Những ngày qua, câu chuyện về một phóng viên truyền hình Việt Nam bị fan anime chửi nhầm gây ầm ĩ trên mạng. Câu chuyện xuất phát từ một bài báo có nhan đề Lo ngại phim hoạt hình “bẩn” đầu độc trẻ thơ , của tác giả Ngọc Mai trên báo Văn hóa Pháp luật. Tuy nhiên, ngay sau khi đọc bài báo, các fan anime đã đùng đùng nổi giận.

Họ chia sẻ cho nhau bài viết, và chia sẻ luôn facebook cá nhân của tác giả bài viết để tất cả mọi người vào “ném đá”. Điều đáng nói là có lẽ vì quá nóng vội. họ đã chia sẻ sai thông tin cá nhân của tác giả. Thay vì tác giả Ngọc Mai, của báo Văn hóa Pháp luật, họ lại share thông tin của một nữ phóng viên khác có tên gần giống là Mai Ngọc, MC thời tiết của Đài truyền hình Việt Nam.

Hậu quả là nữ MC bị ném đá tơi bời bằng những lời lẽ mạt sát và thô thiển nhất. Tất nhiên, mọi việc cũng sớm được sáng tỏ. Tuy vậy, sự việc xảy ra cũng làm nữ MC sốc nặng. Với một người nổi tiếng như cô, tai họa này phần nào ảnh hưởng lớn đến hình ảnh bấy lâu nay cô xây dựng.

Sự việc vừa nêu trên một lần nữa khiến cộng đồng nói chung lại chú ý đến fan của anime/manga, những người bấy lâu nay thường được xã hội gán cho các từ không mấy tích cực như “cuồng”, “khác người”, “otaku” (theo nghĩa kiểu người kì quái, say mê quá mức đối với anime, manga)… Nói chung mọi người thường dành cho các fan của anime/manga một cái nhìn không mấy tích cực, thiếu thiện cảm.

Thực tế, sự quy kết này có phần phiếm diện, nhưng có lẽ một phần cũng xuất phát từ một bộ phận fan anime cực đoan. Hãy xét bài báo vừa gây ồn ào trên đây là ví dụ cụ thể cho nhận định này.

Mổ xẻ vấn đề của bài báo “Lo ngại phim hoạt hình “bẩn” đầu độc trẻ thơ”

Trong bài báo này, tác giả Ngọc Mai muốn phản ánh vấn đề: Nhiều anime chiếu trong khung giờ vàng dành cho thiếu nhi có quá nhiều hình ảnh hở hang, những chi tiết bựa bẩn, thậm chí dung tục. Để chứng minh nhận định này, tác giả lấy 3 phim hiện đang chiếu trên HTV làm bằng chứng. Đó là phim Fairy Tail, Đảo hải tặc, và Shin – Cậu bé bút chì.

Đối với Fairy Tail và Đảo hải tặc, tác giả cho rằng trong phim có quá nhiều cảnh hở hang, gợi tình. Thậm chí nhiều cảnh phim còn “zoom” cận cảnh vào bộ ngực nở nang của nhân vật nữ đang cúi xuống. Hầu hết các nhân vật nữ của hai anime này đều được tạo hình một cách rất sexy, khoe da thịt hết cỡ. Phần ngực dường như chỉ chực “đổ ập ra khỏi mảnh áo bikini nhỏ bé”, và Những hình ảnh mát mẻ quá mức này khiến “người lớn cũng phải… đỏ mặt”.

Bài báo đang làm “rung chuyển” cộng động fan anime

Không chỉ vậy cả hai phim đang được phát sóng trên giờ vàng này đều có rất nhiều cảnh bạo lực, không phù hợp với trẻ em. Tác giả cho rằng 3/4 bộ phim đều là những cảnh chiến đấu phép thuật, đánh nhau bằng vũ khí, và những cảnh lửa thiêu, đâm chém, chết chóc…

Trường hợp của Shin – Cậu bé bút chì, thì cậu bé Shin, nhân vật chính, được xây dựng quá mức tinh ranh, quan tâm đặc biệt đến các vấn đề khá nhạy cảm của người lớn, khiến nội dung truyện đôi khi có những chi tiết dung tục.

Kết luận, tác giả Ngọc Mai cho rằng, những bộ phim như thế này không nên được phát vào khung giờ vàng, đó là khung giờ mà mọi trẻm em ở mọi lứa tuổi đều có thể xem. Vì có những chi tiết và hình ảnh không phù hợp, trẻ em thường xuyên xem những bộ phim này sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

Bài báo có đáng bị “ném đá”?

Trước hết, với vai trò định hướng lối sống tốt đẹp cho xã hội, phóng viên và tòa soạn báo có thể phản ánh bất kỳ vấn đề nào nếu cảm thấy và chứng minh được nó ảnh hưởng đến sự lành mạnh chung của một bộ phận hay toàn xã hội. Vấn đề tác giả Ngọc Mai nêu ra không sai. Thậm chí đây không phải là tác giả đầu tiên đề cập đến vấn đề anime nhạy cảm chiếu trên truyền hình. Hàng nhiều năm nay, đây là một trong những vấn đề văn hóa được truyền thông và xã hội rất quan tâm.

Những dẫn chứng mà Ngọc Mai nêu ra cũng không sai một chút nào nếu nhìn nhận một cách khách quan. Đừng nói ở Việt Nam, mà cả ở Nhật Bản, không phải đối tượng nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận với các hình ảnh hở hang, mát mẻ, gợi tình.

