Bài viết trên National Interest nhận định, có một chân lý cũ rằng, khởi chiến thường dễ dàng hơn là chấm dứt. Tổng thống Donald Trump tự thấy mình đang trong tình trạng rất gay go. Lời thề nâng thuế với 300 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc của ông Trump đã làm sự đối địch với Bắc Kinh tăng cao hơn. Trung Quốc đã trả đũa bằng cách cho phép giá trị Nhân dân tệ sụt giảm và yêu cầu người mua của nước này huỷ nhập khẩu các sản phẩm nông sản Mỹ. Bắc Kinh cũng đe doạ áp thêm thuế với loại hàng này. Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố Trung Quốc thao túng tiền tệ.
Vậy, những điều này liệu có thể giúp nước Mỹ trở nên vĩ đại một lần nữa?
Ông Trump nói có thể thổi bay 'đại trường thành kháng cự' của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu Mỹ. Tuy nhiên, thay vì thiết lập một sự thống trị ngày càng tăng, ông Trump lại đang tự gây ra các vết thương kinh tế, vốn đã được chứng minh là rất khó lành.
Sự dựa dẫm vào thuế của Tổng thống Mỹ đương nhiệm có thể gây hại cho nền kinh tế nước này. Thực vậy, ông Trump đã thúc đẩy một cách mù quáng nguy cơ biến Trung Quốc từ một đối thủ chiến lược thành một kẻ thù công khai.
Tuy nhiên, nhiều thập niên sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nước Mỹ không cần một cuộc chiến tranh lạnh mới. Xung đột kinh tế, chứ chưa nói tới quân sự, với Trung Quốc là đối chọi với lợi ích quốc gia thực sự của nước Mỹ.
Mỹ từng trải qua bối cảnh tương tự. Những mối nguy của mầm độc chủ nghĩa dân tộc và thuế đã tạo ra bài học then chốt của những năm 1930 và không cần thiết phải kể lại. Sau vụ sụp đổ vào tháng 10/1929, chu kỳ tăng thuế - đặc biệt là Đạo luật thuế Smooth-Hawley năm 1930, vốn được cho là hỗ trợ nông dân Mỹ, đã góp phần vào những thiệt hại ban đầu. Không lâu sau, một loạt chính sách làm hại láng giềng được ban hành, mà đặc trưng của chính sách này là các kế hoạch phá giá tiền trên toàn thế giới.
Theo National Interest, ông Trump đang làm mọi việc tốt hơn những người tiền nhiệm. Sáng kiến áp thuế của ông được đưa ra vào thời điểm kinh tế Mỹ đang phồn vinh. Dường như các hành động của Tổng thống Mỹ Donald Trump không có chiến lược nào ngoài niềm tin rằng ông có thể buộc các đồng minh và đối thủ của Mỹ phải quy phục bằng cách đánh thuế họ.
Nhà lãnh đạo này dường như đã vứt bỏ ý niệm rằng ông cần tham khảo ý kiến một cố vấn nào đó, ngoại trừ Peter Navarro – môn đồ của học thuyết kinh tế trọng thương và là tác giả của cuốn "Chết bởi Trung Quốc: Đối đầu với Rồng – Lời kêu gọi toàn cầu hành động". Ông Navarro coi thương mại với Trung Quốc là trò chơi tổng không đổi.
Ý tưởng sinh động trên dường như đã tiếp sức cho cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump rằng Mỹ có thể hành động mà không bị trừng phạt trên toàn thế giới. Tuy nhiên, kết quả không như dự tính. Ông Trump không thuyết phục được Quốc hội Mỹ phê chuẩn thoả thuận thương mại mới với Canada và Mexico. Nhà lãnh đạo này tiếp đó lại đưa ra những cảnh báo về thương mại với Nhật và châu Âu.
Trên tất cả, ông Trump đang rơi vào vũng bùn đối đầu với Trung Quốc và Bắc Kinh đang sung sướng chứng kiến Tổng thống Mỹ tự gây ra hàng loạt tổn hại cho nền kinh tế nước này. Với các chính sách “đồng bóng” của Mỹ, Bắc Kinh có thể quyết định chuyển việc nhập khẩu nông sản vĩnh viễn sang các quốc gia khác, gồm cả Nga – nơi mà Bắc Kinh đã tăng lượng mua đậu nành và lúa mỳ.
Ông Trump phát động một cuộc chiến mà Trung Quốc chưa sẵn sàng hứng chịu, nhưng nhà lãnh đạo này đã đánh giá thấp lòng tự hào dân tộc của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ khó có khả năng cúi đầu trước Mỹ.
Trang xã luận của báo Wall Street Journal viết, chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump đã cắt giảm một điểm phần trăm khỏi tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ. Ông Trump đổ lỗi cho Cục Dự trữ Liên bang, song tại đây, ông bắt đầu hứng chịu tác dụng ngược.
Trong một tuyên bố chung trên tờ WSJ, cựu lãnh đạo cơ quan dự trữ liên bang Mỹ Paul Volcker, Alan Greenspan, Ben Bernanke và Janet Yellen đồng thanh nói: “Chúng tôi đều tin rằng Cục dự trữ Liên bang và lãnh đạo của nó phải hành động độc lập và vì lợi ích tối đa của nền kinh tế, giải phóng các sức ép chính trị ngắn hạn và đặc biệt không ngại những đe doạ cách chức vì các lý do chính trị”.
Trong khi đó, ông Trump vẫn tiếp tục vờ rằng Trung Quốc chứ không phải Mỹ phải trả giá cho các chính sách thuế của ông.
Hoài Linh