Nợ chồng chất, công nhân ngậm ngùi đón Tết xa nhà
Số tiền gần 30 triệu cần để mua vé máy bay về quê, lo Tết trở thành gánh nặng quá lớn với gia đình chị Huyền sau nhiều tháng thất nghiệp. Chị cùng chồng và hai con nhỏ đành ở lại TPHCM cho qua Tết.
Thất nghiệp kéo dài
Năm vừa qua, do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều công ty liên tục cắt giảm lao động khiến số người thất nghiệp tăng cao. Ngoài những lao động trở về quê, nhiều công nhân quyết định bám trụ TP.HCM mưu sinh.
Thế nhưng, việc thất nghiệp vào thời điểm cuối năm càng khiến cuộc sống của những người chọn ở lại vốn đã khó khăn càng thêm chật vật. Để đối phó với tình hình chung, các công nhân tất tả tìm việc làm mới.
Cuối ngày, con hẻm dẫn vào dãy trọ ở 155/14b đường Lê Đình Cẩn (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM) tối om. Bà Lê Thị Nga (50 tuổi) bế đứa cháu nội ra đầu hẻm chờ nghe kết quả từ người hàng xóm vừa đi xin việc trở về.
Bà Nga làm công nhân trong một công ty tư nhân gần dãy trọ. Năm vừa qua, công ty nơi bà làm việc liên tục gặp khó khăn. Bà thường xuyên không có việc.
Những lúc công ty không có đơn hàng, bà Nga xin đi phụ hồ để trang trải cuộc sống. Tết này, có lẽ bà sẽ không thể về quê sum họp gia đình.
Để cải thiện tình tình, bà Nga chạy vạy tìm việc và may mắn xin được vào làm trong một công ty thực phẩm. Tuy nhiên, công việc này cũng chỉ mang tính cầm chừng.
Hiện tại, mỗi ngày bà chỉ được làm nửa buổi với thu nhập mấy chục nghìn đồng. Để có thêm thu nhập, những lúc công ty không có hàng, bà và các con nhận đồ trang trí Tết về gia công.
Tuy nhiên, mức thù lao quá rẻ lại tốn nhiều thời gian nên công việc này không đem lại cho gia đình bà nguồn thu nhập như mong đợi. Bà nói: “Gia công đồ trang trí Tết mất nhiều thời gian nhưng thu nhập không bao nhiêu.
Tôi và các con đang tìm công việc khác có thu nhập tốt hơn. Con dâu tôi phải chăm con nhỏ nên chắc sẽ ở nhà, tiếp tục làm đồ gia công. Còn tôi và con trai xin đi phụ hồ để nhanh có tiền trang trải chứ sắp hết năm rồi”.
Bà Nga dứt lời cũng là lúc chị Đoàn Hồng Anh (32 tuổi, quê Bình Thuận) trở về phòng trọ sau một ngày trải nghiệm công việc mới. Sau thời gian liên tục thất nghiệp, làm đủ thứ việc để trang trải cuộc sống, chị vừa xin được việc làm tại quán ăn cách nơi ở của mình khá xa.
Mỗi sáng, chị thức dậy, đạp xe đến nơi làm việc từ 5h sáng. Cuối ngày, hơn 17h chị mới về đến phòng trọ trong tình trạng mệt rã rời. Chị nói: “Bây giờ xin việc khó lắm nên dù công việc này không thật sự ổn định và khá vất vả tôi cũng không dám nghỉ.
Trước mắt, công việc này ít nhiều cho tôi nguồn thu nhập để lo cho cái Tết sắp tới dù chắc chắn sẽ không tươm tất, đầy đủ như mọi năm. Do đó, tôi sẽ cố gắng làm việc cho tốt, đợi qua Tết rồi mới tính đến chuyện tìm việc khác”.
Cố gắng xoay xở
Cũng như chị Hồng Anh, nhiều công nhân cho biết khi quyết định bám trụ thành phố lúc thất nghiệp, họ đã xác định phải sống trong khó khăn. Thế nên ai cũng sẵn sàng tâm lý thích nghi với nhiều nỗi chật vật và nỗ lực xoay xở để cải thiện tình hình.
Những công nhân may mắn không thất nghiệp khẳng định bản thân cố gắng bám việc, bớt thời gian nghỉ ngơi để tìm việc làm thêm. Số công nhân này phần lớn là người trẻ tuổi. Họ không ngần ngại đi chạy bàn, rửa bát thuê vào ban đêm...
