Mua sắm kết hợp giải trí là xu hướng đang lên ở nhiều quốc gia, trong bối cảnh mua sắm trực tuyến tiếp tục tăng trưởng mạnh.
 
Theo Báo cáo xu hướng hành vi tiêu dùng của NielsenIQ, Omnishopper (người mua sắm đa kênh, sử dụng công nghệ để trải nghiệm mua sắm) đang là xu hướng mạnh nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. “Tỷ lệ mua sắm đa kênh chiếm tới 79%, khi người tiêu dùng đã hình thành thói quen mua sắm online và đã trở thành Omnishopper”, bà Lê Minh Trang, đại diện NielsenIQ nói. 

Nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ người mua sắm đa kênh ở Việt Nam ở vào khoảng 57%. Nhiều người tiêu dùng đã chuyển dịch sang kênh mua sắm trực tuyến kể cả sau đại dịch. Các số liệu cho thấy mua sắm trực tuyến tiếp tục được ưa chuộng và tăng trưởng. Tổng giá trị mua sắm TMĐT Việt Nam đạt 13 tỷ USD năm 2021, với tỷ lệ đóng góp trong tổng thị trường bán lẻ đạt 5,5%. Dự đoán, tổng giá trị mua sắm TMĐT sẽ tăng lên 39 tỷ USD vào năm 2025.

Livestreaming được nhiều người ưa thích bởi tính tương tác cao. Ảnh minh hoạ: Internet

Liveshopping/livestreaming, thương mại giải trí… đang là xu hướng phát triển ở nhiều nước trong khu vực và cả ở Việt Nam. Theo bà Trang, ở một số quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan… người dùng sử dụng livestream không chỉ để giải trí mà còn bán hàng, mua sắm… Chẳng hạn ở Thái Lan, có tới 14% người dùng livestreaming để quảng bá; 10% dùng để mua sắm. Con số tương ứng ở Trung Quốc là 31% và 20%.

Ông Đỗ Hữu Hưng, Chi hội trưởng Chi hội Tiếp thị và Công nghệ số, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cũng cho biết, tiếp thị qua mạng xã hội (social marketing) là 1 trong 3 kênh đang bùng nổ với thế mạnh nhờ tính giải trí và sự tương tác cao.
 
Ông Hưng phân tích, hiện nay, với social marketing, các doanh nghiệp vẫn sử dụng các kênh truyền thống như Facebook, Google, YouTube…nhưng thông qua các hình thức như người dùng lan tỏa các nội dung để tạo nhận diện thương hiệu, thúc đẩy doanh số bán hàng. 
 
Các hình thức như livestream, reviews… đang là những hình thức phổ biến nhất và hút lượng lớn người dùng nhờ sự chuyên biệt.

Nhờ sự phát triển bùng nổ của social marketing, lực lượng sáng tạo nội dung (content creator) cũng đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và cũng là trào lưu của giới trẻ.

Theo nghiên cứu, tại Việt Nam hiện đang có 200.000 các nhà sáng tạo nội dung đang hoạt động tích cực trên mạng xã hội. Trong đó có khoảng 50.000 người hoạt động chuyên nghiệp. Ông Hưng cũng cho biết, trong số này có khoảng trên 1.000 người có mức thu nhập trên 5.000 USD/tháng nhờ mức độ chuyển đổi thành đơn hàng cao.

Các nghiên cứu từ các doanh nghiệp cũng cho thấy tỷ lệ chuyển đổi của các nhà sáng tạo nội dung thường cao hơn 3 – 5 lần so với bán hàng trên TMĐT. Thông tường tỷ lệ chuyển đổi khoảng 13 – 15% (so với mức 3 – 5% trên TMĐT). Đây là lý do khiến nhiều thương hiệu đang tập trung đầu tư thông qua kênh này.

Ngoài ra, với sự bùng nổ của các sàn TMĐT như Shopee, Tiktok… cũng đang đẩy mạnh kênh tiếp thị liên kết và được nhiều doanh nghiệp lựa chọn sử dụng. Ông Đỗ Hữu Hưng cho hay, hiện đang có hơn 2.000 doanh nghiệp Việt Nam sử dụng hình thức tiếp thị liên kết. Nhiều đơn vị dành trên 50%, thậm chí có các doanh nghiệp đã dành 100% ngân sách chi tiêu cho kênh tiếp thị liên kết.

Duy Vũ