Khoảng 3 năm trước, Joel Lalgee bắt đầu đăng bài trên LinkedIn - nơi mọi người liệt kê kinh nghiệm làm việc cá nhân và tìm công việc tiếp theo của họ. Anh làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng nên dành nhiều thời gian trên trang web này là điều dễ hiểu, theo New York Times.
Thế nhưng, Lalgee không chỉ viết về công việc mà cả cuộc sống cá nhân, bao gồm vấn đề sức khỏe tâm thần anh gặp khi còn là thiếu niên và cuộc sống của anh kể từ đó.
“Chia sẻ câu chuyện của mình là cách tôi kết nối với mọi người và cho họ thấy rằng họ không đơn độc”, anh nói.
Đại dịch đã thay đổi cách tương tác của các nhân viên văn phòng. Ảnh: Kindel Media/Pexels. |
Điều bất ngờ khác cũng xảy ra. Sau 6 tháng, anh nhận thấy sự gia tăng lớn về mức độ tương tác, lượng người theo dõi và cả các đầu mối kinh doanh trong nước. Hiện anh có hơn 140.000 người theo dõi trên website này, tăng so với con số 9.000 trước khi đăng bài.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều người chuyển sang sử dụng LinkedIn. Họ bắt đầu nói nhiều thứ hơn ngoài chủ đề công việc. Cũng bởi vậy, ranh giới giữa đời sống cá nhân và công việc trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết.
Từ chuyên môn tới đời tư
Nền tảng được thành lập vào năm 2003, lần đầu được biết đến như một nơi để người dùng chia sẻ sơ yếu lý lịch và kết nối với đồng nghiệp.
Sau đó, nền tảng bổ sung newsfeed (nguồn cấp nội dung) và giới thiệu các cách để người dùng đăng văn bản, video. Hiện trang web có hơn 830 triệu người dùng tạo ra khoảng 8 triệu bài đăng, bình luận mỗi ngày.
Những nhân viên cảm thấy tội lỗi khi sử dụng mạng xã hội trong lúc làm việc nhận thấy rằng họ có thể lướt trang web này mà vẫn cảm thấy thoải mái hơn.
Natalie Rose chia sẻ hình ảnh khóc lóc và bộc lộ nỗi căng thẳng trong nghề influencer. Ảnh: Natalie Rose. |
Nền tảng cũng trở thành nơi để người dùng bày tỏ ý kiến về các chủ đề công bằng xã hội và tác động của chúng tới công việc, như phong trào Black Lives Matter bùng nổ trở lại vào tháng 5/2020 sau cái chết của George Floyd, hay quyết định của Tòa án Tối cao lật ngược phán quyết vụ Roe v. Wade và xóa bỏ quyền phá thai hiến định hồi cuối tháng 6.
Website này cũng chứng mình được rằng nó là nơi dễ gây chú ý và tạo dựng tên tuổi cho người dùng hơn những nền tảng khác hiện đã bão hòa.
Dần dần, tới thời điểm hiện tại, ngày càng nhiều bài viết mang tính đời tư được đăng tải, từ thông báo đính hôn, tổ chức đám cưới cho đến quá trình chống chọi bệnh tật.
Bài đăng đạt 2,7 triệu lượt xem của Natalie Rose (26 tuổi) là 2 bức ảnh selfie khóc lóc cùng dòng chú thích về nỗi căng thẳng, lo âu khi trở thành một người có sức ảnh hưởng (influencer).
"Bài đăng nhanh chóng lan truyền trên nền tảng, dẫn đến cho tôi cơ hội được hợp tác với các ứng dụng hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tôi cũng có thêm nhiều mối quan hệ và lượt theo dõi, tất cả nhờ việc tôi bộc lộ khía cạnh yếu đuối của mình", cô nói.
Ranh giới mờ nhạt
Thế nhưng, không phải ai cũng hài lòng và vui vẻ với sự thay đổi này. Nhiều người cho biết họ không thể sử dụng trang web như trước, bởi những bài viết cá nhân làm xáo trộn nguồn cấp nội dung, gây khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin họ muốn.