Sở dĩ anime luôn được đón nhận ở Nhật Bản và không bao giờ bị gán cho các từ tiêu cực như đồi trụy, dâm ô, đầu độc tâm hồn… là bởi vì anime/manga ở quốc gia này được phân chia theo lứa tuổi hết sức rõ ràng. Nhi đồng có thể loại anime/manga riêng của nhi đồng, thiếu nhi có thể loại anime/manga riêng dành cho lứa tuổi thiếu nhi, tương tự như vậy đối với các lứa tuổi thiếu niên, thanh niên, người trưởng thành, người già…

Sự phân chia ranh giới rõ ràng như vậy nên dù Thị trường manga/anime phát triển rầm rộ, với đầy đủ các cấp độ hình ảnh, từ dễ thương, xinh xắn, đến mát mẻ, sexy, rồi những màn ân ái nóng bỏng… cũng không ảnh hưởng đến sự lành mạnh chung của xã hội.

Ngay cả các tác phẩm như Fairy Tail và Đảo hải tặc, tại Nhật Bản cũng đã được lưu ý rất rõ, đó là anime/manga dành cho độ tuổi từ 15. Xin thưa, 15 tuổi thì không ai gọi họ là nhi đồng hay thiếu nhi nữa. Họ đã bước vào độ tuổi trưởng thành. Trong khi, nội dung bài báo trên nêu rất rõ, đối tượng có thể bị ảnh hưởng ở đây là thiếu niên, nhi đồng mà thôi.

Cả One Piece…

Đáng tiếc, ở Việt Nam, anime/manga không được phân định rõ dành cho các lứa tuổi. Chính vì vậy, những bộ anime dành cho lứa tuổi từ 14-15 lại được chiếu cho khán giả đại trà, bất kỳ ai, từ nam, phụ, lão, ấu, từ nhi đồng đến thiếu nhi đều có thể xem. Đó chính là vấn đề mà tác giả đặt ra trong bài báo: chiếu những anime này trong khung giờ vàng là bất hợp lý.

Tuy nhiên, có lẽ tác giả Ngọc Mai đã thiếu tinh tế khi sử dụng từ ngữ. Trong trường hợp này, việc sử dụng tính từ “bẩn” là chưa phù hợp, bởi vì Fairy Tail, Đảo hải tặc, ngay cả Shin-cậu bé Bút chì, đều là những tác phẩm nổi tiếng thế giới, và đã được các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp phép xuất bản. Nên chăng, tác giả có cách diễn đạt khác hợp tình hợp lý hơn, thì có lẽ đã không gây sự bùng nổ giận dữ đối với fan của anime.

Và việc sử dụng tính từ mạnh này cũng cho thấy, có lẽ anime vẫn đang bị nhìn nhận một cách chưa thực sự khách quan và không mấy thiện cảm, không phải chỉ riêng tác giả, mà nói đúng hơn, là tác giả đang đại diện cho phần đông các bậc phụ huynh đánh giá.

Về lâu dài, có lẽ, chỉ khi anime/manga được phân định rõ rành ranh giới các lứa tuổi như Nhật Bản, thì mới mong thay đổi được thái độ chung của xã hội đối với thể loại này. Còn nếu không, anime vẫn chỉ luôn được nhìn nhận như thể loại phim hoạt hình nói chung, mà đối với quan niệm của đa số phụ huynh Việt Nam, phim hoạt hình là để dành cho trẻ em.

Tuy vậy, với các fan anime, việc lao vào chửi bới khi ai đó nói không tốt về tình yêu của mình không bao giờ làm thái độ của xã hội nói chung thiện cảm hơn với anime. Thậm chí điều này càng làm mọi người kiêng dè hơn, vì họ tin rằng khi con em mình khi trót say mê, chúng cũng sẽ trở thành những kẻ cuồng tín và quá khích, sẵn sàng ném đá tơi bời bất kỳ ai dám đụng vào sở thích của mình, bất kể đúng sai, bất kể lý lẽ.

…hay Fairy tail đều dành cho lứa tuổi 15, chứ không dành cho thiếu nhi.

Ví dụ, trong trường hợp của MC Mai Ngọc vừa qua. Có lẽ, đây là lần đầu tiên chị biết đến cộng đồng anime đông đảo. Tuy nhiên, tất cả những gì chị biết về họ khi ấy, đó là một đám đông hung hãn và cuồng bạo. Chỉ một mồi lửa nhỏ từ một “kẻ chỉ điểm” không đáng tin cậy, họ đã lao vào mạt sát chị không thương tiếc. Thậm chí, khi mọi chuyện đã rõ trắng đen, rằng chị không phải là tác giả bài viết, một số người trong đó vẫn không ngừng đe dọa, cảnh cáo chị.

Bất kỳ ai khi phải đối mặt với điều này, thì dù không ác cảm, họ cũng khó lòng mà thiện cảm lại với một cộng đồng bao gồm những thành viên cực đoan đến như vậy.

Với những fan anime chân chính và thấu đáo, thay vì chửi bới, họ sẽ bình tĩnh đón nhận những khen chê trái chiều của người khác, từ tốn giải thích cho những người không hiểu, và từ đó khuyến khích được nhiều người cùng tìm hiểu và yêu mến anime hơn nữa. Bởi vì họ hiểu rằng, muốn truyền tình yêu đến cho một con người, phải bắt đầu từ trái tim, chứ không không phải từ bất kỳ sự áp đặt hay ép buộc nào.

 

 

theo ign