Câu chuyện tài xế uống bia rượu trong buổi họp lớp rồi gây tai nạn rạng sáng ngày 1/5 trở thành một trong những chủ đề của cuộc gặp mặt bạn cấp 3 của anh Minh Hoàng (46 tuổi, Quận 3, TP.HCM) diễn ra vào chiều cùng ngày.

"Lớp chúng tôi thường họp mỗi năm một lần, cũng có khi 2 năm mới họp, nhưng nhóm bạn cấp 3 thân thiết thì một năm gặp đôi ba lần. Họp lớp thì đông hơn họp bạn, có cả nam lẫn nữ, nhiều người để tán chuyện hơn, nhưng điểm chung của cả hai cuộc này là… cùng nhậu. Thậm chí, họp bạn còn nhậu ác liệt hơn vì chỗ thân quen, ngồi lâu với nhau được, không bị mấy bà phụ nữ “phá đám” đòi về sớm” – anh Hoàng kể.

Hôm nay, câu chuyện “uống 6 chai” của tài xế gây tai nạn ở hầm Kim Liên, cũng được đem ra đo đếm trong buổi gặp gỡ.

{keywords}
(Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế)

“Câu chuyện này đã ảnh hưởng rõ rệt đến cuộc tụ tập hôm nay của chúng tôi. Mọi người uống chừng mực hẳn. Đa số bảo nhau lần sau chắc gọi xe chở đi, chở về chứ không tự đi xe mình nữa. Trước đây chúng tôi vẫn tự tin lắm, rằng thì có say đến mấy cũng về được đến nhà. Nhưng bây giờ chẳng ai dám nói mạnh. Dù gì, người nào cũng còn cả gia đình ở phía sau” – anh Hoàng chia sẻ.

Là một người tửu lượng kém, anh Thanh Sơn (44 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) lắc đầu khi nói tới chuyện họp lớp.

“Lớp đại học của tôi mấy năm gần đây cũng năng họp hơn, thường mỗi năm một lần chứ không bỏ bẵng đi như thời gian trước. Có lẽ vì tới thời điểm này cuộc sống của mọi người đa phần đã ổn định nên có thể dành nhiều thời gian cho các mối quan hệ khác ngoài làm ăn. Nhưng thú thực, tôi đôi lần cũng phải tìm cớ để không đi, hoặc có đi thì nghĩ lý do về trước, vì không chịu được nhiệt”.

“Nhiệt” mà anh Sơn nhắc tới ở đây chính là việc mỗi buổi họp thường biến thành buổi chuốc rượu, ép uống, khích uống của đám con trai. “Nào thì chai này vì gặp lại, chai kia vì sức khỏe, chai nữa vì “Tao vừa trúng quả, bọn mày phải chúc mừng”, thêm một chai vì… Thầy giáo chúng mình vẫn khỏe, “Thằng A. vừa lên chức, uống đi…”…”. Anh Sơn nói có hàng trăm lý do để các chai bia, ly rượu được nâng lên đặt xuống trong mỗi buổi tụ họp kéo dài vài giờ đồng hồ.

“Đi gặp bạn bè vui thì có vui, nhưng cứ nghĩ đến việc phải uống là lắm khi tôi nản, ngại hẳn. Ai ai cũng hè nhau uống, mình rất khó từ chối. Mà nếu cố thì rất mệt mỏi. Có lần tôi say quá bạn phải chở về nhà, xe gửi lại quán, mà tôi còn chẳng nhớ gì, sáng hôm sau dậy vừa mệt vừa ngơ ngác mãi mới nhớ hôm qua mình đã làm gì, ở đâu”.

Xử tận gốc bằng giáo dục, xử ngay bằng luật pháp

Anh Nguyễn Mạnh Hưng (28 tuổi, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ văn hóa chung ở Việt Nam việc rượu bia khó có thể tránh khỏi, vì văn hóa, phong cách làm việc, mở rộng mối quan hệ hay giao lưu bạn bè... đều trên bàn nhậu. Nhưng mỗi người đều phải tự có ý thức bảo vệ bản thân và trách nhiệm với mọi người xung quanh, với xã hội.  

“Một ngày ở Việt Nam không biết bao nhiêu vụ tai nạn có nguyên nhân từ bia rượu. Tôi luôn dặn mình đi taxi hoặc gọi người nhà đón nếu uống rượu bia ở mức tương đối nhiều. Chúng ta nên biết từ chối thay vì sĩ diện”.

Theo anh Hưng, cần lên tiếng với những người ép rượu khiến người khác say mèm, để rồi cướp đi sinh mạng của những người vô tội.

“Nói chung vấn đề này muốn xử lý tận gốc thì phải bằng giáo dục. Muốn xử lý ngay thì phải bằng luật pháp đủ mạnh, đủ sức răn đe” - anh Hưng nhìn nhận.

Còn anh Trần Việt Dũng (30 tuổi, Quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết từ hồi sinh viên, mỗi khi bạn bè tụ tập, anh ám ảnh nhất cảnh bị những người bạn ép uống với những câu khiêu khích “Ông không uống không phải anh em”, “Phải uống hết mình mới tôn trọng nhau”...

