Một trong những yêu cầu quan trọng để giảm nợ công là cần phải giảm được bội chi ngân sách. Tuy nhiên câu hỏi của Việt Nam là để giảm bội chi ngân sách, Chính phủ cần phải tăng thu hay giảm chi?

Khuyến nghị gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng Việt Nam cần phải cải thiện nguồn thu. Đúng là phải cải thiện nguồn thu, nhưng phải hiểu sao cho đúng với bối cảnh Việt Nam?

Tăng thu - cần làm gì?

Theo người viết, Việt Nam cần phải nỗ lực cải thiện nguồn thu trên cơ sở giảm động cơ che đậy nguồn thu ngân sách của chính quyền địa phương, tái cơ cấu các khoản thu đang thiếu bền vững, cải cách cơ sở của một số sắc thuế, đồng thời cũng phải nỗ lực chống gian lận thuế, thất thu thuế, chuyển giá, giảm quy mô của nền kinh tế ngầm...

{keywords}

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với khuyến nghị Việt Nam cần theo đuổi mục tiêu tăng tỷ lệ thu ngân sách so với GDP trong thời gian tới trong bối cảnh nguồn thu từ dầu thô và thu ngoại thương giảm sút.

Hình 1 cho thấy tỷ lệ thu ngân sách so với GDP của Việt Nam hiện nay là phù hợp với các nước cùng trình độ phát triển kinh tế trong khu vực, thậm chí phải nói chính xác hơn là đang ở nhóm cao hơn. Tỷ lệ thu ngân sách của Việt Nam chỉ thấp hơn một số nước, đặc biệt là Trung Quốc nhưng cao hơn nhiều so với Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc... Thực ra tỷ lệ thu ngân sách của Việt Nam đã từng ở mức cao nhất trong giai đoạn 2003-2010, so với các nước được so sánh ở đây. Từ năm 2010, tỷ lệ này của Việt Nam đã giảm đáng kể, trở lại mức trung bình trên của các nước.

Dựa trên thực trạng này, IMF (2016) đã đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần cải thiện nguồn thu nhằm lấy lại tỷ lệ thu ngân sách so với GDP như trước đây và phù hợp với một số nước trong khu vực.

Nghiên cứu của IMF (2016), chủ quan hoặc vô tình, chỉ so sánh tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia và nhóm ASEAN 4 nên đã không mô tả đúng bức tranh thu ngân sách của Việt Nam. Tuy nhiên, mặc dù giảm sút nhưng tỷ lệ thu ngân sách hiện tại của Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước được IMF lấy so sánh, trừ Trung Quốc.

Thực tế cho thấy giai đoạn trước 2008 thu ngân sách của Việt Nam quá cao chứ không phải đó là mức hợp lý để làm cơ sở khuyến nghị quay trở lại mức thu ngân sách của giai đoạn đó. Giai đoạn từ năm 2008 đến nay, mức thu tính trên GDP sụt giảm một phần là do nền kinh tế suy giảm tăng trưởng chứ không phải do mức ngân sách thu thấp.

Quan trọng hơn cả là nguồn thu từ dầu thô sụt giảm đã khiến cho tỷ lệ thu ngân sách của Việt Nam giảm sâu. Như vậy, để tăng tỷ lệ thu ngân sách, Việt Nam chỉ có thể tăng cường các khoản thu ngoài dầu thô. Nhưng tỷ lệ thu từ thuế ngoại thương cũng sụt giảm do các cam kết hội nhập quốc tế, nên Việt Nam chỉ có thể cải thiện ngân sách từ nguồn thu nội địa.

Điều này có nghĩa là gánh nặng ngân sách sẽ tiếp tục dồn lên khu vực sản xuất trong nước, trong khi với sức tăng trưởng kinh tế đang bị suy giảm như hiện nay, và quan trọng nữa là Chính phủ đang khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, Việt Nam đang cần một chính sách nới lỏng tài khóa (theo hướng giảm thu) chứ không phải thắt chặt. Nói tóm lại, không có lý do gì để Việt Nam phải nỗ lực quay lại thời kỳ trước.

Trong khi đó, xét về tỷ lệ chi ngân sách so với GDP, Việt Nam cũng thuộc nhóm cao nhất trong số các nước tương đồng trong khu vực. Điều đáng nói là cuối thập niên 1990, Việt Nam chỉ thuộc nhóm nước trung vị xét về tỷ lệ chi ngân sách nhưng hiện tại Việt Nam là nước dẫn đầu cùng với Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Indonesia... đều có tỷ lệ chi ngân sách so với GDP khá thấp.

Điều này cho thấy rằng có cơ sở thực tiễn để nói rằng tỷ lệ chi ngân sách hiện nay của Việt Nam đã ở mức tương đối cao so với nhiều nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng. Do đó không có cơ sở để Chính phủ tiếp tục gia tăng vị thế ngân sách nhà nước so với quy mô nền kinh tế trong giai đoạn cải cách hiện nay và sắp tới.

