Tháng 6, năm 2011, DreamHack được tổ chức tại Jonkoping, Thụy Điển. League of Legends (hay gọi là Liên Minh Huyền Thoại) chỉ là một trong số nhiều thể loại game được lựa chọn để thi đấu. Đây cũng là khởi đầu cho giải đấu World Championships (Chung Kết Thế Giới) ở những năm sau đó.
Giải đấu gần gũi nhất trong lịch sử
Ở thời điểm đó, không có bất kì minh chứng nào thể hiện đây là giải đấu mang tầm cỡ thế giới của Liên Minh Huyền Thoại cả. Lượng khán giả đến xem khá ít ỏi, chỉ khoảng 300, 400 người và một phần lớn trong số họ đến xem vì tò mò. Cũng không có một sàn thi đấu hoành tráng như bây giờ, chỉ đơn giản là những dàn máy, người chơi và khán giả. Tất cả dường như không có khoảng cách.
Alex “Xpecial” Chu hồi tưởng: “Đó là sự tương tác với người hâm mộ thân mật nhất mà chúng tôi từng có. Người hâm mộ đứng ngay sau chúng tôi và thậm chí họ có thể vuốt tóc chúng tôi. Điều đó thực sự khá khó chịu. Andy “Reginald” Dinh thậm chí còn phàn nàn về việc có người đã chạm vào chiếc ghế của anh ta. Anh ấy là dạng tuyển thủ sẽ trở nên cực kỳ khó chịu về việc đó và thực sự rất buồn cười khi ngồi nghe anh ấy phàn nàn chuyện trên khi chat trong trận“.
Những chiến thuật kì quái
Meta là một khái niệm gì đó khá xa xỉ vào thời đấy. Mỗi khu vực có một cách khởi đầu trận đấu khác nhau. Ở Châu Mỹ, họ sử dụng những người đi đường đơn ở hai cánh và hai pháp sư đa dụng ở Đường Giữa. Châu Âu lại khác, họ tỏ ra nhanh nhạy hơn tất cả khi đưa ra một chiến thuật là Xạ Thủ + Hỗ Trợ đi Đường Dưới. Cũng chính sự chuẩn mực này đã đem lại cho chức vô địch mùa đầu tiên và đến tận ngày nay, cả thế giới vẫn sử dụng chiến thuật của người Châu Âu trong cách chia đội hình.
Ngoài việc tạo ra một lối chơi chuẩn mực, người Châu Âu còn thích nghi rất nhanh với tất cả các vị trí trong trò chơi. Against All Authority (aAa) với những Soaz, YellOwStaR là một trong những ví dụ điển hình. Họ tiếp cận trò chơi theo một cách khá điên rồ khi thay đổi vị trí liên tục trong trận đấu – điều mà ít đội tuyển chuyên nghiệp nào dám nghĩ đến. Bằng cách này, họ loại Team Solomid ở Bán Kết khi đối phương không có cách nào để chống trả lại được.
Thành công và thất bại
CKTG mùa 2011 là giải đấu đánh dấu sự thăng tiến của nền LMHT khi các đội tuyển có cơ hội được giao lưu tại một sự kiện lớn như DreamHack. Đây cũng là lần đầu tiên, các đội tuyển ở 3 châu lục (Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ) được chạm trán với nhau và học hỏi tính chiến thuật của nhau.
Cũng trong giải đấu này, một đội tuyển của châu Âu là Fnatic đã lên ngôi vô địch. Đây là điều không quá bất ngờ khi khu vực châu Âu được đánh giá cực kì cao về khả năng lĩnh hội game và tính thích ứng cực kì cao.
Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn tồn tại những hạn chế mà nhà phát hành Riot phải bận tâm. Xpecial trong một bài phỏng vấn từng chia sẻ: “Có một lần tôi bị mất kết nối. Đó hình như là trận đấu cuối cùng của chúng tôi, tôi chơi Alistar, chúng tôi đang dẫn đối phương khá xa và chuẩn bị kết thúc trận đấu. Nhưng tôi nhớ mình đã phải rời khỏi ghế, cắm chuột và bàn phím vào một máy tính khác, vào lại trò chơi và kết nối lại. Mọi thứ rất lộn xộn và các trận đấu của mùa 2011 cũng tương tự như thế.
Epik Gamer còn xui xẻo hơn khi họ ngậm ngùi dừng bước cũng vì lỗi tương tự. Westrice nói: “Nó gặp trục trặc trong cỡ năm phút. Và ngày đấy, không có chức năng tạm dừng trận đấu. Chúng tôi đã phải đánh trong tình thế 4vs5 khi đang dẫn trước. Nhưng khi tôi trở lại, họ đang là đội nắm giữ thế trận và chúng tôi hoàn toàn mất phương hướng.” Kết quả sau đó là Fnatic giành thắng lợi và cuồi cùng đoạt được chức vô địch, còn Epik Gamer chỉ có thể oán trách số phận đã quá bất công với họ.
Những biểu tượng của thời đại
Ở Bắc Mỹ, sau khi khai quật được những người chơi cực kì tài năng, các đội tuyển nổi bật nhất lúc bấy giờ đã tập hợp họ lại. Có thể kể đến Hotshot, SaintVicious, bigfatlp, Chauster và Elementz của Counter Logic Gaming. TheOddOne, Reginald, Chaox và Xpecial của Team SoloMid. Doublelift và Dyrus cũng là cái tên đã chứng tỏ được bản thân qua giải đấu này và đã trở thành những thần tượng mới của LMHT Bắc Mỹ.
Ở châu Âu, Fnatic và Against All Authority là những kì phùng địch thủ và họ cũng là hai đội tuyển đã gặp nhau trong trận chung kết mùa 2011. Tuy nhiên sau giải đấu đó, aAa lại không tiếp tục đầu tư vào LMHT nữa, còn Fnatic tiếp tục hành trình của mình và là một trong những đội tuyển giàu truyền thống nhất trên thế giới.
Bora “YellOwStaR” Kim là một trong những người đầu tiên nhận ra những thành viên xuất sắc của hai đội có thể ghép lại thành một đội tuyển trong mơ. “Sau những trận chiến đỉnh cao tại mùa 2011, tôi đã nghĩ về việc này trong một thời gian. Nhưng điều đó đã không thể trở thành hiện thực mặc dù tôi đã đề xuất việc này với xPeke và Cyanide. Tôi nhớ tôi đã từng hỏi họ liệu họ có muốn vào chung một đội với chúng tôi… nhưng điều đó đã không trở thành hiện thực khi chúng tôi vẫn thi đấu cho những đội tuyển khác nhau trong thời gian dài.”