Ngày 26/3, ba lãnh đạo quan trọng nhất của châu Âu là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker có cuộc họp quan trọng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Paris, Pháp. Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Macron nhằm xây dựng một mối quan hệ đối tác mạnh giữa châu Âu với Trung Quốc, trong bối cảnh dù có nhiều bất đồng, nghi ngại, nhưng cả hai bên đều mong muốn thúc đẩy hợp tác dựa trên ‘những cơ sở rõ ràng, nghiêm ngặt’.

{keywords}
Cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và 3 nhà lãnh đạo quan trọng nhất châu Âu. (Ảnh: Reuters)

Cuộc gặp với hình thức chưa từng có tiền lệ

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Pháp, Đức, EU và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra vào một thời điểm quan trọng khi mà dư luận châu Âu coi Trung Quốc là một ‘đối thủ mang tính hệ thống’ và nghi ngại vào những dự án đầy tham vọng của Bắc Kinh.

Đây là một cuộc gặp với hình thức chưa có tiền lệ khi Chủ tịch Trung Quốc thăm chính thức song phương đến Pháp nhưng Tổng thống Pháp mời cả Thủ tướng Đức Merkel và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu cùng hội đàm. Vì thế, có thể xem cuộc gặp này là một cuộc họp Thượng đỉnh mini giữa Trung Quốc với 3 lãnh đạo quan trọng nhất của châu Âu. Chỉ riêng điều này cũng đã cho thấy là không chỉ nước chủ nhà Pháp mà cả châu Âu đều đặc biệt coi trọng việc xử lý mối quan hệ hiện đang có nhiều vướng mắc với Trung Quốc.

Các vướng mắc này nằm ở nhiều cấp độ. Thứ nhất, là trong mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với châu Âu, châu Âu cho rằng Trung Quốc quá bảo hộ thị trường nội địa và tạo ra nhiều rào cản đối với các công ty châu Âu muốn thâm nhập vào thị trường Trung Quốc trong khi trong vài năm qua thì châu Âu lại gần như mở cửa tự do cho các nhà đầu tư Trung Quốc tiến vào châu Âu. Vì thế, trong quan hệ thương mại, châu Âu muốn Trung Quốc thực hiện nguyên tắc cân bằng, “có đi, có lại”, tức là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty châu Âu làm ăn ở Trung Quốc.

Tiếp đến, vướng mắc lớn thứ hai giữa châu Âu và Trung Quốc là ở việc quản trị toàn cầu, hay nói cách khác, là châu Âu đang coi mô hình phát triển của Trung Quốc là một mối đe doạ đối với mô hình dân chủ phương Tây.

Sự lo ngại này ngày càng lớn khi sức mạnh tổng thể của Trung Quốc tăng lên nhanh chóng trong những năm qua còn châu Âu thì lại vướng vào quá nhiều thách thức nội khối như Brexit, nợ công hay khủng hoảng tị nạn. Vì thế, trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì 3 nhà lãnh đạo quan trọng nhất của châu Âu đã gửi đi thông điệp, mà như Tổng thống Pháp Macron nói, đó là “châu Âu muốn duy trì một trật tự thế giới đa phương được cải tổ, mang tính cởi mở, cân bằng hơn và chuẩn mực hơn”.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nói rất thẳng thắn, là họ không ngây thơ đến mức nghĩ rằng việc cạnh tranh giữa các cường quốc sẽ không tạo nên sự đối địch nhưng châu Âu tuyên bố tôn trọng Trung Quốc và đổi lại, cũng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự toàn vẹn cũng như các giá trị của châu Âu.

Có thể nói, đây là một cuộc hội đàm thẳng thắn. Phía châu Âu đưa ra hai thông điệp rất rõ: một là “cạnh tranh tích cực” và hai là “duy trì một chủ nghĩa đa phương được cải tổ”. Đây là lần đầu tiên các lãnh đạo cấp cao châu Âu đề cập thẳng thắn với Trung Quốc các lo ngại của họ với phía Trung Quốc.

Đây là một thay đổi lớn trong nhận thức chiến lược của châu Âu đối với Trung Quốc, trong bối cảnh địa chính trị thế giới có quá nhiều biến động. Việc hai bên có thể thẳng thắn đối thoại với nhau như thế đã là một tín hiệu rất tích cực còn việc hoá giải được bất đồng hay không thì còn phụ thuộc vào chính sách cụ thể của từng bên và việc các bên ưu tiên các chiến lược dài hạn ra sao.

Châu Âu “lúng túng” tìm đối sách với Trung Quốc

Thực tế là nội bộ các nước thành viên EU cũng đang có những chia rẽ trước những dự án đầy tham vọng của Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường.

Trước khi đến thăm Pháp thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm đến Italia và Công quốc Monaco. Tại Italia, phía Trung Quốc và Italia đã ký một loạt các hợp đồng và bản ghi nhớ quan trọng để biến Italia trở thành nước G7 đầu tiên gia nhập đại dự án cực kỳ tham vọng là “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc. Còn tại Monaco, Trung Quốc cũng đi những bước lớn trong việc biến công quốc này thành lãnh thổ đầu tiên phủ sóng 5G của tập đoàn Huawei.

