
Ông Nguyễn Thế Long, người từng được tin là đã hy sinh nơi chiến trường gần nửa thế kỷ trước, nay trở về đoàn tụ với người thân ruột thịt ở thôn Đai, một làng quê biển thuộc xã Quảng Hải, Quảng Xương, Thanh Hóa. Ông trở về lặng lẽ bên vòng tay yêu thương và những ánh mắt chan chứa xúc động của gia đình sau hàng chục năm ly biệt.
Em gái ông Long, bà Nguyễn Thị Côi, không kìm được nước mắt khi lần đầu gặp anh trai sau bao năm. “Anh có nhận ra em không?”, bà hỏi, nhưng ông Long chỉ lắc đầu. Ký ức về quê hương và gia đình dường như vẫn mơ hồ trong tâm trí người lính già.

Năm 1976, Nguyễn Thế Long, chàng thanh niên 17 tuổi rời quê nhập ngũ. 6 năm sau, gia đình nhận được giấy báo tử, xác nhận anh đã hy sinh ở chiến trường Campuchia. Mẹ ông sau đó qua đời trong nỗi đau mất con. Ngôi nhà nhỏ chỉ còn lại ký ức và tấm bằng Tổ quốc ghi công treo trên tường.
Không ai ngờ rằng ở một nơi xa tít tận miền Tây Nam Bộ, ông Long vẫn còn sống, dù trí nhớ không trọn vẹn. Khoảng năm 1987, ông được một gia đình ở An Giang cưu mang sau khi được phát hiện trong tình trạng không nhớ mình là ai. Từ đó, ông sống như một thành viên trong gia đình người mẹ nuôi Huỳnh Thị Hằng, được chăm sóc yêu thương suốt gần 40 năm.
Mãi đến gần đây, ông bất ngờ nhớ lại tên cha mẹ ruột, địa danh quê hương và tên vài người thân. Thông tin ấy được xác minh và rồi ngày hội ngộ không tưởng đã diễn ra.

Trong ngày trở về, bà Hằng, người mẹ nuôi của ông Long cũng có mặt. Bà lặng lẽ thắp hương lên bàn thờ cha mẹ ruột của ông Long và nói trong nước mắt: “Giờ tôi có thể yên lòng. Tôi đã đưa con trai về với tổ tiên”.
Dù sức khỏe và trí nhớ của ông Long không còn như xưa, ông vẫn có thể nhận ra những tên tuổi thân thương ngày nào. Đứng trước bàn thờ gia tiên, ông quỳ gối thắp nén nhang đầu tiên sau gần nửa thế kỷ xa quê, đọc tên mẹ như một lời khẳng định: “Con đã trở về”.

Trong bữa cơm đầu tiên tại quê hương, ông Long dường như trở nên tỉnh táo hơn. Ông ăn ngon miệng những món ăn quen thuộc của vùng biển quê nhà, giữa vòng tay của hai gia đình, một bên là ruột thịt, một bên là ân nhân. Dù không có vợ con, sự hiện diện của những người yêu thương ông vẫn đủ để tạo nên một mái nhà trọn vẹn.
"Xa người chết đã buồn, xa người sống càng đau hơn", bà Hằng nói trong nghẹn ngào. Dẫu vui vì ông Long tìm được quê hương, bà vẫn canh cánh nỗi lòng khi phải xa con nuôi.
Trao đổi với VietNamNet, Thiếu tá Hoàng Văn Chiến, trưởng công an xã Quảng Hải, cho biết, chính quyền xã đang phối hợp hoàn tất các thủ tục cần thiết để cấp lại giấy tờ tùy thân, bảo hiểm y tế và hỗ trợ ông Long được hưởng chế độ dành cho thương binh nếu đủ điều kiện.
“Đây là trường hợp hiếm gặp và chúng tôi sẽ làm hết sức để giúp ông sớm ổn định cuộc sống” - Thiếu tá Chiến chia sẻ.
