Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không chỉ muốn một hiệp ước hòa bình chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, tham vọng của ông còn lớn hơn thế.
Tham vọng kinh tế kiểu EU
Trong một bài phát biểu tuần trước, Tổng thống Moon đặt ra tầm nhìn kinh tế đầy tham vọng, không chỉ trên Bán đảo Triều Tiên mà còn mở rộng ra khu vực xung quanh, tương tự như cách mà Cộng đồng Thép và Than đá châu Âu đã “khai sinh” ra Liên minh châu Âu.
Một kế hoạch như vậy sẽ thay đổi và kết nối mạnh mẽ hai nền kinh tế trên Bán đảo Triều Tiên, tạo cho Hàn Quốc một sự kết nối trên mặt đất với toàn bộ lục địa châu Á, và tiềm năng kết nối về cơ sở hạ tầng và thương mại có lợi ích cực kỳ lớn.
Mong muốn của Hàn Quốc về việc thúc đẩy kết nối kinh tế xuất phát từ lập trường của ông Moon Jae-in rằng làm như vậy sẽ không chỉ có lợi cho Triều Tiên mà còn cả chính Hàn Quốc. Trong bài phát biểu hồi cuối tuần trước, ông Moon Jae-in trích dẫn một nghiên cứu cho rằng sự hợp tác kinh tế liên Triều có thể trị giá lên tới 150 tỷ USD trong 30 năm tới.
Dự án quan trọng nhất chính là mạng lưới đường sắt, giúp chấm dứt sự cô lập về địa lý của Hàn Quốc, kết nối nước này tới Trung Quốc và toàn bộ lục địa châu Á. “Tôi đề xuất việc thành lập cộng đồng đường sắt Đông Á. Dự án này sẽ kết nối Hàn Quốc tới phần phía Bắc của lục địa châu Á và trở thành huyết mạch chính cho sự thịnh vượng ở Đông Bắc Á”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 4/2018 |
Cần một hiệp ước hòa bình
Tuy nhiên, kế hoạch đầy tham vọng của ông Moon Jae-in cần ít nhất là dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Trong khi đó, các cuộc đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng đang bị đình trệ khi mà Mỹ muốn Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước khi dỡ bỏ bất cứ biện pháp trừng phạt nào.
Truyền thông Triều Tiên ngày 23/8 đã lên tiếng kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước này và sớm ký tuyên bố chấm dứt chiến tranh.
Meari, một trang web tuyên truyền của Triều Tiên nói rằng, sự bế tắc trong quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ là do các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Bình Nhưỡng. “Bất chấp những lời cam kết từ các nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc với Triều Tiên về việc chấm dứt thù địch, các mối quan hệ song phương sẽ không bao giờ được cải thiện nếu Mỹ vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng mà Hàn Quốc cũng thực hiện theo. Các biện pháp trừng phạt và cải thiện quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc không bao giờ có thể tồn tại cùng nhau”.
Phía Triều Tiên cũng kêu gọi sớm tuyên bố chấm dứt chiến tranh, bởi điều này sẽ đặt nền tảng cho các mối quan hệ song phương mới giữa Triều Tiên với Hàn Quốc cũng như giữa Triều Tiên với Mỹ. Bên cạnh đó, tuyên bố chấm dứt chiến tranh là bước đi đầu tiên hướng tới hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như thế giới.
Hàn Quốc và Triều Tiên mới là nhân vật chính
Về mặt kỹ thuật, chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 mới chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chấm dứt các cuộc giao tranh chứ chưa đi đến một hiệp ước hòa bình mang tính ràng buộc.
Cả 2 miền Triều Tiên đã bày tỏ rõ ràng mong muốn về một hiệp ước hòa bình. Điều này được nhất trí trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi tháng 4/2018.
Trong cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên hồi tháng 6/2018 tại Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng thống nhất sẽ hướng tới việc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, những bế tắc trong đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên liên quan đến phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ trừng phạt đang cản trở tiến trình này.
Trái với những lời ca ngợi trước đây dành cho Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc đưa Triều Tiên vào bàn đàm phán, lần này Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh “tầm quan trọng của Hàn Quốc và Triều Tiên như những nhân vật chính trong các vấn đề liên quan tới Bán đảo Triều Tiên”.
“Những diễn biến trong quan hệ liên Triều không phải là nhờ tiến triển trong quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ. Mặt khác, sự cải thiện trong quan hệ liên Triều là yếu tố quan trọng thúc đẩy phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”.
Một hiệp ước hòa bình không có Mỹ?
Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Moon Jae-in có thể làm cầu nối, cứu vãn các cuộc đối thoại đang bế tắc giữa Mỹ và Triều Tiên, tương tự như những gì ông đã làm với cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore (tháng 6/2018) sau khi ông Trump từng tuyên bố hủy cuộc gặp này hồi tháng 5.
Dù không nói đến một hiệp ước hòa bình song phương với Triều Tiên, nhưng Moon Jae-in có thể mất kiên nhẫn nếu Mỹ chần chừ về việc đạt được một sự thỏa hiệp với Bình Nhưỡng. Bởi nếu có sự bế tắc trong việc dàn xếp các vấn đề giữa Mỹ và Triều Tiên, nó sẽ làm trì hoãn đáng kể kế hoạch kết nối kinh tế đầy tham vọng của ông Moon Jae-in.
Adena Peckler, nhà nghiên cứu các vấn đề Triều Tiên tại Đại học Columbia (Mỹ) cho rằng, một hiệp ước hòa bình song phương giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ khiến Mỹ ở vào thế khó xử. “Mỹ khi đó có thể sẽ không công nhận một hiệp ước hòa bình song phương giữa Hàn Quốc và Triều Tiên hoặc sẽ ngăn Hàn Quốc ký tuyên bố này”.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Peckler, nếu ngăn cản một hiệp ước hòa bình như vậy, Mỹ sẽ bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ và Triều Tiên sẽ lại giành được sự ủng hộ khi mà thỏa thuận hòa bình được quốc tế công nhận, ngoại trừ Mỹ.
Theo VOV
Ông Trump nêu điều kiện bỏ cấm vận Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố, ông muốn gỡ bỏ các lệnh cấm vận chống Triều Tiên, nhưng chỉ khi Bình Nhưỡng đáp ứng điều kiện của Washington.
Tuyên bố quan trọng về Triều Tiên của Liên Hợp Quốc
Cơ quan giám sát hạt nhân Liên Hợp Quốc cho biết, không tìm thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên đã ngừng các hoạt động hạt nhân.
Thanh niên Triều Tiên chỉnh tề leo núi thiêng
Phóng viên của hãng thông tấn AP đã chụp lại hình ảnh những quân nhân và công nhân Triều Tiên ăn mặc chỉnh tề leo lên ngọn núi thiêng Paektu.
Giây phút đoàn tụ rưng rưng trên bán đảo Triều Tiên
Vừa khóc vừa mừng, hàng chục ông bà lão từ Triều Tiên và Hàn Quốc hôm 20/8 đã gặp lại nhau sau khi bị chia cắt gần 70 năm trước đây.