Đây chính là những động thái khiến châu Âu lo ngại vì nó cho thấy là nội bộ các nước thành viên EU đang có chia rẽ lớn trong quan điểm tiếp cận với Trung Quốc. Một số quốc gia như Italia, Hy Lạp, Bồ Đào Nha thì rất hoan nghênh Trung Quốc và họ cho rằng việc đón nhận Trung Quốc hoàn toàn là vì lợi ích quốc gia của họ.

Nói như Phó Thủ tướng Itaia, Luigi Di Maio thì nếu nước Mỹ có khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” thì tại sao Italy không thể có khẩu hiệu “Italia trên hết”. Tức là các nước này đặt lợi ích quốc gia của họ lên trên lợi ích của toàn thể khối EU. Trong khi đó các nước như Pháp, Đức… thì lại cho rằng toàn thể EU phải có một chính sách chung với Trung Quốc. Lí do là vì nếu tách riêng từng quốc gia thì không một quốc gia nào tại châu Âu có đủ sức mạnh kinh tế để có thể tạo lập một quan hệ bình đẳng có lợi với Trung Quốc.

Ngoài ra, Pháp, Đức hay Uỷ ban châu Âu còn lo ngại là Trung Quốc sẽ phá vỡ các mắt xích yếu trong EU để thâm nhập vào châu Âu, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm về an ninh, về công nghệ và qua đó sẽ khiến châu Âu đánh mất ưu thế công nghệ mũi nhọn trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Các bất đồng trong nội bộ này rõ ràng là khiến EU rất lúng túng và hiện chưa có đối sách phù hợp với Trung Quốc, đặc biệt là trong đại dự án “Vành đai, con đường” của nước này.

Nhưng liệu các hợp tác với Trung Quốc có thực sự tạo ra nguy cơ kinh tế-chính trị với các nước EU hay không? Đây là câu hỏi phức tạp và cần cái nhìn đa chiều. Thứ nhất, có một thực tế là trong các năm trước đây, EU đã tương đối “ngây thơ” trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, khi hầu như không kiểm soát đối với các đầu tư của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm như chế tạo máy, năng lượng, hàng không, viễn thông…

Nhưng trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất tận dụng các sơ hở này của đối phương. Mỹ, Nhật trong quá khứ hay các tập đoàn giàu có ở Trung Đông vài năm qua cũng đã và luôn có thể tạo ra các thiệt hại cho châu Âu nếu như châu Âu bất cẩn. Đó là cuộc chơi của thị trường mà châu Âu phải chấp nhận và chỉ có thể tự trách mình trước tiên.

Trên một khía cạnh khác, Trung Quốc thực sự là một đe doạ với châu Âu bởi sức mạnh tổng thể của Trung Quốc đang tăng nhanh và cuộc chơi quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ ngày càng đẩy châu Âu vào thế bên lề. Nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump cũng tạo ra các nguy hiểm cho châu Âu không kém gì Trung Quốc. Như Tổng thống Pháp Macron đã nói rất rõ “châu Âu phải đoàn kết lại thì mới có thể đối phó được với sức mạnh của Trung Quốc và Mỹ trong thế kỷ 21”.

Về sâu xa, lo sợ lớn nhất của châu Âu trước Trung Quốc là lo sợ về một sự thất bại mang tính hệ thống, lo sợ rằng mô hình phát triển của châu Âu đang trở nên yếu thế trước mô hình phát triển của Trung Quốc. Vì thế, bên cạnh sự nghi ngại có cơ sở thì cũng có một phần rất lớn là châu Âu đang bị ám ảnh bởi Trung Quốc và do đó phát đi quá nhiều thông tin tiêu cực về Trung Quốc.

Quan hệ châu Âu – Trung Quốc: Vừa hợp tác, vừa đấu tranh

Dù có nhiều khác biệt nhưng phải thừa nhận rằng cả châu Âu và Trung Quốc đang cần thúc đẩy hợp tác để cùng giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu cấp bách. Trong đó có quyết tâm bảo vệ chủ nghĩa đa phương, mà hiện đang bị các chính sách đơn phương của Mỹ làm suy yếu.

Đối với châu Âu, quan hệ với Trung Quốc mang tầm chiến lược, vừa có đấu tranh nhưng cũng vừa phải có hợp tác, bởi lẽ Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của châu Âu và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là quốc gia đông dân nhất thế giới.

Sự hợp tác giữa EU và Trung Quốc càng có ý nghĩa hơn khi cả hai bên đều ủng hộ một trật tự đa phương trong quan hệ quốc tế cũng như một nền thương mại toàn cầu rộng mở trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời ông Trump lại đi theo hướng chủ nghĩa biệt lập và bảo hộ, đồng thời gây ra nhiều rạn nứt nghiêm trọng với chính các đồng minh châu Âu.

Vì thế, EU và Trung Quốc đã thống nhất thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thống nhất đẩy nhanh các chính sách môi trường, kiểm soát nghiêm ngặt hơn các khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên, cũng như hợp tác mạnh mẽ hơn nhằm chống biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, còn một khía cạnh quan trọng khác mà châu Âu muốn thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, đó là việc quản trị tại châu Phi. Bởi lẽ, châu Phi là khu vực ảnh hưởng truyền thống của nhiều nước lớn tại châu Âu, đặc biệt là Pháp, trong khi Trung Quốc nhiều năm qua đang là nước đầu tư lớn nhất vào châu lục này và ngày càng có nhiều tranh cãi quanh sự hiện diện cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc tại lục địa này.

Theo Vov