Đến nay, cả Washington và Tehran đều muốn tránh chiến tranh, nhưng trong một môi trường nguy hiểm như vậy thì nguy cơ tính toán sai là rất cao.

{keywords}
Ảnh: Reuters

Dù kết quả những đối đầu hiện nay là thế nào thì Iran nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì ảnh hưởng của mình trên khắp vành đai phía bắc Trung Đông, học giả Kamran Bokhari thuộc Quỹ Ảrập, Giám đốc sáng lập Trung tâm chính sách toàn cầu, viết trong một bài đăng trên tạp chí National Interest.

Theo ông Bokhari, sự nổi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là hậu quả nghiêm trọng khôn lường từ cuộc chiến của Mỹ tại Iraq. Tuy nhiên, một hệ lụy quan trọng hơn là hành động năm 2003 nhằm thay đổi chế độ ở Baghdad đã đóng vai trò như một tác nhân kích hoạt nỗ lực của Iran nổi lên như một cường quốc khu vực. 

Thực trạng hiện nay giữa Mỹ và Iran có liên quan đến thực tế là Mỹ không thể cho phép Iran gia tăng lợi ích từ sự suy yếu của IS. Chiến lược của Iran chủ yếu dựa vào hành động ủy nhiệm thông qua các nhóm dân quân Shiite và không chỉ từ sườn phía tây mở rộng tới Địa Trung Hải mà còn cả trên bán đảo Ảrập.

Hiện nay nhiều người đang chú ý đến một chiến dịch tấn công ngày càng quyết liệt của phiến quân Houthi thân Iran ở Yemen vào lãnh thổ Ảrập Xêút. Ít người nhắc tới phần đàm phán vốn quan trọng hơn nhiều trong chiến lược của Tehran.

Các cuộc đàm phán bình đẳng thường tích cực và chắc chắn sẽ đẩy lui chiến tranh. Trong trường hợp này, nó không đơn giản như vậy, vì Tehran đang tìm cách củng cố những lợi ích mà các nhóm dân quân ủy nhiệm của họ mang lại thông qua tiến trình đàm phán.

Những nhóm dân quân này – như đã thấy ở Lebanon và Iraq – phát triển thành các phong trào chính trị và bám chặt vào chính trị chính thống. Và nhờ vậy, Iran trở thành một nhân tố có ảnh hưởng lớn đến những quốc gia đó. Đây là cách Tehran có thể tăng cường dấu ấn chính trị của mình ở thế giới Ảrập.

Do vậy, một cuộc chiến nữa trong khu vực sẽ càng phát huy lợi thế của Iran do sự liên kết yếu ớt của các nước Ảrập. Các nỗ lực ngăn Iran có những hành động thù địch sẽ tiếp tục và bất cứ một thỏa thuận nào mà chính quyền Trump có thể đạt được qua đàm phán đều cần mang tính chiến lược.

Về ngắn hạn, mục tiêu là phải ngăn Iran có được một vai trò thường trực trong các vấn đề của thế giới Ảrập. Nhưng về dài hạn, các bước tiến của Iran không thể bị đẩy lùi nếu không chỉnh sửa sự đứt gãy trong kết cấu của thế giới Ảrập Sunni.

Thanh Hảo