Cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa rồi, dư luận chứng kiến hai sự việc rất đau lòng liên quan tới hai học sinh đều đang học lớp 8.

Một học sinh nam ở Yên Bái treo cổ tự vẫn khi bị đánh đập tàn nhẫn rồi quay clip tung lên mạng. Một em gái ở Khánh Hòa, may mắn hơn, chỉ bị bỏng ở hai đầu gối, vì đã tưới xăng đốt trường học bên cạnh trường mình, chỉ vì lời hứa nếu có đủ một ngàn lượt yêu thích trên trang facebook.

{keywords}

Học sinh Nam ở Yên Bái bị người khác đánh và bắt quỳ giữ nơi đông người (ảnh cắt từ clip).

Đoạn video cô học sinh lớp tám ở Khánh Hòa hoảng loạn cầu cứu khi ngọn lửa bùng lên trước cửa phòng y tế của trường trung học cơ sở Phạm Ngũ Lão trong  tiếng đe dọa khích bác của bạn bè, hay cảnh cậu bé sau này đã quyết định quyên sinh bị người lớn dùng gậy cao su đánh và bắt quỳ lạy xin tha thứ được ghi hết trong video clip cho chúng ta thấy một vấn đề rất đáng phải bàn thêm.

Phải chăng các em, con cái của chúng ta, đang quá cô đơn? Chúng cô đơn giữa chốn đông người.

Những chuyện đau lòng xảy ra với hoặc được gây ra bởi trẻ em, thường nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Bởi chuyện xảy ra với chúng hôm nay, rất có thể xảy ra với con cái của chúng ta vào một ngày nào đó, không thể đoán định. Lúc đó, chúng ta sẽ không còn đủ bình tĩnh, nước mắt và nỗi đau, sẽ thay thế cho các câu hỏi đâu là trách nhiệm của gia đình, nhà trường khi để xảy ra những chuyện như thế.

Có một sự trùng hợp, đó là cả hai em đều là học sinh lớp tám, tức là 13 tuổi. Ở Phương Tây, người ta xếp tuổi mười ba là năm đầu của giai đoạn vị thành niên (adolescence 13 đến 18 tuổi). Một giai đoạn dễ xảy ra các cuộc xung đột căng thẳng nhất trong mối quan hệ giữa trẻ vị thành niên với gia đình, cũng là giai đoạn khó khăn nhất của nhà trường khi phải đối mặt với những diễn biến tâm lý ngoài chuyên môn giảng dạy của trẻ.

Không khó để bắt gặp một lời than phiền của các bậc phụ huynh khi con cái bước vào tuổi “dở dở ương ương”. Chúng ta có quá ít những nghiên cứu cơ bản làm cơ sở cho việc áp dụng các phương pháp ứng xử với trẻ vị thành niên. Người Việt lại thường ít tôn trọng tự do cá nhân và chủ động tạo kênh giao tiếp bằng ngôn ngữ của trẻ vị thành niên. Tất cả những điều đó chỉ khiến các nỗ lực dạy dỗ, khống chế của gia đình và nhà trường đẩy trẻ trốn sâu vào trong cái kén của riêng mình. Chúng tìm những giải pháp để giải tỏa bản thân. Không được chia sẻ, không có tiếng nói chung. Khi người lớn khư khư giữ quyền chủ động về loại ngôn ngữ giao tiếp, bọn trẻ sẽ giải tỏa theo phương thức riêng của mình. Và đôi khi, tai nạn xảy ra.

Trở lại với câu chuyện của cô gái 13 tuổi tưới xăng đốt trường ở Khánh Hòa. Có thể dễ nhận thấy khi em đưa ra cam kết “sẽ đốt trường” nếu có đủ 1000 lượt thích trên trang facebook của em chỉ là một cách để thể hiện. Ở góc độ nào đó, nó không đơn thuần là tâm lý “câu like” trên mạng, mà là một phản ứng thụ động trước những biểu hiện “nói một đằng làm một nẻo” của nhiều người lớn xung quanh mà các em vô tình tiếp nhận.

Phản ứng vô thức ấy không lộ ra ngoài. Chuyện “đốt trường” nếu đủ 1000 likes cũng sẽ chỉ là chuyện đùa vui, nếu em có một kênh giao tiếp với người lớn, có thể là anh chị, ba mẹ hoặc thầy cô. Người lớn chúng ta thường ứng xử một cách sai lầm, hoặc cấm con cái sử dụng mạng xã hôi, hoặc nếu cho sử dụng, thì lại lén lút kiểm soát để tìm hiểu thông tin, thay vì gần gũi, nói tiếng nói của bọn trẻ để khi gặp khó khăn, chúng chủ động tìm đến tâm sự và hỏi han cách giải quyết vấn đề.

M.P  tên của cô học sinh lớp 8 đốt trường, sẽ không bị chúng bạn dọa đánh nếu “nói mà không làm”. Việc P chọn một ngôi trường khác, thay vì trường của mình để “thực hiện lời hứa” trong tiếng la ó, ép uổng của bạn bè cũng cho thấy, trong sâu thẳm, em biết hành động của mình là sai, cho tới lúc đổ bịch xăng, em cũng không muốn làm việc đó.

Nhưng cô bé đã đốt. Đã bị bỏng. Trong tiếng la hét có phần hoảng sợ của những đứa bạn vừa trước đó ép cô làm bằng được. Và clip cô tưới xăng, châm lửa đã đến với hàng triệu người xem, chỉ để khẳng định là “con nhỏ đó đã làm điều nó hứa, bọn trẻ chúng tôi là như vậy”.

Còn người lớn chúng ta làm gì? Chúng ta cho rằng hành động của P là dại dột, ngông cuồng và khẳng định việc giới trẻ sử dụng mạng xã hội đang có những biểu hiện lệch lạc. Đáng buồn là những người đưa ra nhận định này lại là người quản lý cấp cao của ngành giáo dục hay một tiến sỹ tâm lý.

Bọn trẻ sẽ tiếp tục cô đơn giữa chốn đông người. Giống như những thanh niên hippie đầu tiên ở Mỹ thập niên 60 của thế kỷ trước. Còn người lớn chúng ta sẽ lại hoang mang, không biết bao giờ những biểu hiện lệch lạc kia hiện diện trong ngôi nhà của chính chúng ta.

Lại Trọng Tình