quan trọng như năng lực hạ tầng CNTT, an ninh thông tin và hiệu năng sử dụng cũng là các yếu tố rất quan trọng.

Và một điểm nữa, hệ thống cần được thiết kế để thuận lợi và dễ dùng cho các doanh nghiệp, người làm thủ tục hành chính cũng là một yếu tố dẫn đến thành công.

Nhiều Quốc gia đã xây dựng cơ chế một cửa và chứng minh tính hiệu quả của nó trực tiếp tới nền kinh tế. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam cũng sẽ thực hiện thành công cơ chế này đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Vĩnh Phú