Theo tạp chí The Diplomat, hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc về các vấn đề biến đổi khí hậu được nhiều người coi là một trong số ít lĩnh vực mà hai nước có những lợi ích chung, trong bối cảnh cạnh tranh song phương diễn ra gay gắt và quan hệ ngoại giao tiếp tục lạnh nhạt. Do vậy, có nhiều kỳ vọng hai cường quốc thế giới sẽ hợp tác trong lĩnh vực này. Một số ý kiến thậm chí cho rằng hợp tác về khí hậu có thể ví như phiên bản hiện đại của "ngoại giao bóng bàn" giữa đôi bên, đóng vai trò như điểm khởi đầu để khơi thông những bế tắc hiện tại.

The Diplomat đăng tải bài viết phân tích triển vọng hợp tác Mỹ - Trung về biến đổi khí hậu từ góc nhìn của các chính phủ và doanh nghiệp.  

{keywords}
Ảnh: AP

Từ góc độ chính trị

Từ góc độ chính phủ hoặc chính trị, Trung Quốc và Mỹ khó có thể hợp tác giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu một cách suôn sẻ và đạt đến những kết quả đáng kể. 

Thứ nhất, đối với Mỹ, việc thực hiện chính sách mới thân thiện môi trường và chống biến đổi khí hậu chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Trong một môi trường mà nền kinh tế  Mỹ vẫn trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp biến động thất thường, xã hội có xu hướng phân cực, và vai trò lãnh đạo toàn cầu bị tổn hại, ông Biden đã tìm đến chiến lược phát triển xanh và một sự chuyển đổi năng lượng sạch, nhằm tạo được công ăn việc làm, kích thích nền kinh tế, tái định hình năng lực cạnh tranh kinh tế và xã hội của Mỹ, thực hiện sự bình đẳng của các nhóm dân tộc trong nước, duy trì hệ thống dân chủ và phục hồi vai trò lãnh đạo quốc tế.

Phát triển xanh là sự đồng thuận lớn nhất mà Tổng thống Biden có thể tìm thấy trong một xã hội Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc, mặc dù sự đồng thuận đó chỉ tồn tại như một đa số mong manh. Phát triển xanh là một phương tiện để đạt mục tiêu, và không được coi là một ưu tiên cao hơn so với những mục tiêu đó.

Nếu ông Biden sẵn sàng hợp tác chân thành và sâu sắc với Trung Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu, ông không thể từ chối hoạt động nhập khẩu quy mô lớn các thiết bị và linh kiện liên quan từ Trung Quốc của các doanh nghiệp năng lượng tại Mỹ. Để có quá trình chuyển đổi xanh nhanh nhất, Mỹ sẽ cần thiết bị và dịch vụ do Trung Quốc sản xuất dựa trên công nghệ pin tiên tiến của chính họ, công nghệ sản xuất khoáng sản, dịch vụ điện toán ranh giới, công nghệ truyền thông 5G cùng nhiều lợi thế khác, cũng như các chuỗi cung ứng liên quan ở Trung Quốc.

Một khi được chấp nhận, các biện pháp kích thích do Thỏa thuận Xanh Mới của ông Biden tạo ra sẽ trở thành cú huých đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và rốt cuộc sẽ kích thích sự phát triển của các ngành liên quan ở Trung Quốc. Điều đó đi ngược lại ý định của Washington nhằm phục hồi lợi thế kinh tế và tạo thêm việc làm trong nước. Nó cũng không có lợi cho nỗ lực cải thiện vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Vì vậy, ông Biden chú trọng đến "tính chất Mỹ" của Thỏa thuận Xanh Mới và thúc đẩy ý tưởng sản xuất ngay trên đất Mỹ và "Mua hàng của Mỹ".

Mặc dù chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục phát đi tín hiệu rằng Mỹ và Trung Quốc có thể, nên, và thậm chí phải hợp tác với nhau trong việc đối phó với biến đổi khí hậu, đó chỉ là những lời cửa miệng. Ông không nới lỏng các hạn chế đã áp đặt lên xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ năng lượng mới then chốt, công nghệ tiết kiệm năng lượng và thiết bị tiên tiến.  

Thay vào đó, chính quyền Biden sử dụng nhiều lý do để trừng phạt các doanh nghiệp xanh ở Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp thiết bị quang điện có năng lực cạnh tranh công nghiệp toàn cầu, đồng thời phối hợp với châu Âu và Nhật Bản để hỗ trợ nội địa hóa - và sự thoái vốn khỏi Trung Quốc - của các ngành liên quan nhân danh tăng cường an ninh chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, ở phía Trung Quốc, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu được thể hiện như một mục tiêu phát triển xanh của hệ thống kinh tế và xã hội, và phát triển xanh chỉ là một trong 5 khái niệm phát triển chủ chốt - đó là "đổi mới, phối hợp, xanh, mở cửa và chia sẻ" - trong kỷ nguyên mới do chính quyền trung ương nước này thiết lập vào năm 2015.

Rõ ràng là giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, trong mọi trường hợp, là mục tiêu thứ yếu trong các chủ đề chính sách của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là có những ưu tiên khác, lớn hơn, sẽ được đặt lên trên vấn đề biến đổi khí hậu.