Một số khác lại cố gắng nhận những công việc gia công tại nhà để có thêm chi phí sinh hoạt, đón Tết. Dù còn trẻ và đang làm việc tại một trung tâm chăm sóc ô tô, Lê Hữu Tài (24 tuổi, quê An Giang) vẫn liên hệ tìm việc làm thêm dịp cuối năm.
Cuối cùng, Tài nhận công việc bốc xếp rau quả trong chợ đầu mối vào mỗi đêm. Tài cho biết: "Năm nay khó khăn quá nên tôi tranh thủ làm thêm dịp cuối năm.
Tôi chỉ rảnh vào buổi tối và cảm thấy mình đủ sức khỏe nên nhận làm bốc xếp rau củ ở chợ đầu mối. Làm việc này, tôi gần như không có thời gian ngủ nhưng đổi lại có thêm thu nhập”.
Trong khi đó, những lao động ngoài 40 tuổi thất nghiệp càng thêm khó khăn. Bởi, ở tuổi này cơ hội tìm được việc làm mới có thu nhập ổn định rất thấp. Hầu hết đều cố xoay xở trong những tháng cuối năm bằng cách chọn việc thời vụ, tạm thời.
Bà Trần Thị Hằng (49 tuổi, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) là một ví dụ. Sau khi thất nghiệp, nhiều tháng nay bà Hằng không chỉ nhận gia công bao lì xì Tết với thu nhập ít ỏi, mà còn đi rửa bát thuê và phụ dọn dẹp tại các quán ăn vào buổi tối.
Chồng của bà Hằng vốn là công nhân của một công ty chuyên sản xuất giày dép nay cũng thất nghiệp. Đi đến đâu xin việc, ông cũng nhận về những cái lắc đầu. Bí quá, ông đành chạy xe máy ra ngã tư làm xe ôm.
Dẫu vậy, chưa có kinh nghiệm, không có khách mối, không thể cạnh tranh với xe ôm công nghệ, sau 2 tuần thử nghiệm, ông đành từ bỏ công việc trên. Mới đây, ông nhờ người quen xin cho mình đi phụ hồ hoặc bốc vác trong chợ đầu mối.
“Với tôi bây giờ, tìm được việc làm đã là tốt lắm rồi. Tôi không nghĩ nhiều đến chuyện công việc có nặng nhọc hay phù hợp với tuổi tác, sức khỏe của mình hay không. Tạm thời cứ cố gắng xoay xở đã, sang năm sẽ tính tiếp”, ông chia sẻ.
Bão thất nghiệp cũng khiến gia đình bà Lê Thị Bưởi (48 tuổi, đường số 5, phường Tân Tạo A) đối mặt nhiều khó khăn. Không muốn tiếp tục chịu cảnh chạy tìm việc làm, tạo thêm thu nhập dịp cận Tết, chồng bà quyết định sẽ đi xuất khẩu lao động vào năm sau.
Hiện tại, vợ chồng bà Bưởi cố gắng làm việc để có đủ tiền lo thủ tục xuất ngoại sau Tết. Bà nói: "Năm vừa qua, công ty gặp khó khăn, chúng tôi bị cho nghỉ thứ Sáu, thứ Bảy. Những tháng cuối năm, công ty có lại nhiều đơn hàng nên đủ khả năng chi trả lương, thưởng cho công nhân.
Tuy vậy, năm nay gia đình tôi dự định không sắm Tết. Chúng tôi sẽ dành hết số tiền được nhận để làm thủ tục cho chồng xuất khẩu lao động. Tôi hy vọng, cách xoay xở này sẽ giúp gia đình có cái Tết đủ đầy hơn vào các năm tới”.
Số tiền gần 30 triệu cần để mua vé máy bay về quê, lo Tết trở thành gánh nặng quá lớn với gia đình chị Huyền sau nhiều tháng thất nghiệp. Chị cùng chồng và hai con nhỏ đành ở lại TPHCM cho qua Tết.
Thất nghiệp, không còn tiền trang trải, hễ nghe ở đâu tặng gạo, cho rau củ… chị lại đến xin. Mới đây, để có cơm cho gia đình 4 miệng ăn, chị phải cầu cứu người thân ở quê gửi tiền, thực phẩm vào hỗ trợ.