Lời Tòa soạn:

Hiện cả nước chuẩn bị các phương án thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã để tiến tới mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở (cấp xã).

Chính vì vậy, tổ chức bộ máy của cấp xã tới đây sẽ có nhiều thay đổi:

-   Dự kiến cả nước sẽ còn khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã thay vì 10.035 như hiện nay.

-   Cấp xã sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện nay; được trao nhiều quyền hạn hơn và sẽ có trung tâm hành chính công.

-    Một số cán bộ công chức cấp huyện, cấp tỉnh sẽ về xã.

-    Sẽ thực hiện chế độ công chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương, không phân biệt công chức cấp xã với cấp tỉnh.

Trước mắt, Bộ Nội vụ đề xuất giữ nguyên số lượng biên chế cấp xã nhưng trong vòng 5 năm sau khi sắp xếp sẽ thực hiện tinh giản cán bộ, công chức cấp xã không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

VietNamNet thực hiện loạt bài “Sáp nhập xã: Ai đi, ai ở?” ghi nhận những câu chuyện thực tế từ đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động đang làm việc ở xã, từ đó đặt ra những vấn đề cần giải quyết trong quá trình sắp xếp lại các đơn vị hành chính.

Đã kinh qua nhiều vị trí công việc ở cấp xã, cho đến khi làm bí thư qua một nhiệm kỳ và đang còn hơn 5 năm công tác nhưng một bí thư xã ở Thanh Hóa vẫn làm đơn xin nghỉ hưu, vì cho rằng sau khi sáp nhập xã, ông ít có cơ hội "làm người ở lại".

Bày tỏ hoàn toàn ủng hộ chủ trương sáp nhập xã, bỏ cấp trung gian là huyện, vị bí thư xã này cho biết, từ trước đến nay, mọi vấn đề của nhân dân là do cấp xã trực tiếp làm việc và báo cáo lên huyện. Cho nên chủ trương của Trung ương tinh gọn bộ máy, chọn người làm được việc, gần dân, sát dân là hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên, theo phân tích của ông, một huyện sau khi sáp nhập xã có thể chỉ còn 4-5 xã, hoặc nhiều hơn (tùy vào vị trí địa lý). Trong khi chỉ tính cán bộ thường vụ và huyện ủy viên của một huyện đã khoảng 30 người.

W-z4204457181894_61bdc440a52b632121b19b0e8e2aa13d.jpg
Một góc TP Thanh Hóa. Ảnh: Lê Dương

"Chính vì vậy, khi sáp nhập xã và sắp xếp cán bộ để trình tỉnh bố trí nhân sự lãnh đạo cho xã mới, đương nhiên huyện sẽ ưu tiên các nhân sự đang giữ các chức vụ chủ chốt. Như vậy, các lãnh đạo xã hiện tại sẽ khó đến lượt", ông nói.

Cũng theo vị bí thư này, nếu tính cả các trưởng, phó phòng, ban của huyện… thì con số sẽ rất nhiều.

Vị lãnh đạo này cho biết thêm, đây chỉ mới là con số của một huyện, chưa nói đến việc tỉnh chỉ định người ở trên tỉnh về.

"Như vậy con số cạnh tranh lãnh đạo xã sẽ còn rất nhiều. Tôi đã tự nguyện xin về hưu sớm thì không nói làm gì, nhưng những người ở lại, nhất là những người còn trẻ, có trình độ, năng lực cũng sẽ ít có cơ hội dù đã công tác, cống hiến nhiều năm”, ông chia sẻ.

Theo ông, đây là lo lắng và cũng là điều thiệt thòi cho anh em ở xã.

Không nên sắp xếp 100% người mới làm lãnh đạo xã

Một chủ tịch xã khác ở Thanh Hóa đang còn gần 10 năm công tác mới đây cũng làm xin nghỉ hưu trước tuổi. Dù tự nguyện, vui vẻ làm đơn nhưng thâm tâm ông vẫn trăn trở về việc lựa chọn cán bộ chủ chốt cấp xã sau khi sáp nhập.

"Bản thân tôi đi lên từ cơ sở, bằng cấp đầy đủ, kinh qua nhiều vị trí công việc, thậm chí từng được luân chuyển từ chủ tịch xã này sang xã khác. Nếu bản thân tôi không làm được việc thì đã bị thay thế từ lâu rồi”, ông chia sẻ.

W-DJI_0819hhhhhhhhhhhhhhhhhhhh.JPG.jpg
Trung tâm huyện Mường Lát, Thanh Hóa. Ảnh: Lê Dương

Cũng theo vị chủ tịch xã này, xã là cấp cuối cùng, mọi công việc từ to đến nhỏ, gần như chủ tịch xã đều phải giải quyết. Đêm hôm họp thôn, họp dân để giải quyết vụ việc, chủ tịch cũng phải có mặt.

Đặc thù của xã không như cấp huyện là lãnh đạo, chỉ đạo, mà chủ tịch xã phải là người sát dân, gần dân nhất mới có thể giải quyết được vấn đề. Do đó, ông đề nghị khi chọn cán bộ chủ chốt của xã không nên sắp xếp 100% cho người mới.

"Cần giữ lại một số cán bộ chủ chốt cũ để có sự kế thừa, kịp thời nắm bắt các công việc tiếp xúc với dân, không để khoảng trống do phải chờ cán bộ mới có thời gian nắm bắt cơ sở", ông phân tích.

Vị chủ tịch xã này cũng cho rằng, khi chỉ định lãnh đạo mới của xã chỉ nên sắp xếp ở vị trí cấp phó một thời gian để học hỏi kinh nghiệm, cách làm việc của địa phương. Khi đã chín muồi sẽ lấy phiếu tín nhiệm một cách công bằng. Có như vậy thì cán bộ chủ chốt ở xã mới làm tốt được công việc ở xã.

“Từ xưa cấp xã không mấy khi được làm việc trực tiếp với tỉnh mà đều phải qua khâu trung gian là huyện, nên mối quan hệ giữa lãnh đạo xã với lãnh đạo tỉnh là rất ít. Như vậy, tỉnh sẽ không biết lãnh đạo xã nào làm được việc, xã nào không làm được việc để chỉ định hay lựa chọn”, vị chủ tịch này cho rằng đây cũng là một thiệt thòi cho cán bộ, công chức cấp xã.