Kể từ khi chiếc máy bay số hiệu MH370 của Malaysia Airlines mất tích bí ẩn cùng 239 người trên khoang cách đây 2 năm, nhiều người thường xuyên đặt câu hỏi liệu một vụ tương tự có tái diễn?


Theo CNN, với các máy bay hiện đại có thể bay xa hơn và lâu hơn, câu hỏi trên càng trở nên có lý. Chẳng hạn, hãng hàng không Vùng Vịnh Emirates vừa mở một chuyến bay thẳng từ Dubai tới Auckland - vượt qua đại dương cách xa 17 giờ.

{keywords}
Mọi nỗ lực tìm kiếm MH370 đến nay vẫn chưa có kết quả. (Ảnh: AP)

MH370 mất tích khi mới hành trình được khoảng 40 phút từ thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia tới Bắc Kinh, Trung Quốc. Không ai rõ điều gì đã xảy ra. Không người nào có câu trả lời chính xác. Các nhà điều tra vẫn chưa tìm thấy xác máy bay. Thực tế đó càng khiến người thân các nạn nhân thêm đau đớn.

Những gì gây ngạc nhiên và sửng sốt, thậm chí với cả một số người trong nghề, là hóa ra các máy bay không được theo dấu thời gian thực. Khi một máy bay vượt qua đại dương thì cứ mỗi 30 phút, phi công mới liên lạc với kiểm soát không lực một lần.

Ngành hàng không tuyên bố một thảm kịch tương tự MH370 sẽ không thể nào xảy ra nữa. Cách tốt nhất để đảm bảo là luôn biết rõ máy bay đang ở vị trí nào.

Vậy công nghệ và các thủ tục của ngành hàng không đã thay đổi như thế nào trong 2 năm qua?

Khi công luận ngày càng quan tâm và lo lắng về MH370, ngành hàng không nhất trí yêu cầu các máy bay cứ 15 phút phải báo cáo vị trí một lần, và mỗi phút một lần nếu bất ngờ thay đổi độ cao và lộ trình, hoặc gặp nguy hiểm. Quy định này giúp định vị một máy bay dễ dàng nếu gặp tai nạn ở vùng hẻo lánh. Nhưng 15 phút một lần báo cáo vẫn là khoảng thời gian quá lâu với một máy bay có tốc độ 800km/h. Thậm chí nếu tai nạn xảy ra cách báo cáo cuối cùng 1 phút thì khu vực tìm kiếm cũng rất mênh mông.

Ngày nay, hầu hết các hãng hàng không lớn đều có liên lạc vệ tinh và thiết bị báo cáo vị trí thường xuyên hơn so với yêu cầu 15 phút/lần.

Có một giải pháp khác nữa: Tự động lấy dữ liệu từ hộp đen máy bay trong trường hợp khẩn cấp. Kỹ thuật này sẽ đặt dấu chấm hết cho việc phải tìm kiếm hộp đen trước khi pin cạn. Hiện nay đã có công nghệ này nhưng các hãng hàng không thích nghi rất chậm. Phải có một cú huých lớn để đảm bảo mọi biện pháp được sử dụng nhằm lấy được càng nhiều thông tin càng tốt.

Có ý kiến rằng hệ thống nhận và phát tín hiệu - cho biết nơi và chi tiết của một máy bay - đã bị các phi công MH370 hoặc không tặc tắt đi. Tất cả các thiết bị đều trở thành vô dụng nếu bị ai đó tắt đi, vì vậy mục tiêu là phải đảm bảo bất kỳ hệ thống dò tìm nào đều an toàn trước những hành động bất chính.

Điều đó vẫn đang gây tranh cãi, bởi vì tạo ra các hệ thống mà các phi công không thể kiểm soát thì sẽ khiến họ lo lắng.

Vậy một thảm họa tương tự MH370 có xảy ra lần nữa? Không chắc có một vụ giống y như vậy nhưng vẫn hiện diện nguy cơ một máy bay biến mất. Có thể mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, để tìm ra xác máy bay nếu nó đã di chuyển được gần 1/4 giờ đồng hồ.

Đối với một ngành luôn tự hào có công nghệ tinh vi và thành tích an toàn kỷ lục so với bất kỳ loại hình vận tải nào, thì vụ MH370 là một vết đen khó tẩy. Vô số bài học đã được rút ra, nhưng sự thay đổi vẫn rất chậm chạp.

Mọi người đều nhất trí rằng sẽ không thể để xảy ra một vụ tương tự MH370 nữa. Nhưng ngành hàng không sẽ phải chứng minh họ đã thực hiện mọi thay đổi cần thiết để đảm bảo lịch sử không lặp lại.

Thanh Hảo

Ký ức ghê người của nạn nhân bắt cóc, cưỡng bức

Đến tận bây giờ, những sự việc đã trải qua sau đó vẫn là một cơn ác mộng với cô. 

Bình luận sốc của Bộ trưởng Đức về Donald Trump

Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel vừa gọi ứng viên Tổng thống đang nổi như cồn của Đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump là một mối đe dọa đối với hòa bình và thịnh vượng.

Mỹ-Hàn tập trận chống Triều Tiên lớn chưa từng có

Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu các cuộc tập trận chung thường niên lớn nhất trong lịch sử vào hôm 7/3