Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện tượng người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa UBND thành phố Vinh bắt đầu tăng lên từ những ngày cuối tháng 12 và đỉnh điểm là vào các ngày từ 26 đến 31/12/2019, khi mỗi ngày có khoảng 270 hồ sơ đến giao dịch, tăng từ 20 - 30 hồ sơ so với ngày thường.
Mặc dù đã cuối ngày (2/1/2020) nhưng một số người dân sốt ruột, tranh thủ gửi sớm hồ sơ để được giải quyết trước khi giá đất mới có hiệu lực thi hành. Ảnh: Nguyễn Hải
Mặt khác, theo đặc thù, một số giao dịch có từ 4-5 người tham gia/1 hồ sơ nên có thời điểm phòng chờ bộ phận một cửa vốn chưa rộng lại trở nên chật chội hơn. Do cùng một lúc nhiều người đến và có tâm lý nóng ruột, muốn gửi hồ sơ lấy ticker chốt trước thời điểm 31/12/2019 để được áp dụng theo giá cũ nên xảy ra hiện tượng lộn xộn.
Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Vinh phụ trách Bộ phận một cửa thành phố cho hay: điều kiện nhân lực hiện tại, bộ phận một cửa thành phố Vinh chỉ xử lý khoảng 250 hồ sơ mỗi ngày, trong đó khoảng 200 hồ sơ liên quan đến đất đai, số còn lại là lĩnh vực khác. Tuy nhiên, những ngày cuối năm vừa qua phát sinh thêm từ 20 - 30 hồ sơ, trong đó chủ yếu liên quan đến giao dịch đất đai khiến các công chức bộ phận gặp không ít khó khăn.
Bình thường, hàng ngày bộ phận một cửa chỉ tiếp nhận hồ sơ đến 11 giờ trưa và 16 giờ 30' chiều vì phải dành 30 phút mỗi buổi để xử lý. Tuy nhiên, vào những ngày cuối năm 2019 vừa qua, do lượng người và hồ sơ đến gửi tăng đột biến nên cán bộ phải làm đến 12 giờ trưa và 18 giờ mới xong.
Cán bộ, công chức bộ phận 1 cửa UBND thành phố Vinh trực tiếp nhận, xử lý hồ sơ giao dịch cho người dân. Ảnh: Nguyễn Hải
Trên thực tế, trước nhu cầu người dân, ngoài việc phân công trực tiếp nhận và xử lý khoảng 250 hồ sơ/ngày, bộ phận một cửa thành phố đã báo cáo lãnh đạo thành phố để có phương án tăng cường nhân lực; đồng thời linh động làm giấy biên nhận tạm thời thêm 10 hồ sơ mỗi ngày và phân công cán bộ đêm về đọc, xử lý để trả lời và trả phiếu hẹn cho công dân vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, do tâm lý lo lắng và một số hồ sơ tồn đọng chưa được xử lý kịp và sợ sang năm 2020 sẽ áp dụng theo khung giá mới nên ít nhiều vẫn còn tình trạng chen lấn gửi hồ sơ.
Bà P, công dân phường Trung Đô vừa ra khỏi bộ phận một cửa cho biết: Cách đây 1 tháng bà làm thủ tục chuyển nhượng đất, tách bìa cho con. Thời điểm đó theo giá đất cũ. Theo giấy hẹn sau 1 tháng, ngày 2/1, bà trở lại lấy kết quả nhưng dịp này người đông quá, bà chờ đến 15 giờ mới được gọi tên nhưng đến nơi do không có giấy ủy quyền và con ở xa nên không được nhận bìa khiến bà không vui.
Trước thông tin về khung giá đất mới sẽ tăng nên việc người dân đổ xô đến giao dịch trước thời điểm 31/12/2019 để được áp dụng khung giá đất cũ là dễ hiểu và chính đáng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu trên thực tế, khung giá đất mới vừa được HĐND và UBND tỉnh chưa tác động nhiều. Một cán bộ trực tại đây cho biết: dù nhận hồ sơ trước hay sau thời điểm 31/12/2019 đều được được xử lý như nhau, chưa có quy định gì mới.
