Xã Liệp Tè có khoảng 17.000 ha diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La có lợi thế để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Thời gian đầu chỉ có vài hộ nuôi cá lồng với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Nghề nuôi cá lồng ở Liệp Tè chỉ thực sự phát triển từ năm 2016. Đó là  khi huyện Thuận Châu phối hợp với Công ty Thủy sản Sông Đà đưa vào nuôi thí điểm 30 lồng cá tại xã Liệp Tè, gồm các loại cá: Lăng, chép, rô, trắm..

Thấy được lợi ích kinh tế từ việc nuôi cá thí điểm, chính quyền xã đã xác định mục tiêu phát triển, tạo sinh kế mới cho người dân có thu nhập sớm thoát nghèo.

Gia đình anh Quàng Văn Thành, ở bản Ban Xa là một trong những hộ nuôi cá đầu tiên ở đây.

Trước đây, gia đình anh Thành thuộc diện hộ nghèo “bền vững” ở xã. Năm 2017 anh được tuyên truyền, vận động, dồn tiền phát triển nuôi cá lồng và tham gia HTX để sản xuất theo chuỗi liên kết.

Ban đầu, chỉ với vài lồng nuôi cá được làm từ những vật dụng thủ công, đến nay gia đình anh đã phát triển lên 12 lồng cá, được làm bằng khung sắt kiên cố. Mỗi năm anh thu khoảng 120 triệu đồng từ nuôi cá lồng và đánh bắt. Năm 2019 gia đình anh Thành đã chính thức thoát nghèo.

"Tất cả 12 lồng cá này này là thành quả của bao nhiêu năm tôi tâm huyết, từ việc bỏ vốn, chọn cá giống,  cách nuôi, kích thước lồng nuôi, rồi lượng thức ăn và  cho cá ra sao để tránh tình trạng dư thừa, ảnh hưởng đến môi trường, cũng như hiệu quả kinh tế”, anh nói.

Anh Thành  tâm sự, theo kinh nghiệm của anh, các năm tiếp theo, mỗi lồng cá sẽ cho ra những lứa cá to hơn, cho năng suất cao gấp 1,5-2 lần so với năm đầu tiên nuôi. Chính điều  này đã giúp gia đình anh có thu nhập ổn định, thoát được cảnh nghèo đói.

{keywords}
Hình ảnh của một hộ dân nuôi cá lồng ở Liệp Tè, Thuận Châu, Sơn La.

Anh Quàng Văn Đoàn, một người dân nuôi cá lồng cùng ở bản Ban Xa cho hay,  Trước đây, gia đình anh chủ yếu sống dựa vào cây sắn, cây ngô, vì vậy cuộc sống còn nhiều khó khăn. Sau này, khi xã triển khai thí điểm mô hình nuôi cá lồng, anh được cán bộ khuyến nông hướng dẫn chi tiết nên mạnh dạn đầu tư.

“Khởi đầu tôi nuôi 2 lồng cá, với thể tích 40 m³/lồng. Ngay vụ cá đầu tiên, vừa ăn, vừa bán cũng thu được 10 triệu đồng. Từ hiệu quả đó, gia đình đã làm thêm 2 lồng nữa để nuôi cá”, anh nói.

Theo anh Đoàn, nuôi cá lồng không khó, song trong quá trình nuôi cần theo dõi sát sự phát triển của cá trong từng ngày. Nếu cá bị bệnh sẽ được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Do tận dụng được diện tích mặt nước hồ lớn, nuôi cá lồng còn chăm sóc, thu hoạch thuận tiện hơn cá nuôi ao. Cùng với đó, nguồn thức ăn cho cá là phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như: Lá sắn, cỏ, lá chuối... dễ trồng, dễ kiếm, không phải đầu tư nhiều. Mỗi lồng cá sau 1 năm nuôi cho thu nhập từ 25-30 triệu đồng.

Theo ông Quàng Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã Liệp Tè, Toàn xã hiện có khoảng 800 lồng cá.

Tổng sản lượng nuôi, đánh bắt thủy sản năm 2019 trên địa bàn xã đạt 800 tấn, trong đó sản lượng cá nuôi đạt trên 60 tấn, với giá bán giao động từ 70.000 - 300.000 đồng/kg tùy loại.

“Để giúp người dân phát triển nghề nuôi cá lồng, xã đã tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận vay vốn từ Ngân hàng; xây dựng mô hình khuyến nông tái định cư; chuyển giao kỹ thuật, trang bị kiến thức nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cho người dân; gắn khai thác thủy sản với các quy ước bảo vệ nguồn nước, nguồn thủy sản”, ông cho biết.

Với những thành công có được từ nuôi cá lồng mang lại, người dân ở Liệp Tè mong muốn tiếp tục được các ngành chức năng quan tâm, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo.

Diệu Thúy
Ảnh: Vũ Lụa