Vụ việc Nguyễn Quốc Khiêm giả danh sinh viên Trường ĐH Y dược TPHCM và lọt vào khu cách ly , sau đó tự "hô biến" bản thân thành thạc sĩ, bác sĩ, trực tiếp ra y lệnh, điều hành hoạt động khám chữa bệnh, thu tiền đối với bệnh nhân Covid-19 gây xôn xao dư luận. Vụ việc đang được Sở Y tế TPHCM phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý…

Trước đó, thời điểm sự vụ mới được cơ quan chức năng phát hiện (đầu tháng 10/2021, chưa thông tin đến báo chí), Nguyễn Quốc Khiêm đã được ĐH Y Dược TPHCM và Quận 12 mời lên làm việc và Khiêm đã xác nhận mình sai. Dù Khiêm được Trường ĐH Y Dược TPHCM giới thiệu sang Quận 12 hỗ trợ chống dịch, nhưng theo ông Trương Văn Đạt, Trưởng phòng Công tác sinh viên trường này, do Khiêm không phải là sinh viên của trường nên trường không thể xử lý…

{keywords}
Chỉ bằng tấm thẻ sinh viên giả, Nguyễn Quốc Khiêm "lọt" vào đội tình nguyện của Trường ĐH Y dược TPHCM đến hỗ trợ khu cách ly, sau đó "hô biến" bản thân thành thạc sĩ, bác sĩ và tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19 (Ảnh: Trường ĐH Y dược TPHCM cung cấp)

Ở đây, dư luận hoài nghi, vì sao một người không phải là sinh viên của Trường ĐH Y dược TPHCM nhưng lại có tên trong danh sách tình nguyện viên phục vụ ở khu cách ly tập trung. Từ đây, người này có thể "tự biến hình" thành một thạc sĩ, bác sĩ Khoa tim mạch Bệnh viện chợ Rẫy, tham gia thực hiện khám, kê thuốc, điều trị bệnh nhân Covid-19, ký giấy chuyển viện cho bệnh nhân nặng...

Còn nhớ, vào thời điểm giữa năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở TPHCM, khiến ngành y tế ở đây quá tải. Ngay lập tức, Bộ Y tế đã huy động lực lượng y bác sĩ và sinh viên các trường đại học y trên cả nước chi viện cho TPHCM chống dịch. Chính sự chi viện kịp thời, hiệu quả của Bộ Y tế, các địa phương và các trường y dược đã đóng góp quan trọng vào việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh tại thành phố này.

Tuy nhiên, một phần do sự khẩn thiết, gấp rút trong yêu cầu chi viện, phần khác do đơn vị chưa thực hiện với quy trình chuẩn đã tạo ra những kẽ hở để người chưa đủ hoặc không có chuyên môn trà trộn, tham gia hoạt động khám, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19.

Ở đây, Nguyễn Quốc Khiêm chỉ cần một tấm thẻ sinh viên giả mạo đã có thể lọt vào danh sách mà không cần phải qua bất kỳ một cuộc kiểm tra, xác minh nào. Với tư cách là tình nguyện viên hỗ trợ lau dọn, đo huyết áp... nhưng chỉ vì "thể hiện rất tốt", người này bỗng có thể thực hiện chức năng nhiệm vụ như một bác sĩ thực thụ (!).

Nói người này không có động cơ, mục đích vụ lợi mà chỉ muốn tham gia vào công tác chống dịch e rằng chưa thuyết phục. Bởi lẽ, theo thông tin đăng tải trên báo chí, ngoài làm thẻ sinh viên giả, tự xưng là "thạc sĩ, bác sĩ", Nguyễn Quốc Khiêm còn làm giả bằng bác sĩ chuyên khoa gửi UBND Quận 12 (TPHCM) làm giả cả giấy khen của Sở Y tế... Với người chỉ một lòng muốn cống hiến, liệu có phải giả mạo hồ sơ, giấy tờ một cách có hệ thống như thế không? Chưa kể, theo thông tin trên báo chí, Khiêm còn liên quan đến một số lùm xùm về quyên góp vật tư y tế và thực phẩm phục vụ khu cách ly, điều trị Covid-19.

Hiện chưa có kết quả đánh giá về quá trình hoạt động y khoa tại cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 của "bác sĩ rởm" Nguyễn Quốc Khiêm. Nhưng rõ ràng, nếu không có kiến thức chuyên môn về y khoa thì không thể đáp ứng được yêu cầu về điều trị bệnh nhân, chưa nói đến bệnh nhân Covid-19. Không loại trừ tình huống điều trị không đúng phác đồ sẽ khiến bệnh nhân trở nặng và có thể dẫn đến tử vong.

Dịch Covid-19 đặt ra nhiều tình huống khẩn cấp về trang thiết bị y tế phục vụ cho xét nghiệm và điều trị. Trên thực tế, đã có nhiều lỗ hổng khiến tình trạng nâng giá thiết bị y tế, câu kết để ăn chia hoa hồng sinh phẩm xét nghiệm… Hệ lụy là ngân sách nhà nước và túi tiền người dân bị bào mòn, ngành y tế mất nhiều nhân lực, khiến niềm tin của người dân và uy tín của ngành y tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trở lại sự việc của "bác sĩ rởm" Nguyễn Quốc Khiêm, cần phải làm rõ động cơ, mục đích cũng như hậu quả quá trình khám, chữa bệnh của người này. Cùng với đó là trách nhiệm trong tuyển chọn, giới thiệu tình nguyện viên và công tác phân công, phối hợp giữa các lực lượng trong hỗ trợ, thăm khám, điều trị tại khu cách ly này.

Nên nhớ rằng, sức khỏe và sinh mạng của con người không phải là trò đùa hay là nơi "tập dượt" của người không có chuyên môn nhưng lại thích thể hiện.

Công an mời làm việc thanh niên giả bác sĩ điều trị Covid-19 ở khu cách ly

Công an mời làm việc thanh niên giả bác sĩ điều trị Covid-19 ở khu cách ly

Công an sẽ làm rõ, toàn bộ quy trình thanh niên này lọt vào khu cách ly và điều trị Covid-19 ở quận 12 (TP.HCM), các giấy tờ giả mạo và xác minh có hay không việc trục lợi?

Theo Dântrí