- Ngành bán lẻ Việt Nam được dự báo là ngành kinh doanh bền bỉ, ổn định, thu hút sự tham gia đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài trước bối cảnh dân số đông, tình hình kinh tế khởi sắc, sức chi tiêu tốt… Nhưng kèm theo đó thị trường cũng sẽ cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, doanh nghiệp nội địa buộc phải có những chiến lược mới để giữ vững thị phần và cải thiện uy tín của mình trước những đối thủ nước ngoài đáng gờm có lợi thế hơn hẳn về vốn, công nghệ, kinh nghiệm, nhân sự…
Đây là nhận định của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thuộc giai đoạn 1 của dự án nghiên cứu ngành bán lẻ Việt Nam 2017 - 2020 công bố ngày 31/10/2017. Nghiên cứu được dựa trên kết quả khảo sát các doanh nghiệp, chuyên gia đang hoạt động trong ngành bán lẻ nhằm đưa ra góc nhìn tổng quát toàn ngành và đánh giá uy tín thương hiệu của một số nhà bán lẻ tiêu biểu hiện nay tại Việt Nam.
Là một phần của kết quả nghiên cứu ngành bán lẻ, Top 10 nhà bán lẻ uy tín được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, tính điểm và xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, hiệu quả sử dụng vốn…) (được tính 30% trọng số điểm); (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng (30% trọng số điểm); (3) Khảo sát online về mức độ nhận biết và sự hài lòng của khách hàng với các sản phẩm/ dịch vụ của công ty; Khảo sát chuyên gia đánh giá vị thế của các công ty trong ngành; và Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 9/2017 về quy mô thị trường, lao động, vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm… (40% trọng số điểm).
Danh sách Top 10 Nhà bán lẻ uy tín năm 2017 – ngành hàng: hàng tiêu dùng nhanh, siêu thị…
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Nhà bán lẻ uy tín năm 2017, tháng 10/2017 |
Danh sách Top 10 Nhà bán lẻ uy tín năm 2017 – ngành hàng: hàng lâu bền, điện máy, điện lạnh, vàng bạc…
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Nhà bán lẻ uy tín năm 2017, tháng 10/2017 |
Hình 1: Điểm quy đổi xếp hạng của Top 10 Nhà bán lẻ uy tín năm 2017 – ngành hàng: hàng tiêu dùng nhanh, siêu thị… Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Nhà bán lẻ uy tín năm 2017, tháng 10/2017 |
Hình 2: Điểm quy đổi xếp hạng của Top 10 Nhà bán lẻ uy tín năm 2017 – ngành hàng: hàng lâu bền, điện máy, điện lạnh, vàng bạc… Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Nhà bán lẻ uy tín năm 2017, tháng 10/2017 |
Big C, Điện máy xanh là những thương hiệu được người tiêu dùng biết đến nhiều nhất
Theo khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report được thực hiện trong tháng 9/2017, trong nhóm các siêu thị, trung tâm thương mại bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh, Big C, Vinmart (Vincommerce), Co.op Mart hiện đang là 3 nhà bán lẻ được nghĩ đến nhiều nhất trong tâm trí người tiêu dùng. Trong khi Saigon Co.op được biết đến là hệ thống bán lẻ có số lượng siêu thị lớn nhất Việt Nam và tập trung phát triển ở phía Nam thì Big C phủ rộng thương hiệu ở cả 3 miền và phát triển đồng đều. Bên cạnh đó, một đối thủ mới nổi lên là chuỗi Vinmart đang phát triển một cách ấn tượng khi mở ra hàng loạt các siêu thị và cửa hàng tiện ích sau hơn 2 năm gia nhập thị trường.
