Theo thông tin từ Viện Vật lý địa cầu, đến 19h ngày 22/8, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) xảy ra 9 trận động đất. Trong đó, có trận mạnh đến 4.4 độ richter khiến người dân cảm nhận được rung lắc rõ rệt.
Cụ thể, hồi 13h30 cùng ngày, một trận động đất có độ lớn 4.4 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.842 độ vĩ Bắc, 108.221 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Gần 2 giờ sau, khoảng 14h59, tiếp tục xảy ra trận động đất mạnh 4.0 độ richter, tại vị trí có tọa độ 14.918 độ vĩ Bắc, 108.219 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km.
Cũng trong ngày, Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận các trận động đất khác có độ mạnh dao động từ 2.5 - 3.0 độ richter.
Còn trong ngày 21/8, tại huyện Kon Plông đã xảy ra 4 trận động đất. Tại trận số 4, xảy ra lúc 10h40 cùng ngày, có độ lớn đến 4.0 độ richter.
Thống kê của Viện Vật lý địa cầu cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, ở Kon Tum đã xảy ra hơn 200 trận động đất. Trong đó, trận động đất mạnh nhất xảy ra ở khu vực này vào trưa ngày 28/7 với độ lớn 5.0 đã gây rung lắc mạnh cho các tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên.
TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, đây là những trận động đất kích thích, gây ra bởi hồ chứa thủy điện.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.
Về động đất kích thích, được hiểu do tác động của con người vào thiên nhiên mà không phải động đất thiên nhiên do đới đứt gãy tự nhiên. Động đất kích thích có quy luật, thường xảy ra ở khu vực có hồ chứa hoạt động, nhất là hồ thủy điện hoặc hồ chứa tích nước lớn. Hồ chứa tích nước, lượng nước gây ra sức ép lớn xuống đáy hồ, kết hợp với những đứt gãy địa phương, gia tăng ứng suất của cột nước lớn sẽ gây ra động đất kích thích. Các trận động đất kích thích thường là một chu kỳ, xảy ra sau thời gian tích nước và thời kỳ mùa mưa. |