- Theo Phương Trang (Futa Buslines) - hãng xe khách lớn nhất nước - thì theo quy định thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật không quá 1 lần/năm nhưng đơn vị lại bị thanh tra đến 3 lần.
Thanh tra để trả đũa doanh nghiệp ?
Trước đó, trao đổi với báo chí ông Lê Vĩnh Phát, Chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM thừa nhận trong năm 2015, đã thực hiện 2 cuộc thanh tra hãng Phương Trang sau vụ tai nạn giao thông trên cầu vượt Cây Gõ và vụ tai nạn ở Lâm Đồng, mỗi đợt thanh tra kéo dài 5 ngày.
Tiếp đó, vào đầu tháng 5 vừa qua, Ủy Ban ATGT Quốc gia đã chỉ đạo Thanh tra GTVT TP thanh tra chuyên ngành đối với Phương Trang vì liên quan đến vụ xe khách Phương Trang và một xe khách khác rượt đuổi nhau trên QL1 gây náo loạn, uy hiếp tính mạng của người đi đường.
Hoạt động tại điểm kinh doanh công ty TNHH Thành Bưởi chẳng khác mô hình bến xe Miền Đông, bến xe miền Tây thu nhỏ. |
Ông Phát cho biết, trong lần thanh tra này phía đoàn thanh tra của Sở GTVT TPHCM gặp sự phản ứng của hãng xe Phương Trang nên phải hoãn lại. Ngoài ra, thời điểm Ủy ban ATGT QG chỉ đạo trùng với thời điểm diễn ra bầu cử và có nhiều công việc quan trọng phải thực hiện nên nhiệm vụ thanh tra Phương Trang được chuyển sang phòng Quản lý vận tải thuộc Sở GTVT đảm nhiệm.
Trước thông tin này, đại diện Phương Trang "phản pháo" cho rằng: theo Nghị Quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 của Chính phủ "UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra”.
Ngoài ra, đại điện Phương Trang cho hay: ông Phát thanh minh rằng các quyết định thanh tra đều có chỉ đạo của Uỷ ban ATGT QG sau các vụ tai nạn hoặc hành vi vi phạm giao thông của Phương Trang là chưa hoàn toàn chính xác.
Cụ thể, mới đây nhất, vào tháng 5 vừa qua, sau một vụ va chạm của xe Phương Trang với hãng xe khác, văn phòng Uỷ ban ATGT QG chỉ đạo xác minh sự việc; không yêu cầu thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, ông Phát vẫn ký quyết định cho thanh tra Phương Trang. Khi báo chí phản ánh, lãnh đạo Sở GTVT TP HCM đã yêu cầu ông Phát phải rút quyết định sai luật, dừng việc lập đoàn thanh tra.
Xe khách Thành Bưởi đậu chờ chở khách và bốc xếp hàng hóa |
Việc thanh tra hụt diễn ra trong thời điểm công ty Phương Trang cùng 11 DN vận tải khác vừa có đơn kiến nghị các cấp lãnh đạo TP HCM về quản lý các bến “cóc”, xe “dù” đang lộng hành trên địa bàn.
Qua đó, Phương Trang nhìn nhận hành động thanh tra đột xuất này được nghi vấn như một sự "trả đũa" với DN (?)
Phương Trang tố Chánh thanh tra "dung túng" cho hãng xe khác
Theo Phương Trang, căn cứ Nghị định 86 của Chính Phủ và thông tư 63 của Bộ GTVT có hiệu lực từ năm 2014, là cơ sở để xử lý tình trạng “xe khách trá hình” và “bến xe khách lậu”. Thế nhưng, trong năm 2015, tại TPHCM “xe dù, bến cóc” tăng 25% so với năm 2014.
Trong nội dung tố cáo Phương Trang cho rằng, ông Lê Vĩnh Phát không hoàn thành nhiệm vụ, có dấu hiệu dung túng cho xe khách liên tỉnh giả danh hợp đồng, bến xe khách lậu hoạt động tràn làn, là một biến tướng của tệ nạn buôn lậu, trốn thuế - một kiểu coi thường pháp luật, gây thiệt hại cho xã hội.
Phương Trang nêu đích danh nằm ngay địa chỉ số 1 đường Vĩnh Viễn, phường 2, quận 10, TPHCM (ở sát bên Thanh tra Sở GTVT TPHCM) xuất hiện và tồn tại một "bến xe khách lậu" nhưng không thấy xử lý (!).
Chánh Thanh tra Sở GTVT cho rằng: bến xe được cấp phép, hoạt động đúng luật (?) |
Để xác minh thông tin Phương Trang tố cáo, chiều 6/7 PV VietNamNet đã có mặt tại đây, ghi nhận phản ánh. Đứng bên ngoài đường Vĩnh Viễn quan sát vào khu nhà có diện tích hàng trăm m2 là bảng hiệu ghi rõ công ty TNHH Thành Bưởi - điểm kinh doanh.
Thời điểm, 18h khi PV có mặt, trước cổng bến này có một nhóm bảo vệ và nhân viên Thành Bưởi đang hướng dẫn khách cũng như các xe của công ty ra vào bến. Rất đông hành khách tay xách, nách mang hành lý tiến vào bên trong khu vực chờ mua vé, đón xe về quê.
Bên trong bến xe có đầy đủ các loại hình kinh doanh từ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, bán vé lẻ cho khách, dịch vụ trông giữ xe qua đêm, hàng ăn thức uống; thậm chí còn có tình trạng đón, trả khách ngay trong bến.
Có thể nói, hình thức hoạt động của điểm kinh doanh này chẳng khác nào là mô hình vận tải của bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây…thu nhỏ.
Trước đó, ngày 6/7, trả lời báo chí ông Phát cho biết: ông cũng nhận được phản ánh là thao túng cho bến xe của một hãng xe lớn khác hoạt động trên đường Lê Hồng Phong (gần giao lộ Lê Hồng Phong - Vĩnh Viễn, quận 10); thanh tra Sở cũng thực hiện kiểm tra. Đợt kiểm tra này - theo ông Phát còn có cả lãnh đạo Bộ GTVT nhưng bến xe này được cấp phép hoạt động đúng pháp luật (!).
“Chúng tôi cũng được biết là khu đất này được DN thuê lại để làm bến. Người ta được cơ quan chức năng cấp phép đầy đủ nên không có căn cứ xử lý”, ông Phát khẳng định.
Điều chuyển công tác Chánh thanh tra Sở GTVT TPHCM Ngày 7/7, đại điện Sở GTVT TPHCM cho biết, ông Lê Vĩnh Phát - Chánh thanh tra Sở GTVT TPHCM đã được điều chuyển về phòng Tổ chức cán bộ thuộc Sở. Theo đó, việc điều chuyển được thực hiện từ ngày 1/7/2016; ông Phát được điều chuyển về làm Trưởng phòng Tổ chức cán bộ. Cũng theo đại diện Sở GTVT TPHCM, hiện ông Vũ Việt Hà, Phó chánh Thanh tra Sở tạm thời thay ông Phát phụ trách Thanh tra Sở GTVT. Việc ông Phát được điều chuyển công tác khá bất ngờ, đúng thời điểm ông này bị Công ty Phương Trang tố cáo có hành vi gây nhũng nhiễu doanh nghiệp và có dấu hiệu bao che cho xe khách liên tỉnh giả danh xe hợp đồng, bến xe khách lậu hoạt động tại TP.HCM. Được biết, hiện Sở GTVT TP.HCM đã thành lập tổ xác minh những tố cáo trên theo đúng Luật khiếu nại tố cáo. |
Tuấn Kiệt