Hình 3: Top 5 nhà bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh được người tiêu dùng nhắc đến nhiều nhất trong khảo sát online vào tháng 9/2017. Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát người tiêu dùng được thực hiện trong tháng 9/2017 |
Trong nhóm các nhà bán lẻ hàng lâu bền như điện tử, điện máy, vàng bạc, đá quý…, nổi lên một số tên thương hiệu lớn được người tiêu dùng nhớ đến như Điện máy xanh (25%), Nguyễn Kim (17%), PNJ (13%)… Năm 2017, cuộc đua của các hãng bán lẻ trên thị trường điện tử, điện máy, vàng bạc, đá quý… nói riêng và thị trường hàng lâu bền nói chung càng trở nên quyết liệt khi nhiều hãng thực thi kế hoạch mở rộng thị trường, mở thêm nhiều điểm bán hàng tại nhiều địa phương.
Hình 4: Top 5 nhà bán lẻ hàng lâu bền được người tiêu dùng nhắc đến nhiều nhất trong khảo sát online vào tháng 9/2017. Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát người tiêu dùng được thực hiện trong tháng 9/2017 |
Tiềm năng tăng trưởng của ngành bán lẻ
Đa phần các chuyên gia tham gia khảo sát lần này của Vietnam Report đều có chung nhận định, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ là ngành kinh doanh bền bỉ, ổn định trong nhiều năm tới trước bối cảnh dân số đông, tình hình kinh tế khởi sắc, sức chi tiêu tốt. Theo nghiên cứu của HSBC được công bố trong báo cáo “Asean connect 2016” (2016), tầng lớp trung lưu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á và dự kiến sẽ tăng 33 triệu vào năm 2020. Chi tiêu của người tiêu dùng đang tăng lên do dân số trẻ, đô thị hoá nhanh và nền kinh tế ngày càng mở cửa với cơ hội việc làm, kinh doanh và thu nhập ngày càng tăng. Việt Nam hiện được đánh giá là Top 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực Asean sau Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia và Thái Lan.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh số bán lẻ năm 2016 đã tăng 10,2%, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng 9,8% vào năm 2015. Dự báo của Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm. Trong báo cáo về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2017 được hãng tư vấn A.T. Kearney công bố hồi tháng 6/2017, Việt Nam đã leo lên vị trí cao nhất trong 16 năm xếp hạng GRDI, giữ vị trí thứ 6, cải thiện 5 bậc (từ hạng 11) so với xếp hạng năm 2016.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài từ năm 2015, cùng với các chính sách ưu đãi, đô thị hóa, dân số tương đối trẻ…, là những lý do khiến thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn hàng đầu thế giới với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, điển hình như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)... đã và đang đầu tư khai thác tại Việt Nam thông qua các thương vụ M&A. Trong năm 2017, khá nhiều đơn vị quốc tế đã “để mắt” tới thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua việc tổ chức các diễn đàn liên quan đến ngành bán lẻ, đồng thời thúc đẩy các loại hình dịch vụ, các công cụ thanh toán nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhà bán lẻ như kinh doanh online, tiếp thị đa kênh…
Những thách thức nổi lên của thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt
Trong những năm gần đây, khi thị trường trong nước càng trở nên hấp dẫn và rộng mở, ngành bán lẻ đang phải đối mặt với không ít những thách thức: một bên là sức ép căng thẳng của tiến trình hội nhập, một bên là xu hướng tiêu dùng đang có những thay đổi nhất định.
Sự quan tâm và gia nhập ngày càng nhiều các nhà bán lẻ nước ngoài trong thời gian qua vô hình chung làm tăng thêm sự cạnh tranh cũng như áp lực cho nhà bán lẻ nội địa. Trước những lợi thế sẵn có của các nhà bán lẻ nước ngoài như thương hiệu toàn cầu mạnh, nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại…, nhà bán lẻ nội địa buộc phải nghĩ đến phương án liên kết với nhau và liên kết với các nhà sản xuất để tạo nên chuỗi giá trị bền vững (từ nhà sản xuất, nhà phân phối, kênh lưu thông đến nhà bán lẻ), từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên chính sân nhà.
