- Đối với thế hệ du học sinh Việt Nam những năm 70-80 của thế kỷ trước, Liên Xô luôn vĩ đại và và thiêng liêng như quê hương thứ hai, với những con người thật phúc hậu, nhân ái, luôn yêu thương và giúp đỡ người Việt Nam như người thân trong gia đình mình.
Ngày kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, ký ức trong tôi về một chặng đường học tập và tu nghiệp ở Liên bang Xô-viết lại ùa về.
Năm ấy, 1975, tôi cùng với hàng trăm sinh viên trẻ bắt đầu lên tàu sang Liên Xô. Điểm đến của chúng tôi là Tashkent, thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Xô-viết Uzbekistan thuộc Liên bang Xô-viết, nay là Cộng hòa Uzbekistan. Chúng tôi là những sinh viên thi đỗ Đại học đạt điểm cao, được Nhà nước chọn cử đi học với học bổng hỗ trợ hoàn toàn của Chính quyền Xô viết. Giai đoạn đó, mỗi năm, Việt Nam có tới 600 học sinh được cử sang Liên Xô học tập.
Chúng tôi phải trải qua 1 năm học Khoa Dự bị tại Đại học Tổng hợp Tashkent trước khi được bố trí về học các chuyên ngành khác nhau trong hệ thống các trường đại học thuộc Liên bang Xô-viết.
Tập thể lớp Dự bị Đại học Tổng hợp Tashkent khoá 1975-1976. Tác giả Trần Văn đứng thứ 5 hàng 2 từ trái sang (ảnh: Do tác giả cung cấp) |
Nhưng có lẽ, một năm ngắn ngủi ấy lại đọng lại những ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi- một chàng sinh viên mới 17 tuổi, lần đầu đặt chân tới một đất nước vĩ đại, thiêng liêng, nơi được coi là thành trì của Chủ nghĩa xã hội và đang cưu mang biết bao nước nghèo.
Khoa dự bị của Đại học Tổng hợp Tashkent nằm biệt lập với khu trường chính ở ngay trung tâm thành phố, trên đường Bogdan Khmennitsky, trong một tòa nhà cổ kính, có sân vườn rộng.
Vừa mới tới nơi, các anh chị sinh viên khoá trên người Việt, vốn từ nhiều trường khác nhau trong nước như Đại học Tổng hợp, Bách khoa, Y khoa, Nông nghiệp đã ngay lập tức đến thăm hỏi, giúp đỡ, xoá tan ngay thứ cảm giác lo lắng, bỡ ngỡ ban đầu. Và cũng có thể, các anh trai khoá trên ấy chỉ muốn đến “coi mặt” các bạn nữ người Việt mới sang để kết bạn mà thôi?!
Sau này, chính các anh chị ấy đã dạy chúng tôi tất cả những việc cần biết của một sinh viên du học, từ việc tự cắt tóc, tự may quần áo cho đến chụp ảnh, tráng phim, phóng rửa ảnh,... và thậm chí, rủ đi dã ngoại, chơi thể thao.
Thời điểm nhập học đã là cuối hè, đầu thu, chúng tôi được nhà trường đưa đi mua sắm quần áo ấm ở Cửa hàng Bách hóa tổng hợp. Đồ dùng học tập được nhà trường cấp miễn phí. Ngoài ra, chúng tôi còn có học bổng 70 rúp một tháng được dùng cho ăn uống, sinh hoạt.
Cô giáo chủ nhiệm lớp tôi tên là Elena, người Ucraina, có chồng là sỹ quan Hồng quân đang phục vụ ở Trung Á. Cô có gương mặt phúc hậu và đặc biệt, rất yêu học sinh Việt Nam. Như một lẽ tự nhiên, những sinh viên người Việt ngày đó, ai ai cũng đều chung một cảm nhận rằng, trong trái tim những con người Liên Xô ấy luôn là một sự sẻ chia, đồng cảm và sẵn lòng giúp đỡ những người Việt Nam- đến từ đất nước nghèo khó bởi chiến tranh trong cả học tập lẫn sinh hoạt thường nhật.
Cũng nhờ tiếp xúc với những con người thân thiện đó, tiếng Nga của chúng tôi tốt lên nhanh chóng và cũng dần dễ dàng học được các môn tự nhiên khác bằng tiếng Nga. Đây là bước quan trọng để tiếp cận dần các từ ngữ, thuật ngữ khoa học chuyên ngành, phục vụ cho việc nghe giảng ở các trường đại học sau này.
