Đấu thầu là quá trình lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ, mua sắm hàng hóa, xây lắp… nhằm bảo đảm sự cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Việt Nam đã có Luật Đấu thầu và hệ thống các văn bản hướng dẫn chi tiết.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được trong thời gian qua cũng đã xuất hiện nhiều tiêu cực, bất cập trong công tác đấu thầu, thực hiện các dự án. Hậu quả không chỉ là nhiều dự án bị chậm tiến độ, tiền của Nhà nước bị thất thoát, lãng phí, chất lượng hàng hóa, công trình và dịch vụ không đảm bảo…, mà nhiều cán bộ, công chức và lãnh đạo các doanh nghiệp bị khởi tố và kết án phạt tù, gây thiệt hại không nhỏ cho đất nước.

Số vụ việc và số tiền thiệt hại liên quan đến sai phạm đấu thầu cũng đang ngày một nhiều. Có thể thấy điều này qua một số vụ việc như: hơn 43 tỷ đồng liên quan đến sai phạm chỉ trong một gói thầu của dự án Thí điểm bus nhanh BRT mà Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP Hà Nội thu hồi; hay hơn 41 tỷ đồng thiệt hại do nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng một số bị can gây ra trong 3 vụ án, có liên quan đến sai phạm trong đấu thầu...

Thời gian gần đây, nhiều nhà thầu và chủ đầu tư đã bị các cơ quan chức năng phát hiện, khởi tố do có các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Tiêu cực trong đấu thầu tại Hà Nội

Tuyến BRT 01 thử nghiệm nằm trên trục đường hướng tâm phía Tây của Hà Nội - nơi có tới 40 tòa nhà chung cư. Tuy nhiên trung bình mỗi ngày có chưa đầy 10.000 lượt người sử dụng, chỉ bằng 1/4 so với công suất thiết kế.

Lỗ hổng trong đấu thầu: Khi những “con voi chui lọt lỗ kim” - Ảnh 1.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến dự án xe bus nhanh BRT của Hà Nội. (Ảnh: NLĐ)

Hơn 5 năm qua, tuyến BRT bus nhanh gần 15km đầu tư gần 1.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới, do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư đã không giải quyết được 5 mục tiêu đề ra ban đầu: tốc độ nhanh, vận hành liên tục, chuyên chở khối lượng lớn, thay thế phương tiện cá nhân và đặc biệt là chưa giải tỏa được ùn tắc giao thông ở trục đường xuyên tâm phía Tây thủ đô.

Không chỉ kém hiệu quả, mới đây Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra vi phạm trong công tác đấu thầu. Tại gói thầu số 04, chủ đầu tư đã thực hiện chưa đúng thủ tục theo hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới, dẫn đến việc không có căn cứ để so sánh giữa các nhóm dự toán trong việc lựa chọn nhà thầu. Việc bổ sung hạng mục mới vào các gói thầu cũng không tổ chức đấu thầu, chỉ ký hợp đồng bổ sung với nhà thầu. Đặc biệt, dự án Hợp phần I - Xe bus nhanh BRT còn sai phạm tài chính ở các gói thầu kiểm tra, với tổng số tiền sai phạm trên 43 tỷ đồng.

Trước những sai phạm trong công tác đấu thầu, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP Hà Nội rút kinh nghiệm, xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thống nhất với nhà tài trợ để thu hồi số tiền hơn 43,5 tỷ đồng theo kết luận thanh tra. Nếu không thu hồi được số tiền thất thoát của Nhà nước, vụ việc sẽ được chuyển sang cơ quan điều tra.

Lỗ hổng thẩm định giá, chỉ định đấu thầu

Cho ký gửi, sử dụng trước, sau đó lập các bộ hồ sơ trúng thầu để hợp thức thủ tục mua bán, thanh toán tiền, trái quy định của Luật Đấu thầu, đó là thủ đoạn trong các vụ án liên quan lĩnh vực y tế thời gian vừa qua.

Từ năm 2016 đến năm 2020, Bệnh viện Tim Hà Nội đã thực hiện 52 gói thầu mua sắm vật tư y tế, vật tư tiêu hao với tổng giá trị hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng mặt hàng Stent dùng cho can thiệp tim mạch, số lượng trúng thầu hơn 23.000 chiếc, với tổng giá trị gần 940 tỷ đồng.

"Hiện tượng thông thầu, vi phạm vấn đề chỉ định thầu, gian lận trong thầu và bán thầu để xảy ra những hậu quả thiệt hại về kinh tế không đạt được các mục đích trong hoạt động đấu thầu đang diễn ra hết sức nhức nhối", Luật sư Hoàng Văn Hướng cho hay.

Không chỉ lĩnh vực y tế, liên tiếp trong 3 tháng gần đây, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố hàng chục bị can ở Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên do có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Các vi phạm tại những địa phương này đều liên quan đến việc thực hiện các dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non và tiểu học. Đặc biệt, điểm chung về các sai phạm ở các tỉnh là cơ quan quản lý thông đồng với đơn vị thẩm định giá.