Đáng chú ý, tại một số vị trí và khu vực đất được nhà nước quy hoạch và đầu tư nâng cấp hạ tầng như đường Nguyễn Văn Cừ, Hồ Tùng Mậu hay Cao Thắng, đường 72m từ Hưng Tây - Cửa Lò..., từ ngày 1/1/2020, hồ sơ sang cơ quan thuế, nếu chuyển mục đích sử dụng đất thì thuế mới tăng và mức tăng chỉ trên dưới 30% so với trước đây.
Phố Cao Thắng vừa được UBND thành phố Vinh đầu tư hạ tầng làm phố đêm nên có mức giá cao nhất là 65 triệu đồng mỗi m2. Ảnh: Nguyễn Hải
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận: quy định về khung giá đất mới giai đoạn 2020 - 2025, vừa được UBND tỉnh ký ban hành, chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020 nhưng do phụ lục quá nhiều nên Sở Tài nguyên Môi trường đang rà soát hiệu chỉnh và chưa được công bố để sao gửi tới các huyện, thành thị để áp dụng.
Theo khung giá đất mới vừa được UBND tỉnh thông qua, khung giá đất giai đoạn 2020 - 2025 tại địa bàn TP. Vinh được xây dựng trên cơ sở giá năm 2019 và tiệm cận hệ số 1,2 nên mức tăng chỉ trên dưới 30%. Bên cạnh đó, bảng giá đất mới chỉ tác động lớn đến một số trường hợp giao dịch như công nhận hạn mức đất cũ và chuyển mục đích sử dụng từ đất vườn sang đất ở.
Tương tự phố Cao Thắng, các giao dịch chuyển nhượng đất trên đường Hồ Tùng Mậu hay Nguyễn Văn Cừ chắc chắn sẽ được điều chỉnh tăng sau khi được UBND thành phố quy hoạch và đầu tư làm phố đi bộ. Ảnh: Nguyễn Hải
Mặc dù có những lo lắng nhưng từ thực tế các giao dịch những ngày qua cho thấy, nhóm giao dịch bị không bị ảnh hưởng là mấy. Vì vậy, sau mấy ngày cuối năm 2019 hồ sơ đến gửi tăng đột biến thì nay sang các ngày làm việc đầu tiên của năm 2020, các giao dịch liên quan đến đất đai đã dấu hiệu giảm nhiệt.
Trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2/1/2020, mặc dù số người đến giao dịch vẫn còn đông nhưng ngoài khoảng 250 hồ sơ như trước đây, Bộ phận một cửa chỉ phải linh động tiếp nhận tạm thời thêm từ 5-7 hồ sơ đất đai và giảm gần 1 nửa so với mấy ngày cuối của năm 2019.
Quy định khung giá đất mới vừa được UBND tỉnh ban hành và có hiệu lực từ 01/1/2020 tại địa bàn TP. Vinh chỉ tăng khoảng 30% và tăng ở khu vực được nhà đầu tư hạ tầng hoặc quy hoạch và mở rộng đường. Người chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất từ 1/1/2020 là ảnh hưởng nhiều nhất, còn lại các giao dịch đất đai khác chỉ tác động nhẹ. Để đảm bảo quyền lợi, người dân cần bình tĩnh kiểm tra, sàng lọc thông tin và khi có thông tin thất thiệt thì nên đến cơ quan chức năng để tìm hiểu và được giải đáp, xử lý; không vội vàng và tin vào thông tin thất thiệt do môi giới cò đất đưa ra.
Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Vinh
Theo Báo Nghệ An
Đổ xô đi làm sổ đỏ trước giờ “G”
Kể từ ngày 1.1.2020, tỉnh Quảng Trị sẽ áp dụng bảng giá các loại đất định kỳ 5 năm trên địa bàn. Với mức tăng giá các loại đất bình...