Nhu cầu của người tiêu dùng trong thời gian tới được dự báo sẽ có sự thay đổi lớn (hướng tới nhóm sản phẩm chất lượng cao với mức chi tiêu thông minh hơn), cũng là một ẩn số khó giải cho các nhà bán lẻ. Để cạnh tranh tốt hơn trong việc thu hút khách hàng, các nhà bán lẻ trước hết cần phải lưu tâm đến việc đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của nhiều nhóm khách hàng khác nhau. Theo khảo sát online của Vietnam Report, đa phần người tiêu dùng cho biết, việc hàng hóa đa dạng, có nhiều chủng loại là nguyên nhân chính đưa họ đến với các nhà bán lẻ (bao gồm cả bán lẻ tiêu dùng nhanh và bán lẻ hàng lâu bền).
Hình 5: Nguyên nhân lựa chọn các nhà bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh, siêu thị…. Nguồn: Vietnam Report, Survey online người tiêu dùng được thực hiện trong tháng 9/2017 |
Hình 6: Nguyên nhân lựa chọn các nhà bán lẻ hàng lâu bền, điện máy, điện lạnh, vàng bạc… Nguồn: Vietnam Report, Survey online người tiêu dùng được thực hiện trong tháng 9/2017 |
Xu hướng gia tăng các kênh bán lẻ hiện đại ngày một lớn với độ phủ sóng rộng của các trung tâm thương mại, siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi đã đe dọa đến doanh thu của kênh bán lẻ truyền thống. Theo số liệu mới nhất của Nielsen, tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại cộng dồn 12 tháng từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017 là 7,7%, cao hơn mức 6,1% của kênh truyền thống, sản lượng tăng trưởng kênh hiện đại đạt 6,3%, cao gấp 1,34 lần kênh truyền thống.
Cùng với đó, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đang làm thay đổi hành vi tiêu dùng. Theo khảo sát người tiêu dùng về ngành bán lẻ gần đây nhất của PwC, 49% có thói quen mua sản phẩm qua điện thoại/smartphone ít nhất hàng tháng, cho thấy người tiêu dùng đang quen dần với việc ứng dụng công nghệ vào mua sắm. Hiện có rất nhiều nhà bán lẻ, đặc biệt là những nhà bán lẻ hàng công nghệ như Thế giới Di động, FPT..., có xu hướng tích hợp thương mại điện tử, kết nối với công nghệ để hiểu rõ hơn về hành vi người tiêu dùng nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Việc tập trung phát triển hệ thống thương mại điện tử, kết hợp kinh doanh và quảng cáo sản phẩm qua mạng sẽ làm tăng thêm hiệu quả bán hàng, đồng thời tiết kiệm chi phí bán hàng cho các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, khi khách hàng chuyển sang mua sắm online, các trung tâm thương mại sẽ dần trở nên vắng vẻ, do đó, các nhà bán lẻ cần lựa chọn chiến lược phát triển sao cho phù hợp với mục tiêu kinh doanh và thói quen mua sắm ở từng địa phương khác nhau.
Ngành bán lẻ đang có nhiều thay đổi trong phương thức bán hàng, từ kênh bán lẻ truyền thống đến bán lẻ hiện đại và online nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Việc phân loại đối tượng khách hàng mục tiêu và xây dựng chiến lược kinh doanh tương thích đòi hỏi các nhà bán lẻ cần đầu tư rất nhiều nguồn lực. Tuy nhiên với sự đầu tư phù hợp, các nhà bán lẻ sẽ tận dụng được thời cơ, xây dựng và bảo vệ tốt uy tín của mình, nhờ đó thu hút khách hàng, gián tiếp cải thiện kết quả kinh doanh trong thời gian tới đây.
Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty bán lẻ dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các công ty bán lẻ tại Việt Nam. Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về ngành bán lẻ được đăng tải trên 05 đầu báo, kênh có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 9/2016 đến tháng 9/2017. Tổng số có 753 bài báo, với tương ứng 1.329 coding unit (đơn vị mã hóa) được đánh giá theo ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5). |
Vietnam Report