- Đoàn tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được sản xuất theo công nghệ của Đức và các nước có công nghệ hàng đầu về ngành đường sắt. Đây là đoàn tàu được cải tiến đời thứ 5 đã được khai thác ở TQ - ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết.

Trao đổi với VietNamNet xung quanh đoàn tàu mẫu của đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, theo kế hoạch đoàn tàu mẫu được sản xuất tại TQ chuẩn bị được đưa về nước và sẽ được trưng bày để xin ý kiến nhân dân.

“Đoàn tàu vừa qua được công bố mới chỉ là đoàn tàu mẫu, sau khi đoàn tàu đưa về sẽ được trưng bày để xin ý kiến nhân dân”, Thứ trưởng Trường cho hay.

{keywords}
Mẫu tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ được đưa về Việt Nam trong tháng 10.

Ông Triệu Khắc Dũng nói rõ hơn, Bộ GTVT sẽ nghe các ý kiến đóng góp của nhân dân, của các nhà khoa học về đoàn tàu mẫu, sau đó sẽ công bố để điều chỉnh trước khi đưa vào khai thác.  

Ông Dũng cho biết, vừa qua Bộ GTVT đã cử đoàn sang kiểm tra về việc phía tổng thầu TQ đóng đoàn tàu mẫu cũng như công tác đào tạo nhân lực. Về cơ bản đoàn tàu mẫu đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông giống các đoàn tàu thế giới đang sử dụng, chỉ khác tay nắm treo toa tàu được thiết kế phù hợp với người Việt Nam.

“Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu phía tổng thầu chuẩn bị các tài liệu về trình độ, kinh nghiệm và năng lực thi công của Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Trung Quốc”, ông Dũng cho biết thêm.

Trực tiếp đi kiểm tra, khảo sát tham quan các đoàn tàu ở Bắc Kinh, ông Dũng đánh giá hiện nay ở TQ từng tuyến đường sắt đô thị đang khai thác thể hiện các mẫu đoàn tàu khác nhau. Có tuyến để tay vịn được thiết kế như tàu mẫu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông nhưng cũng có tuyến lại để tay vịn kiểu khác,còn ghế ngồi và các phụ kiện phục vụ hành khách trên tàu cũng giống nhau.

“Chúng tôi có kiểm tra các công trình họ làm và các đoàn tàu đang khai thác tại Bắc Kinh (phục vụ 10 triệu lượt khách/ngày). Sau khi xem xét chúng tôi sẽ yêu cầu thiết kế cho phù hợp với điều kiện khai thác ở Việt Nam”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng nhìn nhận, đường sắt đô thị là một lĩnh vực mới đối với Việt Nam, nó tổng hợp rất nhiều nội dung chứ không đơn thuần như đường sắt chúng ta đang khai thác. Do vậy, việc mua sắm đoàn tàu chỉ là một phần, ngoài ra còn có các khâu: đào tạo quản lý, duy tu bảo dưỡng, đảm bảo an toàn... cũng cần được đặc biệt quan tâm vì đây cũng là những khâu hết sức quan trọng.

{keywords}
Đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được sản xuất chủ yếu theo công nghệ của Đức.

Về công nghệ đoàn tàu đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, ông Dũng tiết lộ, đoàn tàu được TQ sản xuất lấy từ công nghệ của Đức là chủ yếu và đã được nội địa hóa.

“Công nghệ đóng tàu họ đã có hơn 50 năm hình thành phát triển, họ thuê công nghệ của Đức. Thực tế có những cái TQ không sản xuất được và ngay như đoàn tàu sản xuất cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng thế.  

Những vị trí quan trọng như đĩa phay ở dưới các bánh tàu điều khiển theo đi đường cong có bộ phận họ vẫn phải nhập của Đức, của Bỉ và các nước có công nghệ hàng đầu về đường sắt. Họ tuân thủ về kỹ thuật rất nghiêm túc và chỉ nội địa hóa những gì họ làm được”, ông Dũng cho hay.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, đoàn tàu đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là đoàn tàu cải tiến đời thứ 5, mới nhất của TQ hiện nay. Do vậy những bất hợp lý trong quá trình khai thác trước đó đã được điều chỉnh cải tiến cho phù hợp hơn với tiện ích cho hành khách.

“Họ cũng muốn giữ danh dự của đất nước họ nên họ hứa chúng ta hãy hoàn toàn an tâm về chất lượng. Tuy nhiên, theo hợp đồng mình sẽ có kiểm tra và nghiệm thu mà họ đã ký kết với mình”, ông Dũng nói.

Vũ Điệp