Liều kháng sinh mạnh cho căn bệnh nợ công

Đưa nợ công về giới hạn an toàn không phải là vấn đề “một sớm một chiều” nhưng cũng không phải là chuyện “để đến chiều tính”. Dưới đây là một số gợi ý chính sách được rút ra từ những nghiên cứu gần đây của chúng tôi:

{keywords}

Một trong ba phương án kiến trúc nhà ga sân bay Long Thành chuẩn bị đưa ra lấy ý kiến người dân. Đây là một trong những dự án sân bay có tác động lớn đến nợ công của Việt Nam. Ảnh TL

Thứ nhất, Chính phủ phải siết chặt lại kỷ cương, kỷ luật tài khóa một cách nghiêm minh. Các khoản chi ngân sách của bộ ngành và địa phương chỉ được cho phép trong giới hạn ngân sách đã dự toán. Mọi trường hợp chi vượt dự toán đều không được chấp nhận và người đứng đầu đơn vị được cấp dự toán ngân sách phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vượt chi.

Thứ hai, yêu cầu minh bạch ngân sách và trách nhiệm giải trình độc lập. Các đơn vị sử dụng dự toán ngân sách phải định kỳ công khai đầy đủ tình hình thu chi ngân sách của đơn vị mình trên trang thông tin điện tử để người dân có thể truy cập và giám sát.

Thứ ba, nguyên tắc để thu hẹp thâm hụt ngân sách là giữ kỷ luật chi ngân sách theo đúng dự toán, phần tăng thu, nếu có, sẽ dùng để giảm bội chi, tức giảm vay nợ chứ không phải vẫn giữ nguyên mức bội chi và vay nợ và tăng chi tiêu mới ngoài dự toán.

Thứ tư, quy định cụ thể mức trần bội chi ngân sách trong Luật Ngân sách Nhà nước. Có thể chấp nhận mức bội chi ngân sách động bình quân cho cả thời kỳ thay vì bội chi tĩnh cho từng năm như hiện nay.

Thứ năm, chuyển các khoản chi ngoài ngân sách vào trong ngân sách để đảm bảo có thể cân đối và kiểm soát được bội chi ngân sách, duy trì tính thống nhất trong quản lý ngân sách quốc gia. Kiểm soát chặt tình trạng đội vốn đầu tư trong các dự án đầu tư công, xem hành vi để đội vốn đầu tư dự án tựa như hành vi làm thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước.

Thứ sáu, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ bảo lãnh chính phủ, xóa bỏ tình trạng cho vay chỉ định nhằm phát huy vai trò giám sát của hệ thống tài chính. Người có thẩm quyền cấp bảo lãnh theo phân cấp phải chịu trách nhiệm đối với hiệu quả của các khoản nợ được bảo lãnh.

Thứ bảy, duy trì trạng thái cân bằng của cán cân ngân sách cơ bản, tiến đến thặng dư ở mức tối thiểu bằng với chi phí tài trợ nợ để đảm bảo nợ công không tăng thêm. Một khi tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, tỷ lệ nợ công so với GDP sẽ giảm xuống một cách bền vững.

Thứ tám, Chính phủ vẫn phải tiếp tục nỗ lực cải thiện nguồn thu ngân sách nhưng không phải bằng cách “tận thu”. Thay vào đó cần phải tìm cách chống thất thu cho ngân sách, chống nợ đọng thuế, gian lận thuế, chống chuyển giá, chống các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu và trốn thuế.

Thứ chín, khi nguồn thu ngân sách từ dầu thô và thuế ngoại thương sụt giảm, các khoản thu nội địa sẽ tăng lên là điều khó tránh khỏi. Một số khoản thuế có cơ sở thuế tiềm năng rất lớn cần phải cải cách như thuế bất động sản và thuế thu nhập dành cho người có thu nhập cao và người sở hữu nhiều tư bản (vừa đảm bảo nguồn thu, vừa đảm bảo tính công bằng dọc của thuế).

Thứ mười, đánh giá lại để có biện pháp kiểm soát bội chi ngân sách ở các địa phương. Tăng cường phân cấp ngân sách, đặt ra lộ trình để tiến đến tự chủ tài khóa cho các địa phương. Thay vì áp đặt, hãy yêu cầu các địa phương tự đưa ra cam kết về lộ trình tự chủ từng phần ngân sách của mình trong giai đoạn tới.

Thứ mười một, tỷ lệ phân chia ngân sách giữa trung ương với địa phương nên khác nhau theo từng sắc thuế thay vì sử dụng một tỷ lệ chung như hiện nay. Cần thay đổi cách thức trợ cấp ngân sách cho địa phương sao cho khuyến khích các địa phương càng tiết kiệm càng có lợi thay vì kiểu khuyến khích ngược như hiện nay.

Thứ mười hai, giảm tư duy nhiệm kỳ bằng cách tính toán lại thành quả cho từng nhiệm kỳ. Mỗi lãnh đạo mới phải cam kết giữ được kỷ luật tài khóa trong nhiệm kỳ của mình, phải chịu trách nhiệm duy trì được tối thiểu cân bằng ngân sách cơ bản bình quân cho cả nhiệm kỳ. Lấy kết quả cải thiện cán cân ngân sách cơ bản là tiêu chí đánh giá thành quả lãnh đạo chứ không phải chỉ một vế như hiện nay là thu ngân sách.

Nguyễn Xuân Thành - Đỗ Thiên Anh Tuấn/ TBKTSG