Ngày 20/5, Bộ Thương mại Mỹ chính thức liệt công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen Entity vì nỗi lo an ninh quốc gia. Theo quy định, bất kỳ công ty nào của Mỹ muốn cung cấp các bộ phận, linh kiện cho Huawei đều cần phải có sự chấp thuận và giấy phép của chính phủ Mỹ.
Liệt Huawei vào danh sách đen, Tổng thống Trump đang thực sự trừng phạt ai? |
Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Trump ban lệnh cấm các cơ quan, đơn vị nhà nước sử dụng thiết bị của một vài nhà sản xuất Trung Quốc, trong đó có Huawei, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cấm Huawei tham gia công tác thiết lập mạng lưới 5G trên toàn nước Mỹ.
Mỹ cũng kêu gọi các nước đi theo động thái trên, song ngoại trừ Australia, đến ngay cả các đồng minh thân cận nhất của nước này cũng không tỏ thái độ sẵn sàng từ bỏ thiết bị của công ty Trung Quốc, do thị phần này trong thị trường viễn thông toàn cầu quá rộng lớn.
Trong bối cảnh tranh cãi thương mại giữa hai bên leo thang, Tổng thống Trump tuyên bố lệnh cấm khẩn cấp đối với việc mua bán và sử sụng thiết bị viễn thông của Trung Quốc. Kết quả là Huawei và gần 70 chi nhánh bị liệt vào danh sách Entity.
Trên thực tế, Mỹ trước đây đã từng sử dụng chính sách này đối với một công ty khác của Trung Quốc, là ZTE. Vào thời điểm đó, lệnh cấm các công ty Mỹ bán linh kiện, bộ phận cho ZTE đã khiến công ty Trung Quốc này gần phá sản.
Tất nhiên, Huawei không phụ thuộc quá nhiều vào các linh kiện nhập khẩu, song lệnh cấm rõ ràng khiến công việc kinh doanh của công ty trở nên phức tạp hơn, khi gần đây Google lại tuyên bố cắt đứt việc chuyển giao phần mềm phần cứng cho Huawei vì lệnh cấm của Mỹ. “Ông lớn” công nghệ Trung Quốc cũng sử dụng phần chip nhập từ các nhà sản xuất Mỹ như Intel, Qualcomm, và Broadcom – 3 công ty vừa tuyên bố không bán linh kiện cho Huawei.
Về phần các công ty Mỹ, việc tuân thủ đúng mệnh lệnh của Tổng thống Trump dường như cũng thiệt hại đáng kể.
Theo Huawei, năm ngoái, công ty đã mua tổng cộng khoảng 70 tỷ USD linh kiện nước ngoài từ 13.000 nhà cung ứng. Các công ty của Mỹ chiếm 11 tỷ USD trong số đó.
Adam Segal – Giám đốc An ninh mạng tại Hội đồng Đối ngoại – trả lời kênh truyền hình CNBC rằng Bắc Kinh có thể trả đũa các nhà sản xuất Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc.
Hơn thế nữa, biện pháp trả đũa dễ dàng nhất là “tẩy chay” các sản phẩm của Mỹ, một điều mà từng nhiều lần xảy ra tại Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc cũng gây khó dễ hơn cho các doanh nghiệp của Mỹ. Nạn nhân thiệt hại đáng kể nhất trong tình huống này là Apple, khi sản xuất phần lớn thiết bị của mình tại Trung Quốc. Màn hình OLED, máy quét khuôn mặt, máy ảnh - tất cả các thành phần này được sản xuất tại Trung Quốc, giúp giảm giá thành cuối cùng của sản phẩm. Lời cam kết giảm thuế cho Apple của Tổng thống Trump cũng sẽ không thể bù đủ cho các chi phí phát sinh nếu dây chuyền sản xuất chuyển hết về Mỹ.
Theo Gong Hongle – chuyên gia Viên nghiên cứu đối ngoại Đại học Nam Kinh, việc chính quyền Tổng thống Trump muốn bảo vệ các công ty của họ khỏi các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc có thể phản tác dụng.
Theo Báo Tin tức