Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, chăn nuôi Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ từ lượng sang chất, từ nông hộ quy mô nhỏ sang công nghiệp, quy mô lớn, bảo đảm an toàn sinh học. Đây là hướng đi đúng đắn, bởi nó không chỉ góp phần khai thác được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, mà còn giúp người chăn nuôi chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, áp dụng khoa học, kỹ thuật, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Thay vì sử dụng các giải pháp truyền thống để quản lý trang trại, nhiều năm gần đây, các chủ trang trại đã bắt đầu ứng dụng công nghệ cao bằng việc đưa các thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến, bao gồm máy móc, thiết bị, giải pháp, phần mềm hiện đại, dẫn đến hiệu quả quản lý, tăng năng suất và chất lượng được nâng cao.
Đơn cử, áp dụng chuyển đổi số sẽ giúp tăng hiệu suất sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng cường sức khỏe và sinh sản của đàn vật nuôi. Đồng thời, quản lý dễ dàng hơn khi theo dõi sức khỏe, cân nặng, tuổi tác của từng con vật một cách chính xác và thuận tiện. Cùng với đó, hỗ trợ xác định cá thể một cách chính xác, giúp quản lý thông tin và phân biệt giữa các con vật trong đàn; tăng tính tiện lợi và chính xác khi giảm thiểu sai sót trong việc ghi nhận thông tin về vật nuôi, hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng.
Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại đã góp phần thay đổi nhanh chóng ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung, lĩnh vực chăn nuôi nói riêng. Internet, trí tuệ nhân tạo, blockchain... đang dần đơn giản hóa và hợp lý hóa việc thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể, giúp cải thiện hiệu quả, năng suất sản xuất góp phần thực hiện “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045”.
Theo đó, 3 đề án ưu tiên bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống, đó là: Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030; Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; Đề án phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030.
Đối với “Đề án phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030”: Tập trung nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi quy mô công nghiệp có khả năng chọn tạo giống có năng suất cao mang thương hiệu Việt Nam. Tổng điều tra xây dựng bản đồ ngân hàng giống vật nuôi bản địa quốc gia để khai thác và phát triển theo lợi thế, đặc trưng vùng miền. Nâng cao năng lực nuôi giữ giống vật nuôi quốc gia đảm bảo an toàn dịch bệnh (ATDB), an toàn sinh học phục vụ “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 20245”.
Xây dựng và phát triển hệ thống giống bò thịt. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về giống vật nuôi nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp giống vật nuôi. Nâng cao năng lực kiểm tra năng suất, khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi. Tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ cho mỗi vùng miền của Việt Nam.
Đối với “Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030”: Tập trung khảo sát, đánh giá định kỳ theo năm (năm 2025, 2027, 2029) về điều kiện vệ sinh ATDB, an toàn chất lượng; trình độ năng lực công nghệ về giết mổ, chế biến các sản phẩm chăn nuôi.
Xúc tiến đầu tư xây dựng hệ thống kiểm tra chất lượng và trung tâm giao dịch, đấu giá sản phẩm chăn nuôi. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử sản phẩm chăn nuôi. Xây dựng bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn, chính sách đặc thù của lĩnh vực giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
“Đề án phát triển công nghiệp sản xuất TĂCN đến năm 2030”: Tập trung đánh giá trình độ công nghệ và đề xuất giải pháp cải tiến công nghệ sản xuất TĂCN công nghiệp. Phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn bổ sung. Phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản nguồn phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp làm TĂCN. Phát triển vùng sản xuất nguyên liệu làm TĂCN.
Xây dựng bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn, chính sách đặc thù của lĩnh vực giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chế biến các sản phẩm chăn nuôi: Thu hút các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô lớn với thiết bị chế biến hiện đại, đồng bộ, công nghệ tiên tiến, gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, an toàn dịch bệnh và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chế biến…