"Tấp nập" chợ livestream bán hàng giả
Nguyễn Ngọc Thiện (20 tuổi), một chủ shop bán giày dép, thời trang online thường bắt đầu vào lúc 8h sáng bằng việc đăng một số mặt hàng mới lên Fanpage, để chào bán.
Thiện bán các sản phẩm giày của các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Adidas, Converse, Nike, Kevin Klein… Những sản phẩm này, giá chỉ từ 350.000 đồng – 500.000 đồng/sản phẩm và chủ yếu bán trên mạng xã hội Facebook, thông qua hình thức livestream.
Theo Thiện, mỗi một sản phẩm được bán ra, anh sẽ thu về khoảng 30 - 40% lợi nhuận. Trung bình mỗi tháng, shop online của anh lãi khoảng 25 - 30 triệu đồng. Thiện cho biết, việc bán hàng trên “chợ ảo” thường không bị ngành thuế "đụng" tới.
Trao đổi với phóng viên, một chủ shop quần áo ở Hà Nội cho biết, để tạo niềm tin cho khách hàng, các sản phẩm "nhái" bây giờ đều có thể check code được. Bởi hiện nay, có nhiều công cụ giúp tạo mã vạch, chỉ cần lên Google và tìm từ khoá "tạo mã vạch" sẽ thấy vô số công cụ giúp tạo mã vạch giả cho đủ các thể loại mã từ UPC, EAN hay Code 128.
Người làm giả chỉ cần biết được thông tin mã vạch là có thể tạo ra một mã vạch giống trên bao bì sản phẩm và in ra để dán lên hàng giả và hàng nhái. Việc làm giả càng trở nên nhanh chóng nếu có trên tay một máy đọc mã vạch.
Liên tục trong thời gian gần đây, lực lượng QLTT ra quân tấn công các đầu mối nhập lậu hàng giả nhãn mác, thương hiệu nổi tiếng để rao bán trên mạng thương mại điện tử nội địa. Đồng thời vạch trần các thủ đoạn của các đối tượng cố tình sai phạm để cảnh báo người tiêu dùng không bị lừa cũng như không tiếp tay cho hành vi phạm pháp.
"Sale sập sàn" vì là hàng xuất dư?
Trên tường của một tài khoản với tên Nguyễn Bình (ở Vĩnh Phúc) đang rao bán giày thương hiệu Skechers (hãng giày thể thao của nước Mỹ) với giá 400.000 – 600.000 đồng. Người này cho biết, do có người thân làm công nhân ở Công ty giày da Lập Thạch (Vĩnh Phúc), nên đã “chôm” được của nhà máy, giờ bán lại với giá rẻ.
“Vì là hàng "tuồn" từ nhà máy ra ngoài nên chị mình không sử dụng được, nhờ mình bán hộ chỉ với giá 500.000 đồng, chất lượng “chuẩn không cần chỉnh”.
Hàng này mà vào store (cửa hàng) không có giá dưới 2 triệu đồng", người bán nói.
Rất người livestream bán hàng nhái. Ảnh chụp màn hình |
Chia sẻ với Lao Động về các chiêu thức bán hàng lậu, hàng giả trên mạng xã hội và trên các trang thương mại điện tử, ông Lý Thành Công - Trưởng phòng kỹ thuật bảo hành – chống giả, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bình Tây, đơn vị phân phối các sản phẩm CASIO chính hãng cho biết, hiện nay, đồng hồ CASIO và các sản phẩm hàng hiệu khác bị làm giả rất nhiều, với thủ đoạn tinh vi để qua mặt "thượng đế".
Theo đó, khi quảng cáo, người kinh doanh các sản phẩm CASIO giả sẽ dùng hình ảnh hàng thật, chính hãng, nhưng lúc giao hàng lại là hàng nhái, không có nguồn gốc, chứng từ mà chính người mua cũng không thể phân biệt được. Các giao dịch hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể.
“Người bán hàng giả trên các sàn thương mại điện tử, “chợ ảo” tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn thương mại điện tử, như cố tình thay đổi tên sản phẩm như CASIO (nền đen chữ trắng), CASLO, CASID, thay vì là CASIO (chữ đen, không nền). Với các sản phẩm hàng hiệu khác, thủ đoạn cũng tương tự”, ông Lý Thành Công cho biết.
Theo ông Lý Thành Công, trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề hàng giả, xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ trên online rất phổ biến, diễn biến tinh vi.
Vì vậy, công ty của ông đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để đề nghị các trang chuyên kinh doanh online gỡ bỏ các hình ảnh giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, một trong những vấn đề nổi cộm, đó là thương mại điện tử là nơi để tiêu thụ, phân phối và bán các sản phẩm gian lận thương mại, trong đó có hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; thậm chí là hàng giả, hàng nhái, hàng cấm.
Do vậy, đã đến lúc có giải pháp để thương mại điện tử phát triển một cách lành mạnh, trong sạch hơn, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo Báo điện tử Lao động