Số mới phát hành của tạp chí Modern Ships đã cho đăng trên trang bìa ảnh mô phỏng một máy bay ném bom H-6N của Trung Quốc đang chở theo một tên lửa ALBM gắn phía dưới bụng.
Ảnh: Sputnik |
Các hình ảnh chỉ cho thấy, trụ tháp trung tâm của máy bay có thể được trang bị "những vật thể lớn bên ngoài". Song, giới quan sát phát hiện sự giống nhau đến khó tin giữa vũ khí này với tên lửa đạn đạo Dong Feng-15 đã được biên chế phục vụ trong lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc (PLARF).
Trên thế giới chỉ còn một mẫu ALBM khác đang được sử dụng là tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga, trình làng năm 2017 và được trang bị cho chiến đấu cơ đánh chặn MiG-31.
Theo Sputnik, Mỹ và Anh từng cố gắng phát triển một tên lửa ALBM hoạt động được trong dự án Bold Orion và tên lửa GAM-87 Skybolt. Mặc dù chương trình dẫn đến sự ra đời của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Polaris, được Hải quân Hoàng gia Anh sử dụng cho lá chắn hạt nhân trên biển suốt nhiều thập niên qua, nhưng Lầu Năm góc đã bỏ rơi dự án ALBM do các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trở thành phương án khả thi hơn trong đối phó hạt nhân.
Đoạn video hiếm về một máy bay ném bom chiến lược B-58 Hustler thuộc Không quân Mỹ đang thử nghiệm một tên lửa ALBM vào cuối những năm 1950.
Đi sau Mỹ 4 năm về chương trình hạt nhân, Liên Xô chưa bao giờ cân nhắc phát triển ALBM mà ngay lập tức phát triển ICBM.
Khi phiên bản tinh chỉnh H-6N mới của máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc ra mắt hồi tháng 9, các chuyên gia nhanh chóng nhận thấy khoang chứa bom của chiến cơ này dường như được gỡ bỏ để thay bằng một phần cứng bên ngoài tương thích với cấu hình máy bay.
Ảnh: Huitong's CMA-Blog |
Một tính năng khả dĩ khác cho phần đính kèm bên ngoài có thể là nâng một máy bay không người lái siêu thanh mới lộ diện trong cuộc diễu binh mừng 70 năm quốc khánh Trung Quốc hôm 1/10.
Kho hạt nhân của Trung Quốc chưa bao giờ đạt về số lượng nhiều như của Nga và Mỹ. Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ ước tính, Bắc Kinh đang sở hữu tổng cộng chỉ 290 đầu đạn hạt nhân và có 90 tên lửa ICBM thuộc biên chế của PLARF. Trong khi đó, Washington đang có trong tay tới 6.185 vũ khí hạt nhân dù hơn một nửa hiện chưa sẵn sàng sử dụng ngay, theo thống kê của Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ.
Trong báo cáo Sức mạnh Trung Quốc của Lầu Năm góc hồi năm ngoái, Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lưu ý, vụ thử nghiệm một tên lửa ALBM mật danh CH-AS-X-13 hồi tháng 1/2018 có thể dùng một phiên bản sửa đổi của tên lửa đạn đạo tầm trung Dong Feng-21, với tầm bắn tăng tới 3.057 - 4.023km. Trong số các phiên bản tùy chỉnh khác của DF-21 có cả một tên lửa đạn đạo chống hạm, phục vụ chiến lược của Bắc Kinh nhằm đối phó sức mạnh hải quân Mỹ bằng vũ khí "sát thủ diệt hạm" hiệu quả và giá rẻ hơn.
Báo cáo Sức mạnh Trung Quốc của Lầu Năm góc hồi tháng 5 vừa qua nhấn mạnh, Trung Quốc có thể đang phát triển mẫu tên lửa ALBM thứ hai nhằm có một mẫu sử dụng đầu đạn hạt nhân. Nhà chức trách Mỹ tin, có khả năng Bắc Kinh đang cho tinh chỉnh cả hai tên lửa DF-15 và DF-21 để có thể phóng đi từ máy bay ném bom H-6N.
Tuấn Anh