"Chúng ta dựa dẫm quá nhiều vào thẩm định giá. Thẩm định giá lại là một đơn vị hoạt động theo hợp đồng dịch vụ với chính những chủ đầu tư này và chủ đầu tư hoàn toàn có quyền quyết định thuê đơn vị thẩm định giá nào, nên ở đây câu chuyện đang chạy vòng quanh khi đã lấy ra một trình tự thủ tục làm cơ sở để bao biện cho những hành vi vi phạm của mình để nhằm thu lợi bất chính", Luật sư Nguyễn Thế Truyền nhận định.

Thẩm định giá là một khâu vô cùng quan trọng trong hoạt động đấu thầu. Nhiều ý kiến cho rằng pháp luật đã trao quyền cho doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá quá lớn, trong khi đó lại không có quy định nào về hậu kiểm kết quả thẩm định. Đây chính là một trong những lý do dẫn tới các sai phạm về đấu thầu.

"Quyền đấy phải gắn liền với tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, có trung thực, có độc lập, có khách quan hay không. Làm sao cho đúng đắn với quy định của pháp luật cần phải có kiểm toán, tốt nhất là đơn vị khách quan là đơn vị kiểm toán vào hậu kiểm tất cả kết quả mà doanh nghiệp thẩm định giá đã làm phục vụ cho công tác đấu thầu và một số những hoạt động mua sắm tài sản từ ngân sách Nhà nước", Chủ tịch Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho biết.

Chỉ định thầu cũng đã bị lợi dụng triệt để trong các gói thầu hàng hóa, do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn nên đây là hình thức được áp dụng tương đối phổ biến, từ đó sinh ra rất nhiều tiêu cực trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

Hàng loạt các vụ án sai phạm về đấu thầu bị khởi tố thời gian qua. Từ đất đai, xây dựng, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục..., mỗi một lĩnh vực các đối tượng đã sử dụng những cách khác nhau để trục lợi và thủ đoạn thường xoay quanh các vấn đề như thẩm định giá hay chỉ định thầu. Những sai phạm này hầu hết đều liên quan đến cơ quan quản lý, liên quan đến các cá nhân ở những vị trí quyết định trong hoạt động đấu thầu.

Tham nhũng quyền lực và hệ lụy

Ngoài 5 năm tù về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước", bị can Nguyễn Đức Chung - cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội còn vướng vào vụ án hình sự về vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Thương mại và Dịch vụ Nhật Cường và một số đơn vị liên quan. Theo kết luận của cơ quan điều tra, hành vi phạm tội của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội là nghiêm trọng, với nhiều thủ đoạn tinh vi.

"Rất nhiều khó khăn. Đa số các vụ án vụ việc có liên quan đến một số cán bộ giữ chức vụ đứng đầu các cơ quan tổ chức, họ có mỗi quan hệ xã hội rộng với nhiều cấp, nhiều ngành, thậm chí là cán bộ cấp rất cao. Ngay từ giai đoạn tiếp cận, thu thập hồ sơ, tài liệu, cơ quan điều tra gặp sự can thiệp, tác động từ nhiều phía. Bản thân họ rất am hiểu về chính sách quản lý kinh tế, xã hội. Họ có kinh nghiệm đối phó, biết cách né tránh, tẩu tán tài sản trục lợi được, họ có điều kiện dùng cơ chế hành chính, mệnh lệnh của cấp trên để chỉ đạo, ràng buộc cán bộ, người lao động thực hiện hành vi giúp sức, che giấu sai phạm, chỉnh sửa, hợp pháp hóa hồ sơ, tài liệu, tiêu hủy chứng cứ", Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết.

"Những sai phạm này là do ý thức, tư cách, phẩm chất những người đứng đầu đã không kiềm chế được lòng tham khi mình có quyền lực, nên họ đã dùng các quyền lực đó để thỏa mãn lòng ham muốn của mình. Điểm thứ hai là về mặt cơ chế, chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực của những người được giao trọng trách để người ta tự tung, tự tác", GS. TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nhận định.

Ngoài bản án 5 năm tù, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội còn phải đối diện với tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ tại 2 vụ án khác.

Cụ thể, ông Nguyễn Đức Chung bị cáo buộc đã có hành vi chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C để xử lý, duy trì chất lượng nước hồ trên địa bàn TP Hà Nội trái quy định. Sai phạm của ông Chung và một số bị can khiến nhà nước thiệt hại hơn 41 tỷ đồng.

Lỗ hổng trong đấu thầu: Khi những “con voi chui lọt lỗ kim” - Ảnh 2.

Sai phạm của ông Chung và một số bị can khiến nhà nước thiệt hại hơn 41 tỷ đồng. (Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: TTXVN)

Còn tại vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cùng một số đơn vị liên quan, ông Chung đã chỉ đạo đình chỉ thầu không đúng thẩm quyền, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, dẫn đến hiệu quả gói thầu chỉ có 45% tài liệu hồ sơ được đẩy lên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, gây thiệt hại về tài sản Nhà nước.