Đội xây dựng sinh viên Đại học Tổng hợp Tashkent mùa hè 1976. Tác giả Trần Văn đứng đầu tiên phía bên phải (ảnh: Do tác giả cung cấp) |
Thời tiết ở Tashkent là thời tiết sa mạc, lạnh vào mùa đông và rất khô, nóng vào mùa hè, có khi nóng tới 40 độ. Ngay trong một mùa, nhiệt độ giữa ngày và đêm cũng chênh lệch hàng chục độ.
Mùa đông năm đó, chúng tôi được trường cho đi nghỉ đông ở làng Kumushkan, cách không xa Tashkent. Lần đầu tiên tôi được nhìn tuyết rơi, một hình ảnh rất thú vị. Tất cả lũ sinh viên chúng tôi như những đứa trẻ mới lớn, lao ra sân nghịch tuyết, vo tuyết lại và ném vào nhau.
Mùa hè, chúng tôi được đi chơi ở hồ thủy lợi Tuyabugus, thường gọi là Tashmore, cách thành phố Tashkent khoảng 30 km về phía Nam, rồi tham gia các đội xây dựng của sinh viên gọi là stroyotriad.
Phải nói rằng, cuộc sống của du học sinh thuở ấy mà Liên Xô dành cho chúng tôi- đẹp và long lanh như một giấc mơ: hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi, với thú vui chung tiền mua máy quay đĩa loại sách tay, mua các đĩa nhạc của Beatles, Humperdinck,… của Anh hay Samosvetu, Pesnjaru, Sinnaya Ptitsa,… của Nga về nghe.
Hương vị của món mỳ Lakhman, gạo nấu Plov và thịt cừu nướng kiểu Uzbek vẫn còn rõ nét. Và mặc dù bị cấm yêu đương hay xem phim Mỹ thì chúng tôi vẫn cảm thấy rất háo hức mon men ra công viên gần trường chỉ để xem nhảy đầm trong dịp cuối tuần hay lễ hội.
Tất nhiên, đối với lưu học sinh chúng tôi, tập trung học luôn là nhiệm vụ tiên quyết và trọng yếu. Lớp chúng tôi không đơn thuần chỉ như một lớp học, mà còn là một tổ chức có đơn vị trưởng, có lãnh đạo, có chi đoàn, có cấp ủy. Trong tâm khảm mỗi sinh viên, việc học là một trách nhiệm cao cả, rèn luyện, tu dưỡng để trở về cống hiến cho Tổ quốc. Nếu để điểm kém, để bị phê bình là điều tối kỵ đáng xấu hổ nhất.
Nói thêm về thủ đô Tashkent của Uzbekistan, khi đó, nơi đây vẫn đang trong quá trình xây dựng lại sau khi bị san phẳng bởi trận động đất lớn 9 năm trước. Thành phố nổi tiếng của Trung Á cổ đại vẫn chưa có metro. Đến năm 1991, khi Liên bang Liên Xô tan ra, Uzbekistan trở thành quốc gia độc lập.
Một điểm khá đặc biệt ở quốc gia này là mặc dù, có rất nhiều nhóm sắc tộc khác như người Nga, Tajik, Kazakh, Karakalpak hay và Tatar…, nhiều tôn giáo như Hồi giáo, Nhà thờ chính thống Phương Đông, Phật giáo hay Do thái giáo, nhưng chúng tôi hoàn toàn không cảm nhận được sự cách biệt giữa các dân tộc và tôn giáo. Tất cả người dân ở đây đều hết mực thân thiện, quý mến và luôn sẵn lòng giúp đỡ các sinh viên Việt Nam.
Cho tới tận bây giờ, dù hàng chục năm trôi qua, khoá chúng tôi vẫn hay gặp nhau. Rất nhiều người trong chúng tôi, sau khi học tập và tu nghiệp ở Liên Xô ngày đó, đã về nước thành đạt, giữ nhiều trọng trách trong bộ máy nhà nước.
Chẳng hạn như anh Lương Phan Cừ, cựu sinh viên luật Đại học Tổng hợp Tashkent, sau nhiều khóa làm đại biểu Quốc hội, nay là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Uzbekistan, anh Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, anh Lê Hưng Quốc, nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hồ Chí Minh, giáo sư Nguyễn Đăng Dung, Đại học Quốc gia Hà Nội...
Quãng thời gian ấy hẳn luôn là thước phim sống động và đẹp nhất trong cuộc đời sinh viên chúng tôi. Dù thế giới có nhiều đổi thay, Liên Xô vẫn luôn là quê hương thứ 2 để chúng tôi hướng về với nhiều xúc cảm hoài niệm thiêng liêng.
Trần Văn
(Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- ngân sách của Quốc hội, cựu sinh viên Khoa dự bị, Đại học Tổng hợp Tashkent khoá 1975-1976, cựu sinh viên Đại học Trắc địa, đo đạc hàng không và bản đồ Moskva, Liên xô)