Nhìn lại thập niên vừa qua, có thể thấy những ưu tiên này là duy trì và củng cố an ninh chính trị, chống tham nhũng, xây dựng hệ thống quản trị quốc gia mang những đặc điểm của Trung Quốc, đảm bảo nền kinh tế được kiểm soát và phát triển với chất lượng cao hơn... Tuyên bố ngắn gọn nhất về các ưu tiên kinh tế gần đây là "sáu đảm bảo" được đề xuất vào tháng 4/2020: đảm bảo an ninh về tỷ lệ việc làm, nhu cầu sống cơ bản, hoạt động của các thực thể thị trường, an ninh lương thực và năng lượng, chuỗi công nghiệp và cung ứng, và hoạt động của các cấp chính quyền. Những mục tiêu này đều không liên quan trực tiếp đến phát triển xanh, chưa nói đến biến đổi khí hậu.

Trung Quốc đã công bố các mục tiêu đạt được mức phát thải carbon cao nhất và trung hòa carbon, đồng thời thực hiện nhiều kế hoạch nối tiếp nhau. Tuy vậy, mức độ carbon cao nhất và trung lập về cơ bản mới chỉ là hành động được thúc đẩy bởi quyết tâm của các quan chức chứ chưa nhận được sự ủng hộ hiệu quả từ dân chúng. Có rất ít hiểu biết đầy đủ về nó. Ở một mức độ nào đó, điều này cũng có thể giải thích tại sao hiện tượng "giảm carbon theo kiểu chiến dịch" lại hiện diện ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc thậm chí chưa bao giờ phân tích tính cấp thiết của việc đối phó biến đổi khí hậu một cách cẩn thận và có hệ thống, như chính quyền Biden đã làm ở Mỹ.

Hợp tác quốc tế là sự tương tác hai chiều. Hợp tác theo chiều sâu và bền vững cần và phải dựa trên tiền đề cả hai bên đều được lợi nhiều hơn thiệt.

Theo phân tích ngắn gọn về các mục tiêu và biện pháp của Trung Quốc và Mỹ trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta có thể thấy hai nước có sự khác biệt lớn trong nhận thức về vấn đề này. Những khác biệt đó không liên quan đến các mục tiêu kiểm soát nhiệt độ toàn cầu và sự phối hợp chính sách của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết biến đổi khí hậu, mà liên quan chặt chẽ đến các ưu tiên chính sách và chính trường ở mỗi nước.

Biến đổi khí hậu toàn cầu là một vấn đề chung, đòi hỏi toàn thế giới phải hành động tập thể và phối hợp. Đáng tiếc là lợi ích công cộng quốc tế này không có khả năng chi phối các nhu cầu chính trị ở Trung Quốc và Mỹ. Nói cách khác, nếu hai nước không đạt được sự đồng thuận hợp tác về các vấn đề lớn hơn như cạnh tranh cường quốc, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, trật tự thế giới… thì kể cả có nhiều cơ hội hợp tác trong đối phó biến đổi khí hậu, hai nước có thể vẫn sẽ bỏ qua chúng.

Hiện tại, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đang trở thành một đấu trường quốc tế, trong đó Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh nhau về sức mạnh ngôn từ và tầm ảnh hưởng hàng đầu của phát triển xanh. Cả hai bên đang đề xuất các mục tiêu và cách tiếp cận khác nhau, đồng thời tìm cách đạt được sự đồng thuận với các nước khác. Tuy nhiên, họ có rất ít hành động cụ thể.

Từ góc độ kinh tế

Từ góc độ doanh nghiệp, kinh tế và thương mại, sự hợp tác Mỹ - Trung trong giải quyết biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách thực sự và có tính lâu dài. Nó cũng phù hợp với logic cơ bản của một nền kinh tế mở. Ở cấp độ này, sự hợp tác có một tương lai đầy hứa hẹn.

Chính quyền Biden dự định tăng cường lắp đặt quang điện trên quy mô lớn, quảng bá xe điện một cách toàn diện và bổ sung thêm 500.000 cọc sạc nhằm tạo ra nhu cầu công nghiệp khổng lồ.

Trong khi đó, Trung Quốc có nhiều lợi thế công nghiệp trong sản xuất mô-đun quang điện, khai thác và nung chảy đất hiếm, sản xuất thiết bị năng lượng gió quy mô lớn, hệ thống mạng xe hơi thông minh, mô-đun pin tiên tiến của xe điện…

Tách khỏi Trung Quốc sẽ không chỉ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu xanh của chính quyền Tổng thống Biden, mà còn lãng phí các nguồn lực toàn cầu và làm tăng chi phí. Thiết lập các ngành công nghiệp mới từ vạch xuất phát sẽ không những không có lợi cho phát triển xanh mà còn làm tăng lượng tiêu thụ tài nguyên và phát thải carbon. Đó là lý do tại sao hai nước cần hợp tác với nhau trong các lĩnh vực thích hợp. 

Vì vậy, nếu không bị cản trở về hành chính, các doanh nghiệp hai bên có đủ lý do để trao đổi với nhau, cùng đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển xanh. Theo nghĩa đó, Trung Quốc và Mỹ có không gian hợp tác vô hạn trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh của thế giới.

Thanh Hảo

Mỹ khẳng định vẫn theo chính sách 'một Trung Quốc'

Mỹ khẳng định vẫn theo chính sách 'một Trung Quốc'

Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố Mỹ không thay đổi chính sách 'một Trung Quốc' của nước này trong quan hệ với đảo Đài Loan.