6.jpg
Nhà cung cấp dịch vụ cần có biện pháp bảo vệ an toàn thông tin cho người dùng Wifi. Ảnh Lã Hồng.

Hiện nay tại Việt Nam, công nghệ wifi đã phát triển mạnh và khá quen thuộc với mọi người.  Wifi đặc biệt thích hợp cho nhu cầu sử dụng di động và các điểm truy cập đông người dùng. Loại hình dịch vụ này đã góp phần thay đổi một cách đáng kể cuộc sống, thói quen hàng ngày của mọi người.

Wifi và những tiện ích   

Lĩnh vực CNTT hiện nay phát triển như vũ bão, tác động một cách rõ rệt tới mọi mặt của đời sống. Wifi là một trong những điển hình trong lĩnh vực công nghệ này. Giờ đây mọi người hẳn đã thấy quen thuộc với hình ảnh nhiều người xách laptop tới những quán cafe wifi với mục đích thư giãn, lướt web, chát, gửi mail... Đáng chú ý là tại các trường đại học trong nước đều có phủ sóng wifi để phục vụ một cách tốt nhất cho nhu cầu học tập và giảng dạy của giáo viên, cán bộ, sinh viên trong trường. Đối với nhiều sinh viên, laptop là một đồ dùng không thể thiếu khi đến trường. Ngoài giờ học, khi giải lao sinh viên vẫn có thể giải trí trên Internet qua sóng wifi của nội bộ trường.

Hiện nay ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM còn có mốt “trà đá wifi” mà theo các bạn trẻ là rất kinh tế. Chỉ với 1.000đ tiền nước chè họ có thể tha hồ hòa mạng, online... Một lẽ đương nhiên là không có quán trà đá nào “xịn“ đến mức đi lắp wifi với giá “bèo” như vậy. Thực tế, những quán trà đá ấy vô tình được “hưởng xái” wifi từ những nhà hàng hay quán cà phê wifi lớn gần đó. Đối với nhiều sinh viên, việc la cà các khu công cộng “dùng chùa” wifi để giảm chi phí vào mạng mỗi ngày. Người truy cập nhiều có thể tiết kiệm hàng trăm ngàn tiền nét hàng tháng.

Lỗ hổng wifi

Thực tế hiện nay có tình trạng nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp, tập thể kết nối Internet không bảo vệ được quyền truy cập không dây của họ bằng mật khẩu và mã hóa mà gần như “để ngỏ” cho người qua đường và hàng xóm ăn cắp quyền truy cập. Thường thì việc dùng wifi “chùa” sẽ khiến tốc độ truy cập mạng của chủ sử dụng bị chậm hơn. Tuy nhiên, đe dọa lớn nhất của việc “xài chùa” wifi đến từ các tin tặc (hacker).

Đã có nhiều khuyến cáo các chủ hộ gia đình và doanh nghiệp dùng Internet không dây nên thiết lập mạng lưới bảo mật cao nhất, đảm bảo sự mã hóa mạnh mẽ kịp thời nhằm ngăn chặn hacker dùng trộm, tránh nguy cơ bị lấy cắp tên người dùng (username), mật khẩu (password) và các thông tin quan trọng khác. Nếu không được mã hóa, những hacker sẽ theo dõi được những gì bạn đang làm, dù đó chỉ là lướt net hay truy cập tài liệu từ xa. Thậm chí, hacker có thể làm máy tính của bạn bị lây nhiễm những mã độc để từ đó lấy cắp thông tin nhận dạng cá nhân.

Cái khó là nhiều thiết bị tiếp nhận sóng wifi hiện nay của người dùng không có khả năng tự phòng vệ trước sự đột nhập trái phép từ máy tính của người khác, đặc biệt là từ những hacker chuyên nghiệp. Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp bị mất cắp dữ liệu từ việc sử dụng wifi do sự chủ quan, lơ là của người dùng.

Các hacker thường dễ dàng tấn công vào những laptop kết nối wifi công cộng. Khi hacker thiết lập máy laptop của anh ta có cùng tên với điểm truy cập (giống như cấu hình trong laptop), nếu người sử dụng không biết mà kết nối vào mạng này thì toàn bộ thông tin, dữ liệu, số thẻ tín dụng có thể dễ dàng bị hacker ăn trộm. Wifi cho phép người sử dụng truy cập mạng giống như khi sử dụng công nghệ mạng máy tính truyền thống tại bất cứ thời điểm nào trong vùng phủ sóng.

Thêm vào đó, wifi có độ linh hoạt và khả năng phát triển mạng lớn do không bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi vị trí, thiết kế lại mạng máy tính, khắc phục được những hạn chế về đường cáp vật lý, giảm thiểu chi phí triển khai thi công dây mạng và không phải tác động nhiều tới cơ sở hạ tầng của đô thị.

Một vấn đề đặt ra là khả năng bảo mật dữ liệu cá nhân của người dùng. Khi một cộng đồng cùng sử dụng wifi, thì việc bảo mật càng được chú ý đẩy mạnh. Yêu cầu đặt ra với người dùng không chỉ dừng lại ở mức độ sử dụng mật khẩu để tự bảo toàn dữ liệu mà còn cần có giải pháp khắc phục dựa trên khía cạnh kỹ thuật của các nhà cung cấp dịch vụ.

Đại học Kiến Trúc Hà Nội

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 70 ra ngày 12/6/2009.