Hợp tác xã (HTX) Thanh long sạch Hòa Lệ tại thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc đã tạo dấu ấn nổi bật trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Với 12 sản phẩm chế biến sâu từ thanh long đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao, HTX không chỉ duy trì kênh bán hàng truyền thống mà còn mạnh mẽ mở rộng sang TMĐT.
Chị Nguyễn Hoàng Thư Hương, đại diện HTX, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên livestream quá trình sản xuất và đóng gói sản phẩm để khách hàng thấy rõ chất lượng, tin tưởng khi chọn sản phẩm. Ngoài ra, việc đăng bài liên tục trên Facebook, Zalo, TikTok… giúp tương tác với khách hàng hiệu quả hơn. Du khách đến Bình Thuận có thể đặt hàng và nhận sản phẩm ngay tại điểm du lịch hoặc khách sạn. Doanh số bán hàng qua kênh online đã tăng đáng kể nhờ sự linh hoạt này”.
Trong bối cảnh TMĐT hoạt động và phát triển ngày càng mạnh mẽ hiện nay, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến việc phát triển hoạt động kinh doanh trên môi trường điện tử, kết nối với người tiêu dùng thông qua các kênh bán hàng online đặc biệt là trên các sàn TMĐT lớn.
Ông Biện Tấn Tài – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết: Hiện các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (trong đó có các chủ thể OCOP) đã quan tâm nhiều hơn đến việc kết nối, đăng ký gian hàng trên các sàn TMĐT trong và ngoài nước như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, TikTok, Sàn Việt… nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm và giúp nhà sản xuất đến gần hơn với người tiêu dùng và các nhà phân phối.
Sở Công Thương thường xuyên rà soát, tổng hợp nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu tham gia bán hàng trên sàn TMĐT.
Năm 2024, sở đã hỗ trợ 5 doanh nghiệp tiếp cận các sàn thương mại quốc tế và 24 doanh nghiệp tham gia bán hàng trên trang web kết nối cung cầu.
Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số xây dựng Sàn TMĐT tử Bình Thuận tại địa chỉ https://sanphamdiaphuong.com.v... với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh và trên khắp cả nước đa dạng hóa các kênh bán hàng trực tuyến, tăng nhận diện các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng, mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối trực tiếp với người tiêu dùng.
Đặc biệt, Sàn Thương mại điện tử Bình Thuận tại địa chỉ https://sanphamdiaphuong.com.v... là một nền tảng uy tín, phi lợi nhuận, giúp tăng nhận diện và mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 86 cơ sở (trong đó có các chủ thể OCOP) và 229 sản phẩm được cập nhật lên sàn thương mại điện tử Bình Thuận, trong đó có 18 sản phẩm kết nối với sàn Việt.
Dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử vẫn còn gặp khó khăn. Một số đơn vị vẫn chưa đầu tư đúng mức vào mẫu mã, bao bì và hình ảnh sản phẩm, ngần ngại thay đổi phương thức kinh doanh và thiếu nhân sự chuyên trách quản lý gian hàng trực tuyến.
Để khắc phục, từ đầu năm đến nay, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, Sở Công Thương đang đẩy mạnh các chương trình đào tạo kỹ năng kinh doanh online, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp sản phẩm và khuyến khích tham gia các nền tảng TMĐT.
Với sự đồng hành của các sở, ban, ngành của tỉnh và sự chủ động thay đổi của các chủ thể OCOP, TMĐT hứa hẹn sẽ trở thành cánh cửa lớn đưa sản phẩm OCOP Bình Thuận vươn xa trên thị trường quốc tế.
Theo CÁT TƯỜNG (Báo Bình Thuận)