Bản thân anh khi đi họp lớp nhiều lần từng bị ép hay ngỏ ý uống thêm.

“Trừ khi là họp nhóm nhỏ bạn bè thân thiết biết tính nhau thì tuỳ sức, còn thường thì khi họp lớp sẽ có một nhóm uống tốt khuấy động không khí kèm theo việc gạ uống. Lúc đó, đa phần mọi người chỉ thấy vui chứ không đủ tỉnh táo để nghĩ nhiều đến các hệ lụy”.

Tuy nhiên, anh Dũng cũng thừa nhận, thực tế đôi khi vào cuộc vui vì hơi men mà chính mình cũng bị “theo dòng” mà hùa theo bạn bè, giục bạn khác uống thêm.

“Uống một chén hay chục chén túm lại cũng chẳng chứng minh quan hệ anh em, bạn bè có hết mình với nhau không. Đi họp lớp, bạn bè lâu ngày gặp lại thấy vui thường khích nhau thể hiện, nên mới hay có hiện tượng quá chén. Giờ đây, sau liên tiếp những vụ tai nạn thương tâm, tôi xác định dự cuộc nào phải uống thì đi taxi luôn, vừa an toàn cho bản thân mình nhưng cũng là cho mọi người. Hoặc không thì học cách từ chối, chứ không muốn những cuộc gặp bạn bè đáng ra rất vui và ý nghĩa lại trở thành những kỷ niệm buồn, thậm chí đau đớn” - anh Dũng chia sẻ.

{keywords}
Hình ảnh được nhiều Facebooker chia sẻ

Là chủ một gara sữa chữa ô tô ở Nghệ An, anh Chế Đình Đức (28 tuổi) cho hay đã gặp không ít trường hợp khách đến sửa xe do tai nạn sau những cuộc nhậu họp lớp, liên hoan gặp mặt bạn bè. 

“Thậm chí, nhiều vụ khi nhận xe tôi thấy tình trạng khá nặng, phải sửa mất nhiều ngày, chứng tỏ trước đó đã có những va chạm rất mạnh. Nếu là những pha va phải người đi đường thì hậu quả khôn lường” - anh Đức nói.

Cũng đề cập tới vai trò của luật pháp, nhưng theo anh Vũ Song Toàn (Group 91-94) thì Luật giao thông đường bộ của Việt Nam còn nhiều điểm được xem là thiếu nghiêm khắc cho những kẻ vi phạm. Nhưng ở tình trạng hiện tại, dường như nó cũng đủ để làm những kẻ vi phạm phải chùn tay. Vấn đề cốt tử là làm sao để tất cả những kẻ ngồi sau tay lái không "nhờn luật" trước khi leo lên xe và lao ra đường mà thôi. 

"Khi 2 người bạn đồng niên của tôi đã nằm xuống vĩnh viễn, Group 91-94 đã phát động phong trào "uống rượu bia thì không lái xe". Đó là một sự cần thiết về mặt tinh thần để điều chỉnh hành vi sau một biến cố khiến tất cả xúc động mạnh và đồng cảm. Nhưng nó không phải là giải pháp cần thiết và triệt để cho tình trạng TNGT hiện nay.

Với một tính chất như thế, nếu các nhà chức trách không xác định TNGT là quốc nạn và nhìn nhận nó với một tinh thần nghiêm túc và dồn mọi nguồn lực, khát vọng giải quyết hàng ngày, hàng giờ và tận gốc thì chắc chắn không có cách gì cản nổi quốc nạn này tiếp diễn" - anh Toàn kiến nghị.

Tới sáng nay, nhiều người dùng Facebook đã cập nhật ảnh đại diện hoặc share các hình khẩu hiệu như "Đã uống không lái", "Uống bia rượu không lái xe", "Đã uống rượu bia, không được lái xe"...

Trao đổi với VietNamNet tối ngày 1/5, cô giáo Nguyễn Linh Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) – nơi cô giáo Trần Thị Quỳnh công tác - nói rằng cô cũng như toàn thể cán bộ, giáo viên của trường vô cùng bàng hoàng và đau xót khi hay tin cô Quỳnh đã ra đi mãi mãi sau vụ tai nạn thương tâm.

Giờ đây, cô đang quặn lòng soạn những dòng điếu văn cho lễ tang của đồng nghiệp. Cô Chi chia sẻ vụ tai nạn đã cướp đi của cô và nhà trường một giáo viên giỏi, luôn hết mình vì công việc và được nhiều học sinh, phụ huynh quý mến, đánh giá cao.

Thanh Hùng - Phương Chi

Những bài học cuộc sống rút ra sau buổi họp lớp 30 năm ra trường

Những bài học cuộc sống rút ra sau buổi họp lớp 30 năm ra trường

“Những người trở thành giáo viên hay bác sĩ có vẻ đều hạnh phúc” – tác giả Deborah Copaken của tờ The Atlantic, một cựu sinh viên Harvard đã nhận ra điều đó sau buổi họp lớp 30 năm sau khi ra trường.