“Đầu đại dịch, chúng tôi bắt đầu thấy những nội dung chưa từng xuất hiện”, Daniel Roth, phó chủ tịch kiêm tổng biên tập của LinkedIn, chia sẻ.
Việc sử dụng nền tảng này trong giờ làm khiến nhiều nhân viên cảm thấy "bớt tội lỗi". Ảnh: Pexels. |
Ông nhận thấy ngày càng nhiều người đăng bài về sức khỏe tâm thần, tình trạng kiệt sức và căng thẳng. Tình trạng này tiếp tục gia tăng trong 2 năm tiếp theo.
Sofía Martín Jiménez (30 tuổi, Madrid, Tây Ban Nha) từng là một người dùng thành thạo nhờ sử dụng nền tảng mọi lúc cho công việc tuyển dụng trước đây. Cô cũng thường lướt trang chủ để tìm kiếm các đề xuất về sách hoặc cập nhật các bài báo về lĩnh vực của mình.
Khi đại dịch bùng phát, cô nhận thấy newsfeed của mình bỗng trở nên lộn xộn khi nhiều người cập nhật đời tư, từ đấu tranh bệnh tật tới việc người thân yêu qua đời - những thứ gần như không thể sử dụng cho công việc chuyên môn. Từ đó, cô phải tìm kiếm trực tiếp bằng từ khóa và né tránh trang chủ.
Ông Roth cho biết trang web không khuyến khích, nhưng cũng không ngăn cản các bài đăng mang tính cá nhân. Bên cạnh đó, họ ủng hộ những người có tầm ảnh hưởng tham gia website với hy vọng chia sẻ thêm về các chủ đề lãnh đạo.
Trong quá khứ, những người có tầm ảnh hưởng xuất hiện trên website thường là “nhà lãnh đạo tư tưởng”, như các chuyên gia kinh doanh hoặc giám đốc điều hành, và họ đưa ra lời khuyên tới hàng triệu khán giả theo dõi. Tới gần đây, nền tảng xuất hiện nhiều nhà sáng tạo nội dung từ TikTok và YouTube, bao gồm ngôi sao như Mr.Beast.
Lily Zheng cho rằng người lao động nên duy trì ranh giới giữa cuộc sống và công việc. Ảnh: WireImage. |
Mặt khác, tuy nền tảng hiện tuyển dụng nhiều influencer hơn, ông Roth cho biết “không nên xây dựng nhiều nội dung gây lan truyền”. Theo ông, hầu hết bài đăng chỉ nên tiếp cận đúng tới mạng lưới kết nối của người dùng.
Trong một cuộc khảo sát của nền tảng với khoảng 2.000 người trưởng thành có việc làm vào đầu năm nay, 60% nói rằng định nghĩa của họ về “sự chuyên nghiệp” đã thay đổi kể từ khi Covid-19 xuất hiện.
Lily Zheng, một nhà tư vấn về tính đa dạng, bình đẳng và hòa nhập có hơn 100.000 người theo dõi trên nền tảng, cho biết nhiều công ty đang đặt câu hỏi rằng “Trong bối cảnh định nghĩa về sự chuyên nghiệp đang thay đổi, cho phép nhân viên tiết lộ đời tư đến mức nào là phù hợp?”.
Bởi trên thực tế, chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội có thể thúc đẩy cảm giác thân thuộc, nhưng đồng thời có thể dẫn đến những hối tiếc về sau.
“Một mặt, công ty muốn hỗ trợ nhân viên tự thể hiện cá tính và chia sẻ câu chuyện cá nhân. Nhưng đồng thời, nhân viên cần duy trì ranh giới giữa cuộc sống cá nhân và công việc trên mạng xã hội, ngay cả khi đó là LinkedIn”, Zheng nói.
(Theo Zing)
LinkedIn: Từ cổng tuyển dụng tới mạng xã hội chuyên nghiệp lớn nhất thế giới
‘Không quan trọng bạn biết gì, quan trọng là bạn biết ai’. Đó là câu nói nổi tiếng mà bất kỳ ai xin việc làm cũng từng nghe qua. LinkedIn là bằng chứng sống cho điều này.