"Vi phạm trong đấu thầu dẫn đến nhiều hệ lụy. Trước hết, nó làm phá vỡ việc thực hiện chi tiêu công và mua sắm công cũng như đầu tư công, làm cho cái trật tự quản lý nhà nước bị xáo trộn, uy tín của cơ quan nhà nước bị giảm sút trong con mắt của nhân dân. Nó làm mất cán bộ vì hư hỏng, tha hóa", ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau nhận định.

Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo. Phần lớn trong các vụ án này liên quan đến các sai phạm trong đấu thầu, mua sắm, xây dựng… Vì vậy, những sai phạm cần phải được thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá, tìm giải pháp khắc phục, sửa sai.

Gian lận trong đấu thầu tại một số dự án dùng vốn tài trợ quốc tế

Ngay cả với các dự án dùng nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế cũng xảy ra gian lận, tiêu cực trong đấu thầu. Chẳng hạn, thời gian qua đã có 36 doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam bị Ngân hàng Thế giới cấm dự thầu tại các dự án tổ chức này tài trợ vốn. Nhiều nhà thầu bị Ngân hàng Thế giới loại khi chưa được vào vòng đánh giá về hồ sơ. Nguyên nhân lớn nhất đến việc các doanh nghiệp Việt Nam bị cấm dự thầu là do vi phạm nguyên tắc minh bạch, liêm chính.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại và Đầu tư Newstech là cái tên mới nhất bị cấm tham gia đấu thầu các dự án của Ngân hàng Thế giới. Trước đó, Công ty Công nghệ Sao Bắc Đẩu bị Ngân hàng Thế giới cấm dự thầu trong 7 năm. Trong quá trình dự thầu, nhân viên của công ty này đã tiếp cận khách hàng để hỗ trợ kỹ thuật trước thời điểm thầu, vi phạm nguyên tắc của Ngân hàng Thế giới. Công ty này cũng giả mạo hồ sơ dự thầu, không cung cấp thông tin chính xác về kế hoạch trong giai đoạn tiền kỳ hai dự án.

"Chúng tôi luôn có một đơn vị độc lập thuộc Ngân hàng Thế giới gọi tắt là INT. Đơn vị này được coi như một bộ lọc khắt khe, hoạt động trên quy mô toàn cầu. Đường dây nóng có thông dịch viên hoạt động 24/24h. Họ sẽ giám sát và vào cuộc điều tra ngay khi có dấu hiệu gian lận, tham nhũng, thông đồng và đưa ra mức xử phạt với bất kỳ nhà thầu nào vi phạm trong các dự án mà Ngân hàng Thế giới tài trợ", Trưởng nhóm Đấu thầu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Richard Olowo.

Theo thỏa thuận chung của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), những nhà thầu bị Ngân hàng Thế giới cấm thầu cũng sẽ bị ADB cấm thầu tương tự. Trong thời hạn cấm thầu, các cá nhân ở các doanh nghiệp này không được tham gia vào các dịch vụ, không được thuê, tuyển dụng vào bất kỳ dịch vụ, công việc nào có sử dụng vốn vay của ADB và Ngân hàng Thế giới.

Hiện nay Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới sử dụng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia của Việt Nam để triển khai đấu thầu qua mạng cho các gói thầu 2 tổ chức quốc tế này tài trợ. Các nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam cũng thông qua kênh này để nắm bắt tình hình thầu dự án.

Thực tế công tác tổ chức đấu thầu thời gian qua cho thấy đang có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng để gian lận thầu. Tuy nhiên, lâu nay các cơ quan quản lý mới chỉ tập trung giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện thầu mà chưa tính đến việc phải giám sát cả chính cơ quan tổ chức, quản lý đấu thầu. Trong 1001 thủ đoạn thiếu minh bạch, không liêm chính, gian lận, tiêu cực thầu được phát hiện thời gian qua có không ít trường hợp bắt nguồn từ chính chủ đầu tư, vốn là những tổ chức và ra đề bài để chọn các nhà thầu.

Thắt chặt quy định pháp luật và quy trình về đấu thầu không có nghĩa là tăng thêm các công đoạn, thủ tục, ngược lại cần phải giảm bớt những thủ tục rườm rà không cần thiết trong quy trình đấu thầu, gây cản trở quá trình thực hiện; đồng thời phải giảm bớt tình trạng chỉ định thầu đối với các dự án và mua sắm sử dụng ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, thực tiễn đấu thầu là rất sinh động và phức tạp, nên khi hệ thống pháp luật về đấu thầu có chặt chẽ, giảm thiểu kẽ hở đến đâu, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Bởi thực tế, những sai phạm nghiêm trọng được phát hiện qua các vụ án tiêu cực đấu thầu thời gian qua phần lớn là do con người bị tha hóa, do lòng tham của chính những cán bộ, công chức ở những cơ quan là chủ đầu tư và tổ chức đấu thầu.

(Theo VTV)

Vì sao đại gia xây dựng cả nước rơi cảnh bế tắc, xôn xao lo vỡ trận?

Vì sao đại gia xây dựng cả nước rơi cảnh bế tắc, xôn xao lo vỡ trận?

"Nhà thầu xây dựng không biết phải làm thế nào, làm cũng chết, không làm cũng không xong, thoái lui bỏ công trình bị phạt, muôn sự đổ đầu thầu", đại diện Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam nói.